Học sinh lớp 1 học 10 buổi/tuần thì giáo viên sinh hoạt chuyên môn khi nào?

22/09/2020 05:57
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi xây dựng chương trình học 9 buổi/tuần người ta đã tính toán đến sự vừa sức của trẻ em và dành 1 buổi trong tuần để giáo viên thực hiện công tác chuyên môn.

Ngày 26/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3866/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn chuẩn bị dạy học đối với lớp 1 năm 2020-2021.

Ảnh minh họa (Phan Tuyết)

Ảnh minh họa (Phan Tuyết)

Công văn nêu rõ: Thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh tiểu học, đảm bảo thời lượng học tập, sinh hoạt tập thể, trải nghiệm thực tế, vui chơi, tham gia hoạt động cộng đồng. Tổ chức dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút, tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng cho biết: Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học.

Rõ ràng, khi xây dựng chương trình học 9 buổi/tuần người ta đã tính toán đến sự vừa sức của trẻ em.

Và chắc chắn rằng 1 buổi còn lại trong tuần để giáo viên thực hiện công tác chuyên môn, điều này là vô cùng cần thiết đối với bậc tiểu học đặc biệt là với lớp 1 khi thực hiện chương trình mới.

Thế nhưng hiện nay, một số tỉnh thành trong cả nước (trong đó có tỉnh Bình Thuận) đã và đang thực hiện dạy 10 buổi/tuần.

Học sinh lớp 1 học 10 buổi/tuần thì giáo viên sinh hoạt chuyên môn khi nào?

Từ nhiều năm nay, học sinh tiểu học tại tỉnh Bình Thuận đang học 10 buổi/tuần. Bởi thế, khi các tổ chuyên môn và nhà trường tổ chức việc dạy dự giờ thao giảng sẽ phải thực hiện bằng 2 cách.

Thao giảng tổ: Giáo viên các lớp cùng khối sẽ để lớp tự quản và qua lớp đồng nghiệp dự giờ.

Thao giảng trường: Bắt học sinh đi học vào sáng thứ Bảy. Cả 2 cách này đều mang lại bất cập.

Thứ nhất, giáo viên bỏ lớp đi dự giờ, học sinh của lớp gần như không được học tiết học ấy. Học trò nhỏ, không có cô trong lớp hay xảy ra tình trạng đánh nhau, nghịch ngợm, quậy phá trong lớp.

Học sinh liên tục gây mất ồn ào, mất trật tự ảnh hưởng đến việc học của các lớp bên cạnh nên giáo viên ngồi dự giờ cũng như đang ngồi trên đống lửa. Vì thế, các cô cũng liên tục đi về lớp để nhắc nhở học sinh dẫn đến dự giờ cũng không kỹ mà giữ trật tự lớp cũng không xong.

Thứ hai, cho học sinh đi học ngày thứ Bảy, các trường đang vi phạm quy định không bố trí học sinh tiểu học học vào thứ Bảy.

Trẻ nhỏ mà đã đi học 10 buổi/tuần đã quá mệt mỏi, các em và cả gia đình cũng muốn được nghỉ ngơi ngày thứ bảy lại phải lo chở con đi học.

Đã có phụ huynh than phiền về việc bắt các em đi học thứ Bảy tạo áp lực lớn cho gia đình và cho việc học hành của học sinh.

Giáo viên lớp 1 rất cần có buổi nghỉ trong tuần để sinh hoạt chuyên môn mà không phải là thứ bảy

Ví như tại tỉnh An Giang, học sinh lớp 1 chỉ học 9 buổi/tuần nên thời khóa biểu trống chiều thứ năm. Cô Hương, một giáo viên tiểu học tại tỉnh An Giang cho biết buổi trống đó các cô sẽ tổ chức thao giảng dự giờ để góp ý tiết dạy cho đồng nghiệp.

Việc dạy học lớp 1 hiện tại ai cũng như “tự bơi” vì từ nội dung đến phương pháp lên lớp đều rất mới mẻ. Dự giờ đồng nghiệp không chỉ góp ý cho nhau những mặt nổi trội cần phát huy và khắc phục những tồn tại mà còn học hỏi lẫn nhau để mỗi giờ dạy được tốt hơn.

Từ những bất cập trong thực tế chúng tôi đã trình bày, cùng với việc chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng những địa phương đang tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học nghiên cứu để bố trí thời lượng học tập của các em phù hợp hơn mà giáo viên cũng có thêm thời gian để đầu tư cho chuyên môn của mình.

Phan Tuyết