Học thật, thi thật phải bắt đầu từ các lãnh đạo thật

26/05/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở bậc tiểu học mà thầy cô luôn nói: Học đi để đạt điểm 9 - 10 thì đó là nhồi nhét vào đầu học sinh tư tưởng học vì thành tích, vì điểm số. Không phải học thật.

“Học thật là những kiến thức đã được dạy trên ghế nhà trường sau này có thể đem áp dụng được vào cuộc sống, chứ hoàn toàn không phải học để lấy điểm, cho có bằng.

Chúng ta phải xác định ngay từ bậc tiểu học vì đây là bậc học khởi đầu cho một quy trình tiếp thu các kiến thức sau này của một con người, là những nền tảng đầu tiên cho mọi chuyện. Có thể nói đó là cái gốc.

Tôi đã từng dạy đại học, rồi dạy bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở và giờ là tiểu học, sau cả một quá trình dài như vậy tôi mới xác định được bậc tiểu học là quan trọng nhất, là khởi đầu của mỗi con người. Vậy nên nếu muốn nói đến việc học thật thì chúng ta cũng phải giáo dục cho lứa tuổi học sinh từ khi bắt đầu đi học.

Trước khi thầy cô truyền thụ kiến thức thì cũng phải giúp các con hiểu rằng những kiến thức mà các con sẽ được học nó giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này”, nhà giáo V.A - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học tư thục ở Hà Nội cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nếu các cấp lãnh đạo không ép các trường, ép giáo viên phải như thế này, phải thế kia thì giáo viên chắc chắn sẽ làm thật và có đánh giá thật. Và khi các giáo viên làm thật thì sẽ có việc học thật, dạy thật và thi thật. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Nếu các cấp lãnh đạo không ép các trường, ép giáo viên phải như thế này, phải thế kia thì giáo viên chắc chắn sẽ làm thật và có đánh giá thật. Và khi các giáo viên làm thật thì sẽ có việc học thật, dạy thật và thi thật. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo cô V.A: “Nói một cách khác, trường học chính là một góc của cuộc sống, là nơi cung cấp kiến thức để con người ta bước vào cuộc sống, như một xã hội thu nhỏ trong nhà trường. Vậy nên nếu chúng ta dạy thật, thầy cô giáo giúp các con xác định được việc học rất cần thiết cho sau này lập nghiệp thì cách học của học sinh sẽ rất khác, sẽ chất lượng.

Còn ngay ở bậc tiểu học mà thầy cô luôn nói học đi để đạt điểm 9 điểm 10 thì đó là “nhồi nhét” vào đầu học sinh tư tưởng học vì thành tích, vì điểm số, chứ không phải học những kiến thức có ích cho cả một cuộc đời sau này. Cho nên nếu chúng ta không xác định được như vậy thì học sinh sẽ tìm “mọi cách” để đạt được mục tiêu mà đó không phải là mục tiêu tốt trong giáo dục. Đó không phải là học thật.

Muốn cho học sinh học thật thì vai trò của giáo viên rất cần thiết, thầy cô phải định hướng để các con hiểu được giá trị thật của việc học kiến thức. Nhưng để giáo viên định hướng tốt thì lãnh đạo nhà trường và ngay bản tôi luôn luôn quy trách nhiệm về lãnh đạo nhà trường.

Lãnh đạo các cơ sở giáo dục yêu cầu giáo viên của trường mình ra sao, có yêu cầu phải 100% phải đạt học sinh giỏi, phải lên lớp, phải thi đạt điểm cao, học bạ đẹp …hay không? Nếu lãnh đạo nói các thầy cô muốn “làm thế nào thì làm” nhưng trường của chúng ta học sinh phải 100% đạt các tiêu chí loại tốt, thì đó là dạy không thật.

Nhưng ở tại ngôi trường này, tôi luôn nhắc nhở giáo viên phải cung cấp những con số thực tế, thực chất về việc học của các con, học sinh ở trình độ nào và tôi cần thầy cô đánh giá đúng trình độ đó cho tôi và ban giám hiệu nắm được.

Để trên những đánh giá đúng, ban giám hiệu sẽ có những điều chỉnh rút kinh nghiệm và từ đó làm tốt hơn công tác nâng cao chất lượng nhà trường, đặc biệt là chất lượng tiếp thu kiến thức của học sinh.

Theo tôi học thật hay không thì tư duy của lãnh đạo nhà trường rất quan trọng, việc cần nhất hiện nay là làm sao để lãnh đạo các cơ sở giáo dục phải thay đổi cách nghĩ, cách đánh giá về việc truyền thụ kiến thức, không chạy theo thành tích, loại bỏ tư tưởng trường mình phải thật “nổi”. Nhưng theo tôi việc này rất khó vì trên trường còn có Phòng, có Sở và trên nữa là Bộ… liệu các cấp trên đó có chịu “đồng ý” tư tưởng này hay không? Đó mới là điểm cốt lõi giải quyết vấn đề học thật.

Nếu các cấp lãnh đạo không ép các trường, ép giáo viên phải như thế này, phải thế kia thì giáo viên chắc chắn sẽ làm thật và có đánh giá thật. Và khi các giáo viên làm thật thì sẽ có việc học thật, dạy thật và thi thật.

Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật phải trị tận gốc căn bệnh chỉ tiêu thành tích lâu nay làm ảnh hưởng đến nền giáo dục. Nhiều năm nay có hiện tượng 98% số học sinh trong 1 lớp hoặc số học sinh toàn trường đạt danh hiệu học sinh giỏi, thậm chí có trường đạt 100%.

Nhiều trường nâng điểm vì giữ "thành tích" của trường không bị trừ điểm thi đua. Nếu bị trừ điểm thi đua, giáo viên sẽ mất điểm, bị trừ tiền thưởng, trường mất danh hiệu, hiệu trưởng sẽ khó được đề bạt, cất nhắc ở vị trí cao hơn…

Hơn thế nữa, thời gian qua tại một số địa phương, một số trường học vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên tự ý nâng, sửa điểm, "làm đẹp" học bạ cho học sinh. Và vì chạy theo thành tích, nhiều trường đẩy sĩ số học sinh đạt lên lớp 100% trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo...

Báo chí phân tích rất nhiều là phải thế này, phải thế kia nhưng theo tôi nghĩ tất cả mọi chuyện đều do con người quyết định, chúng ta có hiểu đúng vấn đề hay không, có thấy việc học thật, dạy thật và thi thật là điều bắt buộc và cần thiết cho giáo dục hay không? Hay là ngành giáo dục đang rơi vào tình trạng “bệnh” thành tích?

Vấn đề thi thật của học sinh là nhà trường dạy cái gì thì nên cho các em thi cái đó, chương trình dạy thế nào thì thi như thế, đừng có cho thi cao quá so với kiến thức của các em đã được học. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Vấn đề thi thật của học sinh là nhà trường dạy cái gì thì nên cho các em thi cái đó, chương trình dạy thế nào thì thi như thế, đừng có cho thi cao quá so với kiến thức của các em đã được học. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Quá nhiều cuộc thi, quá nhiều giấy khen…hình thức?

Dư luận xã hội hiện nay rất có rất nhiều quan điểm trái ngược khi nhắc đến một số cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên có sáng kiến, thi học sinh giỏi… về việc này nhà giáo V.A nêu quan điểm: “Những cuộc thi như vậy cũng tùy thuộc vào quan điểm của từng nhà trường.

Ví dụ ở trường của tôi năm nào cũng tổ chức cho giáo viên thi, nhưng chúng tôi không dùng từ “giáo viên dạy giỏi” theo phong trào phát động hình thức, mà đó là cuộc thi giáo viên dạy sáng tạo của riêng nhà trường, nghe thì tưởng là giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác về bản chất.

Có nghĩa trong tiết dạy chúng tôi sẽ đánh giá giáo viên đó có sự sáng tạo gì, có cái mới hay không, học sinh được hưởng lợi gì từ những cái mới, cái sáng tạo đó, giáo viên có thu hút được học sinh hay không…? Chứ không phải đánh giá giáo viên đó dạy đúng theo một “kịch bản” đại trà có sẵn của ngành.

Tuy nhiên cũng phải nói thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố hay trung ương thì người giáo viên được lựa chọn để đi thi, người đó phản ánh được chất lượng giáo dục của nhà trường nơi họ công tác, tại sao như vậy? Trong quá trình bồi dưỡng để giáo viên đó đi thi sẽ xây dựng được một phong trào tích cực ở trong nhà trường.

Mọi người sẽ phải nghĩ xem làm cách nào để giáo viên đó đi thi phải đạt được thành tích, còn khả năng giáo viên đó đến đâu thì chấp nhận thành tích đến đó, nhưng cái được là lôi cuốn các giáo viên khác vào cùng suy nghĩ xem nội dung đi thi cần những vấn đề gì. Đó là tư duy của tập thể, còn cá nhân biểu diễn.

Và ngôi trường nào thu hút được nhiều giáo viên vào phong trào đó thì chắc chắn trường đó thành công, động viên được nhiều suy nghĩ của tập thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là thi thật.

Nhà giáo V.A chia sẻ thêm: “Vấn đề thi thật của học sinh là nhà trường dạy cái gì thì nên cho các em thi cái đó, chương trình dạy thế nào thì thi như thế, đừng có cho thi cao quá so với kiến thức của các em đã được học.

Tôi không tán thành việc các con thi vào một số trường chuyên… thì đề bài cứ như là đánh đố, nhiều kiến thức chưa học và chính những việc đó đã tạo nên “nạn” học thêm, muốn thi đỗ vào trường A, B, C thì phải theo học thêm ở những trường đó, không học thì thêm thì không thi đỗ được. Như vậy là đâu phải thi thật, học thật mà chỉ học đối phó để thi vào được một trường nào đó”.

Chúng ta phải xác định ngay từ bậc tiểu học vì đây là bậc học khởi đầu cho một quy trình tiếp thu các kiến thức sau này của một con người, là những nền tảng đầu tiên cho mọi chuyện. Có thể nói đó là cái gốc. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Chúng ta phải xác định ngay từ bậc tiểu học vì đây là bậc học khởi đầu cho một quy trình tiếp thu các kiến thức sau này của một con người, là những nền tảng đầu tiên cho mọi chuyện. Có thể nói đó là cái gốc. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học chỉ để đi thi liệu có nhân tài thật?

Về vấn đề này, nhà giáo N.H - hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông tại Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam: “Tôi thấy cách chúng ta tổ chức thi và ra đề thi như hiện nay chưa thật sát với thực tế, chưa hội nhập với thế giới. Đề thi vẫn nặng về sao chép kiến thức, học thuộc lòng, học “tủ” theo bài mẫu sẽ được điểm cao mà chưa khuyến khích sự suy nghĩ của học sinh.

Nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến khi tổ chức thi lấy học bổng hoặc làm những bài khóa tốt nghiệp…thì họ lại nghiêng nhiều về vấn đề kỹ năng, chứ họ không nghiêng nhiều về kiến thức. Học sinh có thể có kỹ năng này, có tài kia…đều được đánh giá cao. Nhiều thí sinh giành được học bổng nhưng kết quả học tập trước đó không có gì nổi trội.

Tôi thấy các trường ở ta hiện nay vẫn dạy nặng theo kiến thức sách giáo khoa mà còn thiếu dạy học sinh những kỹ năng thực tế rất cần cho cuộc sống. Ngoài ra các em chỉ tập chung vào học một số môn được coi là môn chính mà lại bỏ qua những môn còn lại, giáo viên cũng không định hướng để học sinh thấy được môn nào cũng có cái tốt của nó, không nên xem nhẹ. Chính vì thế dẫn đến việc học không đều và khi ra trường các em cũng sẽ không đều về các mảng kiến thức”.

Theo cô H: “Đa phần các du học sinh học ở nước ngoài về đều làm tốt, nhưng trong thực tế có những em học rất giỏi ở nước ngoài nhưng về nước chưa chắc đã làm việc được, theo tối các em không thích hợp với “môi trường” làm việc trong nước, có thể môi trường đó chưa tận dụng được năng lực kiến thức của các em đi du học về.

Hơn nữa đâu phải 100% du học sinh về nước đều đạt loại giỏi, có em đi du học bằng học bổng, có em du học tự túc, có gia đình có điều kiện cho con ra nước ngoài học để “mở mặt” với bạn bè còn không quan tâm con học cái gì, học ra sao thì như thế lúc về nước cũng trắng tay.

Quy tụ lại nếu như anh muốn làm việc được thì trước hết phải giỏi về mặt kiến thức, và phải biết được kiến thức đó phù hợp với bản thân mình ở môi trường nào, quan trọng là phải chọn đúng môi trường và phải dựa trên khả năng của chính cá nhân người học thì mới mong đạt hiệu quả cao.

Bằng cấp của con người ta cũng chỉ là một phần, anh có thể là tiến sĩ ở lĩnh vực này nhưng anh lại không có năng lực ở lĩnh vực khác, vậy nên nếu được bố trí làm việc đúng năng khiếu, ở đúng ngành anh được đào tạo, được hưởng mức đãi ngộ tốt thì mới có thể phát huy được hết năng lực, mới phát huy được cái tài thật sự của anh”.

Tùng Dương