LTS: Đây là lời tâm sự của cô giáo Phan Tuyết - giáo viên trường Tiểu học Phước Hội 2 thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận trước lo ngại học sinh quay lưng lại với môn lịch sử.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vài năm trở lại đây, số lượng học sinh đăng ký dự thi môn lịch sử quá ít. Thậm chí có trường hoàn toàn vắng bóng học sinh thi sử.
Vì lẽ đó, có rất nhiều người lo ngại, học sinh thờ ơ với lịch sử, thậm chí có quan điểm còn cho rằng: các em không yêu sử, nghĩa là không yêu nước! Xin đừng vội vã khi kết luận: các bạn trẻ đang quay lưng lại với lịch sử dân tộc!
Bài viết của cô giáo Phan Tuyết như một lời tâm sự cùng các trò chuẩn bị thi quốc gia cũng như muốn chia sẻ với xã hội rằng, các em không lựa chọn thi sử không có nghĩa là không yêu nước.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Con gái tôi năm nay học lớp 12, cháu và các bạn trong lớp của mình không có ai chọn môn thi là lịch sử. Nhưng tôi biết, các em luôn yêu và tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, tự hào về những tấm gương anh dũng hy sinh vì đất nước của bao lớp ông cha.
Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cháu và các bạn đã khóc rất nhiều, đi học xong về đến nhà, là suốt ngày mở nhạc Đỏ để nghe, từ bài Dậy mà đi, Cô gái mở đường, Hò kéo pháo, Chiến thắng Điện Biên đến Giải phóng miền Nam…
Cháu cũng lên mạng tìm đọc các bài viết về chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày giải phóng miền Nam 30/4, những mẩu chuyện về các anh hùng như Phan Đình Giót, La Văn Cầu, Nguyễn Văn Trỗi…và gần nhất là những câu chuyện, bài viết về bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Hình ảnh xé đề cương môn sử của học sinh của một trường phổ thông vẫn đọng lại trong tâm trí xã hội một nỗi lo lắng. Ảnh Internet |
Những ngày Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Hoàng Sa, ngày nào cháu cũng theo dõi thời sự, lên mạng đọc bài viết, bày tỏ quan điểm bất bình về sự bành trướng của kẻ thù.
Rồi cháu và các bạn nhắn tin, kêu gọi mọi người ủng hộ cảnh sát biển và các ngư dân bám biển, cùng nhau đặt may đồng phục in hình biển đảo với dòng chữ Tôi yêu Việt nam để mặc trong các dịp giao lưu, hội trại…
Vậy ai nói các con, cháu, em không yêu nước?
Khi được hỏi:“ Vì sao yêu sử lại không chọn môn lịch sử để thi”? Cháu trả lời không chút lưỡng lự: “Tụi con không ghét sử, thậm chí còn rất yêu và luôn tự hào về những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.
Chỉ không thích nội dung môn lịch sử trong sách giáo khoa và cách dạy của một số thầy cô giáo hiện nay, cách ra đề thi của nhà trường, nó gò bó, máy móc và mang tính áp đặt nhiều”. Rồi con kể cho tôi nghe về việc dạy học sử ở trường, một ngôi trường có tiếng nhất nhì thị xã.
Khi dạy, phần lớn thầy cô chỉ giảng qua loa những điều mà trong sách giáo khoa đã viết. Có bạn con nói: “Thầy cô giảng thế này thì ở nhà đọc sách lại hiểu hơn.
Kiến thức lịch sử thì vô cùng phong phú, những sự kiện, những diễn biến của các sự kiện lịch sử ấy và những giai thoại được lưu truyền qua từng thời kỳ, không được thể hiện trong sách nhưng giá thầy cô giảng thêm về điều này sẽ hấp dẫn vô cùng với chúng con”.
Bài giảng của thầy cô không có sự mở rộng kiến thức nên kém phần sinh động, hấp dẫn, ít thu hút được sự chú ý của học sinh. Đã thế, sau mỗi tiết học, thầy cô bắt học sinh về phải học thuộc lòng bài học trong sách giáo khoa và trong vở ghi chép.
Mỗi lần học bài, nhìn các em phải học thuộc lòng một lúc mấy trang sách giáo khoa và cả vở ghi chép mà thấy thương.
Với việc bắt học sinh ghi nhớ kiến thức một cách thuần túy, máy móc đã làm nhiều em thấy ngán và áp lực mỗi khi đến giờ lịch sử.
Bên cạnh đó, ngay từ khi vào học lớp 10, các em đã chọn cho mình khối thi đúng sở trường. Học sinh phần lớn thích các môn tự nhiên, có nhiều cơ hội để chọn ngành, khi ra trường xin việc làm cũng dễ hơn.
Còn môn sử, lại không có tính đa dạng về ngành nghề, đầu ra chưa thật sự hấp dẫn.
Vì thế, việc các em ít chọn sử để thi tốt nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Không riêng gì sử, nếu môn văn không phải là môn thi bắt buộc, sẽ cũng có rất ít học sinh chọn văn để dự thi.
Việc các em học sinh không lựa chọn môn sử để thi, không có nghĩa rằng: thế hệ trẻ không yêu lịch sử nước nhà. Tình yêu nước không chỉ đến từ việc học môn lịch sử. Không thích sử vẫn yêu nước.
Tuy nhiên, qua mỗi bài học về lịch sử, học sinh sẽ có được niềm tin vững chắc vào lý tưởng, vào chính nghĩa làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc.
Từ đó, hình thành cho các em lòng yêu nước, yêu cội nguồn bằng việc học tập để trở thành con người có ích. Muốn vậy, cần phải có sự đổi mới trong cả cách dạy và cách học của giáo viên và học sinh như hiện nay.