Học sinh tử vong vì bảo vệ học sinh khác, làm gì để tránh trường hợp tương tự?

20/07/2020 14:27
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bất bình khi thấy một học sinh nhỏ tuổi bị một nhóm khác bắt nạt, em Q. là học sinh lớp 9 đã vào can ngăn nhưng rồi chính em Q. lại bị đánh dẫn đến tử vong.

Theo thông tin ban đầu, tối 14/7/2020, em Hoàng Văn Q. (15 tuổi) cùng một người bạn đi uống nước tại một quán trà sữa trên địa bàn xã Động Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Tại đây, Q. nhìn thấy một nhóm học sinh lớn đang bắt nạt một nhóm học sinh ít tuổi khác, thấy bất bình nên Q. vào can ngăn. Nhưng Sơn (người đang bắt nạt) cho rằng không phải việc của Q. 2 nên hai bên xảy ra cãi vã.

Sau khi cãi vã và bị đánh, dù cố gắng bỏ chạy nhưng em Q. bị Sơn truy đuổi đánh vào đầu dẫn đến tử vong.

Nạn nhân tử vong trong vụ việc này là em Hoàng Văn Q. vừa học xong lớp 9 và đang chuẩn bị thi vào lớp 10. Nghi phạm Sơn và nạn nhân Q. trước đó không quen biết nhau.

Hiện Công an nơi xảy ra sự việc đã bắt Triệu Văn Sơn (19 tuổi) kẻ đã đánh chết em Hoàng Văn Q. để điều tra.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Vụ việc trên cho chúng ta thấy một bài học lớn về việc cần thiết phải dạy kỹ năng sống cho học sinh và dạy thế nào cho hiệu quả". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Vụ việc trên cho chúng ta thấy một bài học lớn về việc cần thiết phải dạy kỹ năng sống cho học sinh và dạy thế nào cho hiệu quả". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thầy Nam chia sẻ: “Vụ việc trên cho chúng ta thấy một bài học lớn về việc cần thiết phải dạy kỹ năng sống cho học sinh và dạy thế nào cho hiệu quả.

Hiện nay chúng ta dạy cho các em những kiến thức lý thuyết suông, cùng với những tình huống giả định đưa ra nhưng lại là tình huống chết không sát thực với sự biến đổi linh hoạt của tình huống thực tế.

Kiểu dạy thông thường như gặp tình huống đó thì các em sẽ làm gì? Nhưng không phải chỉ để làm gì mà tình huống đấy sẽ biến động ra sao khi các em tác động vào nó như can ngăn, bảo vệ bạn yếu thế… thì chúng ta lại không dạy.

Các em chưa được dạy xử lý sự việc một cách linh hoạt, thích ứng dựa trên những nguyên tắc cốt lõi, và gốc rễ của vấn đề bạo lực.

Tất cả những khóa dạy kỹ năng liên quan hiện nay để xử lý những tình huống như vậy thì không được dạy theo kiểu gốc rễ, dẫn đến các em học sinh không biết cách ứng xử”.

Theo thầy Nam, phải dạy cho các em nếu ở trong một tình huống thấy một bạn bị bắt nạt và mình muốn giúp đỡ thì phải biết được rằng sẽ có rất nhiều biến cố xảy ra.

"Em học sinh đó cần phải đánh giá xem liệu trong tình huống này có nguy hiểm cho chính bản thân mình và bạn đang bị bắt nạt hay không, liệu mình có làm vấn đề trở nên tồi tệ thêm hay không?

Khi các em muốn can thiệp thì bao giờ cũng phải tính đến mức độ an toàn, nên đi theo hướng lôi kéo số đông xung quanh cùng tham gia bênh vực nạn nhân, nên thể hiện ý tưởng bênh vực cùng với nạn nhân của vụ việc.

Cần phải nhớ và luôn giữ một khoảng cách nhất định với kẻ gây gổ, tốt nhất là đứng gần một đám đông xung quanh đó để gây áp lực tinh thần.

Phải cố gắng giữ được khoảng cách an toàn vì các em không thể biết được kể gây gổ, bắt nạt kia có mang vũ khí trong người hay không, có đồng bọn hay không? Có thể kẻ gây gổ kia đang mất khả năng kiểm soát cảm xúc nên dễ có những hành động tàn nhẫn.

Trong hoàn cảnh phía sau có rất nhiều người đang quan sát, thể hiện thái độ không đồng tình với kẻ gây gổ thì các em có thể tranh thủ việc đó để tiếp cận với nạn nhân bằng cách giả đóng vai là bạn để nói chuyện với nạn nhân.

Tuyệt đối trong lúc này không nên nói chuyện hay trao đổi đúng sai với kẻ đang gây gổ, vì nếu nói chuyện lời qua tiếng lại sẽ dẫn đến phức tạp thêm vấn đề, nên nhớ cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc “vàng” này.

Cần liệu tình hình tiếp cận với nạn nhân rồi giả vờ nói là bạn, định hướng lôi kéo nạn nhân rời xa vùng nguy hiểm, tránh xa kẻ gây gổ.

Lôi kéo nạn nhân đi về phía đám đông, nơi có những người lớn và nhờ những nguồn lực là đám đông kia để can thiệp tích cực.

Về tâm lý thì khi kể gây gổ định đuổi theo nhưng nhìn thấy đám đông kia cũng sẽ phần nào cảm thấy ngại và chùn bước.

Trong hoàn cảnh gặp một kẻ gây gổ, bắt nạt thì không bao giờ được phép có sự can thiệp gì trực tiếp tác động thẳng đến kẻ gây gổ, như vậy sẽ chỉ làm cho kể gây gổ thêm kích động.

Khi có hành động gây gổ thì họ đang trong trạng thái bị kích động mạnh, mất kiểm soát cảm xúc, hành vi… thì lúc này mọi can thiệp trực tiếp sẽ làm đối tượng gây gổ căng thẳng thêm”, thầy Nam chia sẻ.

Phụ huynh dạy con thế nào?

Tất cả phải theo nguyên tắc rất cơ bản như vậy nhưng với vấn đề này khi trao đổi cùng nhiều bậc phụ huynh thì hầu hết mọi người, kể cả một số giáo viên cũng không hề nắm được nguyên tắc này.

Theo thầy Nam: “Rất nhiều bố mẹ, nhiều người lớn khi tôi trao đổi thì họ lại dạy con theo kiểu nếu bị bắt nạt thì phải đánh lại, phải bản lĩnh lên, phải thế này thế kia…

Đôi khi nhìn thấy chuyện bất bình, các em muốn can thiệp nhưng lại can thiệp bằng hình thức bạo lực hơn. Đấy cũng chính là một quan điểm sai và càng làm cho vấn đề bạo lực thêm trầm trọng ở lứa tuổi học sinh.

Nếu xử sự như vậy thì càng làm cho vấn đề bạo lực được đẩy lên một mức độ cao hơn, có thể dẫn đến gọi thêm hội, thêm bạn đến để đánh nhau như một số vụ việc mới xảy ra gần đây.

Còn việc rất nhiều ông bố bà mẹ dạy con rằng khi thấy đánh nhau hoặc những sự việc tương tự thì hãy tránh xa vì đó không phải là việc của con, không nên can thiệp vào.

Như vậy là họ chỉ lo cho lợi ích của bản thân mình, thấy sự việc không hay thì tránh xa không giúp đỡ nữa. Có thể nói là một số phụ huynh không dạy con lòng biết ơn, không dạy con tính trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Đấy là giá trị đầu tiên bố mẹ truyền dạy cho con thì những đứa trẻ đó sẽ trở thành ích kỷ, không bao giờ muốn giúp đỡ người khác.

Làm sao những đứa trẻ đó khẳng định mình sẽ không bao giờ trở thành nạn nhân trong những sự vụ tương tự, và rồi lúc đó cũng sẽ không có ai giúp đỡ mình thì sự việc sẽ tồi tệ đến đâu?

Sẽ có lúc con mình rơi vào tình cảnh tương tự bị bắt nạt và ai cũng dạy con theo kiểu như thế thì rõ ràng sẽ không có ai đứng ra giúp đỡ, điều đó là chắc chắn.

Chúng ta muốn xây dựng một xã hội có nhiều lòng tốt thì lòng tốt đó phải được đoàn kết lại, từ hành động của từng cá nhân một đều phải hướng về những giá trị tích cực.

Tất cả mọi người khi nhìn thấy sự việc bắt nạt mà đều có phản ứng như nhau thì đương nhiên là kẻ bắt nạt sẽ trở thành thiểu số.

Mọi người xung quanh chỉ cần sử dụng biện pháp hòa bình, chỉ cần đưa ra lời động viên cho nạn nhân thôi thì kẻ gây gổ kia đã phải chờn lòng và rút lui, ít nhất là trong thời điểm nguy hiểm đó. Chúng ta nên sử dụng cách thức như vậy sẽ tốt hơn".

Bạo lực lứa tuổi học sinh gây ra hệ lụy lâu dài cho tương lai của các em: Ảnh minh họa: Báo Đại Đoàn Kết.

Bạo lực lứa tuổi học sinh gây ra hệ lụy lâu dài cho tương lai của các em: Ảnh minh họa: Báo Đại Đoàn Kết.

Người xung quanh chỉ đứng nhìn liệu có phạm luật?

Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam nói: “Với hiện tượng những người xung quanh chứng kiến, nhiều người lớn chỉ đứng nhìn trẻ em đánh nhau mà không có sự can ngăn thì theo tôi họ đều có trách nhiệm liên đới.

Về mặt Giáo dục pháp Luật cũng nên có cách thức xử lý những người chứng kiến nhưng phớt lờ, hoặc bỏ qua để dẫn đến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.

Họ phải thấy được đó là những hành động không phù hợp với lương tâm con người, sai pháp luật.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc sống hiện đại ngày nay mọi thứ vội vã hơn, con người cũng ngày càng trở nên ích kỷ, sống vội vàng vượt lên trước người khác.

Chúng ta chỉ tập trung vào những gì thích hợp và liên quan đến mình, không còn chú ý quan tâm cảm xúc của người khác, vì sợ mất thời gian và sợ phiền phức, cũng có thể do họ mất lòng tin vào mọi việc.

Vì vậy, khi ai đó gặp “tình huống khẩn cấp”, cần sự giúp đỡ, chúng ta cũng tính toán xem giữa cái mất, được, bên nào nặng hơn. Sự chần chừ, sợ cái ác, sợ bị phiền phức trong tình huống này của những người xung quanh cũng góp phần dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Cái thiện cũng cần có sự đoàn kết và sức mạnh số đông để có thể chiến thắng cái ác, nếu tất cả lòng tốt đều vô tâm đứng nhìn vụ việc xảy ra khiến cho một học sinh mất đi tính mạng thì thật là đau xót”.

Thầy Nam chia sẻ quan điểm: “Kỹ năng sống không thể dạy trẻ bằng kiến thức lý thuyết suông, tình huống giả định không sát thực với sự biến đổi linh hoạt của cuộc sống.

Công cuộc phòng chống bạo lực học đường nói riêng, bạo lực trong xã hội nói chung, rất cần sự chung tay phối hợp của gia đình - nhà trường - xã hội.

Chúng ta rất cần các chương trình giáo dục cho học sinh để phát triển lòng tự tin, giáo dục nhân cách, kỹ năng sống, kiểm soát giận dữ, giải quyết mâu thuẫn, hỗ trợ hòa giải, giảm thành kiến, gia tăng hợp tác, giáo dục luật pháp, phòng ngừa tội phạm và các nhóm tiêu cự tuổi học đường.

Cần giáo dục thanh thiếu niên về bạo lực trong cộng đồng, trong các buổi hò hẹn, bạo lực trong gia đình, tấn công tình dục. Với gia đình, quan trọng phải hướng dẫn cha mẹ kỹ năng dạy con, cải thiện biện pháp kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Nhà trường cần tiếp tục cải thiện văn hóa ứng xử trong học đường, thay đổi kỹ năng quản lý hành vi lớp học của giáo viên, hướng dẫn kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm phi bạo lực cho giáo viên và nhân viên”.

Tùng Dương