“Kế hoạch nhỏ” mà chỉ tiêu, thành tích thì nên bỏ sớm

12/02/2017 05:45
Sông Trà
(GDVN) - Con gái tôi, năm nay học lớp 4, mới vừa rồi nộp cho cô giáo chủ nhiệm 50 vỏ lon mà về nhà vẫn cứ bảo số vỏ lon của con còn ít, có bạn nộp gấp đôi, gấp ba cơ.

LTS: Trước những phản ánh về phong trào “kế hoạch nhỏ” trong bài viết “Đây có phải là "kế hoạch nhỏ" không?”, thầy giáo Sông Trà đồng tình rằng phong trào này ở một số nơi chủ yếu chỉ mang tính hình thức, đua “thành tích”.

Với những áp lực chỉ tiêu, phong trào này đang làm khổ cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo đó, thầy đề xuất bỏ phong trào chỉ mang tính hình thức như thế này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Bài viết “Đây có phải là "kế hoạch nhỏ" không?” của cô giáo Thuận Phương đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh đúng thực trạng “kế hoạch nhỏ” ở các nhà trường phổ thông và đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của độc giả, nhất là các bậc phụ huynh học sinh. 

Là người trong cuộc, tôi muốn trao đổi, làm rõ thêm một số khía cạnh của phong trào “kế hoạch nhỏ” này. 

Có thể khẳng định rằng, mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức phong trào "Kế hoạch nhỏ" để giáo dục các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, biết tiết kiệm, sử dụng những đồ có thể tái chế vào việc có ích… là đúng đắn, tốt đẹp, cần thiết. 

Trước, sau Tết Nguyên đán, nhiều trường học từ bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông thường phát động và tổ chức thu gom vỏ lon bia, nước ngọt để gây quỹ cho lớp, trường.

Học sinh thi đua thu gom thật nhiều vỏ lon bia, nước ngọt cho phong trào “Kế hoạch nhỏ”. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Học sinh thi đua thu gom thật nhiều vỏ lon bia, nước ngọt cho phong trào “Kế hoạch nhỏ”. (Ảnh: Báo Bình Dương)

Thậm chí, có Phòng Giáo dục và Đào tạo, tổ chức đoàn thanh niên cấp huyện, quận còn yêu cầu, bắt buộc các cơ sở giáo dục, đoàn trường nộp lên với một số lon, số tiền theo tỉ lệ nhất định. 

Con trẻ, học sinh lớp nhỏ, em nào mà chẳng muốn thành tích, số lượng vỏ lon của mình phải hơn các bạn khác trong trường, lớp. 

Con gái tôi, năm nay học lớp 4, mới vừa rồi nộp cho cô giáo chủ nhiệm 50 vỏ lon mà về nhà vẫn cứ bảo số vỏ lon của con còn ít, có bạn nộp gấp đôi, gấp ba cơ. 

Nhà trường, thầy cô giáo phát động một cái, em nào cũng háo hức tìm vỏ lon, mong muốn được nộp thật nhiều. 

Nếu nhà ít vỏ lon hoặc không có thì bắt cha mẹ, ông bà… đi xin hoặc mua lại của các hàng quán, người đi mua thu gom. 

Mang tiếng là tự nguyện, tự giác, khuyến khích, rằng “em nào, đội viên, đoàn viên nào nộp được bao nhiêu vỏ lo đều được cả” nhưng thực chất ở từng nhà trường, tổ chức đội, đoàn thanh niên đều gắn với điều kiện, chỉ tiêu, thành tích, thi đua cho tập thể lớp, các giáo viên chủ nhiệm. 

Làm thầy cô giáo chủ nhiệm ai mà muốn lớp mình bị thua kém so với các khối, lớp đâu? Ai mà muốn bị nhà trường, đồng nghiệp “nói xa, nói gần” chủ nhiệm kiểu gì mà cả lớp chỉ nộp được vài chục vỏ lon. 

Áp lực “vô hình” ấy buộc giáo viên phải tăng cường hô hào, nhắc nhở các em nộp thật nhiều. 

“Kế hoạch nhỏ” mà chỉ tiêu, thành tích thì nên bỏ sớm ảnh 2

Đây có phải là "kế hoạch nhỏ" không?

Thậm chí, có cô giáo còn tung “chiêu” nhà trường sẽ tuyên dương, khen thưởng cho những học sinh có số vỏ lon nhiều nhất. 

Thầy cô giáo “áp lực” lên học sinh, học sinh về nhà “áp lực” lên gia đình, phụ huynh. 

“Kế hoạch nhỏ” này đã, đang có tính chất phổ biến, phát triển rầm rộ trong mấy năm gần đây, là “sáng kiến” của một số Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, các tổ chức đoàn, đội.

Khi thấy trường, nơi đó làm được, có tiền tổ chức hoạt động việc này, việc khác thì trường này, nơi nọ cũng bắt chước làm theo. 

Ai cũng đều muốn được thật nhiều thì tất nhiên giáo viên chủ nhiệm, học sinh và phụ huynh phải chịu “khổ”. 

Trong mục bình luận ở bài viết của cô Thuận Phương, độc giả Vân anh vũ cho biết và kiến nghị: “Đà Nẵng bỏ phong trào Kế hoạch nhỏ lâu rồi. Cả nước nên xoá sổ phong trào này cho đỡ khổ học sinh.” 

Từ thực trạng của “kế hoạch nhỏ” như vậy, tôi thiết nghĩ đã đến lúc các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo nên có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường, tổ chức đoàn, đội bãi bỏ hẳn chuyện nộp vỏ lon bia, nước ngọt sau Tết Nguyên đán trên phạm vi cả nước. 

Để phụ huynh, các em, giáo viên bớt “khổ”, bớt “mệt mỏi” vì những cuộc thi đua, thành tích “bất thành văn” như thế. 

Mặt khác, các loại vỏ lon, chai sau khi sử dụng xong ở từng gia đình đã có những người mua thu gom, không sợ ảnh hưởng đến môi trường, ý nghĩa về tiết kiệm, tái chế vào những mục đích có ích xem ra không còn đáng kể là bao. 

Sông Trà