Làm gì để khỏa lấp "lỗ hổng" trong sách giáo khoa

23/10/2013 07:59
GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến
(GDVN) - Từ câu chuyện “sách giáo khoa bỏ quên Đại tướng” mà suy ra: chỉ tiến hành một cách thực sự khoa học và dân chủ công việc đổi mới giáo dục thì mới tránh được những “lỗ hổng” không đáng có.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đọc bài “Sách giáo khoa “bỏ quên” Đại tướng” với những lời tâm sự và bình luận của nhiều người, tôi chợt nhận thấy mình cũng là người vô tâm với “lỗ hổng” trong sách giáo khoa Lịch sử. Tôi tự an ủi: con mình thì đã lớn mà cháu thì quá nhỏ nên thú thực chưa bao giờ tôi lật hết các trang sách giáo khoa Sử từ tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông (THPT) để biết cái “lỗ hổng” đó.

Nhưng tôi thực sự không hiểu, tại sao các nhà giáo, nhất là các thầy, cô dạy lịch sử lại không phát hiện và nêu vấn đề này sớm hơn. Đặc biệt là các nhà sử học, chẳng lẽ họ quên nhân vật vĩ đại gắn liền với sự kiện chấn động địa cầu?

Tôi lại tự giải thích: các nhà giáo thì từ lâu đã quen cái nếp chỉ làm theo những gì có trong sách giáo khoa và phải được Bộ, Sở cho phép, còn các sử gia chắc họ bị nhiều áp lực, hoặc không được phép, chứ tuyệt đối họ không thể quên nhân vật vĩ đại, vị chỉ huy chiến trường Điện Biên Phủ.

Thôi, ta chẳng nên truy cứu trách nhiệm cho ai, mà nhân đây hãy bàn vấn đề rộng hơn: làm gì để có thể khỏa lấp những lỗ hổng, khiếm khuyết của quá khứ?

Tôi nói những lỗ hổng, khiếm khuyết vì ngoài “lỗ hổng” quá lớn kể trên còn có nhiều “lỗ hổng” không lớn nhưng rất cần suy xét. Ngay trong lĩnh vực lịch sử, nhiều người đã nêu ý kiến: tại sao sách giáo khoa Sử của chúng ta không nói gì về trận chiến chống xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979, trong khi phía bên kia họ "nhồi sọ" thế hệ trẻ của họ bằng những luận điệu xuyên tạc sự thật.

Về tiếng Việt, cách đây ít lâu tôi phải hỗ trợ cho cháu nội 7 tuổi học lớp 2 bài thơ: “Cái trống trường em, mùa hè cũng nghỉ, suốt ba tháng liền, trống nằm ngẫm nghĩ. Buồn không hả trống?Trong những ngày hè, bọn mình đi vắng, chỉ còn tiếng ve? Cái trống lặng im, nghiêng đầu trên giá. Chắc thấy chúng em, nó mừng vui quá. Kìa trống đang gọi: Tùng! Tùng! Tùng! Tùng! Vào năm học mới, giọng vang tưng bừng”.

Biết rằng như thế này thì quá dài dòng, nhưng tôi đã chép lại toàn bài thơ khá hay, tả chiếc trống như người bạn thân của bọn trẻ để mọi người cũng thưởng thức với con cháu mình. Hơn thế nữa, trong 4 câu hỏi gợi ý có câu: Bài thơ nói lên tình cảm gì của bạn học sinh với ngôi trường? Thật là một câu hỏi khó đối với cả người lớn khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Giá như được dự giờ xem cô giáo giảng giải cho các cháu 7 tuổi, phần lớn đọc chưa trơn chu, có lẽ sẽ “cảm thụ” cái trống là biểu trưng cho trường học, trống nhớ tức là trường nhớ học sinh và ngược lại học sinh nhớ và yêu mến trường? Lại nữa, phần lớn học sinh các trường ở thành phố chỉ nghỉ có một tháng là phải trở lại ôn tập, đâu còn suốt ba tháng liền? 

Tôi cũng nghe học sinh lớn tuổi bình luận với nhau về câu thơ: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại chung thân. Các nhà giáo thấy ý rất hay của câu thơ, nhưng học sinh tuổi nhơ nhỡ không thấy thế, họ bình luận rất tiếu lâm. 

Còn về khoa học, một anh bạn trẻ của tôi kể rằng: con anh ta học vật lý có câu hỏi về cách đo đường kính của sợi chỉ bằng thước kẹp. Quả là tinh vi, lời giải là: cuộn chỉ nhiều vòng trên búp chỉ, đo xác định hiệu đường kính sau và trước khi cuộn chỉ, rồi chia cho số vòng chỉ. Có chính xác đâu, chỉ là cách đánh đố mẹo vặt không tăng thêm kỹ năng gì. 

Lại chuyện một nhà giáo già đã nhiều năm dạy Toán phổ thông cũng kêu lên: đến 50% nội dung Toán dạy phổ thông là không cần thiết! Sẽ thu được rất nhiều ví dụ nếu một trang mạng nào đó có mục sưu tầm chuyện kỳ cục trong sách giáo khoa.

Quay lại vấn đề làm gì để khỏa lấp “lỗ hổng” trong sách giáo khoa, vấn đề này liên quan đến đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, không thể chỉ sửa chữa những thiếu sót mà cần tiến hành hàng loạt việc lớn, nhỏ.

1. Trước hết, cần xác định hệ thống giáo dục phổ thông tiếp tục là hệ 12 năm như Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã khẳng định,hay theo một số ý kiến là phổ thông chỉ nên 10 hoặc 11 năm. Có lẽ phổ thông vẫn dạy 12 năm nhưng nên chia thành 4 cấp: tiểu học (lớp 1, 2, 3, 4), trung học cơ sở (lớp 5, 6, 7), trung học phổ thông (lớp 8, 9, 10), thêm cấp trung học nâng cao (lớp 11 và 12).

Sau 10 năm (đến lớp 10) sẽ tiến hành thi tốt nghiệp THPT. Trên cơ sở kết quả thi THPT một cách nghiêm túc, 50% số học sinh tốt nghiệp THPT với kết quả thấp sẽ định hướng học tại các trường nghề, trung cấp, cao đẳng, chỉ 50% số học sinh tốt nghiệp với thành tích cao sẽ học tiếp trung học nâng cao để chuẩn bị học đại học (xem thêm “Đề xuất đổi mới toàn diện giáo dục, không chỉ tập trung vào giáo dục phổ thông” (http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/De-xuat-doi-moi-toan-dien-giao-duc-tap-trung-vao-giao-duc-pho-thong/318781.gd)

2. Sau khi thống nhất mô hình, giả sử mô hình 12 năm trong đó có 2 năm trung học nâng cao, thì trong 10 năm đầu sẽ trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng gì để họ có thể tự tin đi vào cuộc sống, có thể tham gia thị trường lao động. Cần phải xác định rõ mục tiêu của từng cấp, nội dung của từng môn học trong mỗi cấp.

Khi này, không những bổ sung để lấp những “lỗ hổng” to, nhỏ như một vài ví dụ nêu trên mà còn phải tìm ra những gì là côt lõi nhất mà học sinh sau 10 năm học phổ thông nên và cần nhớ. Những áng văn hay như: Gió đưa đành trúc la đà, tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương không thể bỏ ra khỏi chương trình văn học chỉ vì một cô giáo nào đó đã giảng thế nào để học sinh muốn ước muốn được nếm món canh gà ở Thọ Xương! Bài thơ Cái trống trường em cũng có thể giữ lại, nhưng ít nhất câu hỏi nêu ra cho học sinh phải phù hợp lứa tuổi.

Những tác phẩm văn học nào thực sự có ý nghĩa mới yêu cầu học sinh hết lớp 10 phải lưu trong bộ nhớ, xin đừng tham. Những sự kiện, nhân vật lịch sử nào trong và ngoài nước không những đúng, chính xác sẽ đem lại hứng thú học Sử cho học sinh, rèn cho họ lòng tự tôn dân tộc, căm ghép kẻ thù dối trá v.v…

Những kiến thức nào được xác định là cao, kinh điển kiểu Hoành Sơn nhất đái và những nội dung Toán ở phổ thông trung học hiện nay là không cần thiết, sẽ được đưa vào chương trình trung học nâng cao. Trung học nâng cao sẽ vô hình (chung)trung là một dạng phân ban rất tự nhiên và tự nguyện nếu ta yêu cầu kiến thức gì trong mỗi ngành đào tạo đại học một cách hợp lý.

Sinh viên ngành Du lịch chắc chắn sẽ phải có kiến thức tốt về Sử, Địa, Tiếng Việt và Ngoại ngữ, nhóm môn Sử - Địa chắc chắn sẽ có nhiều người tự giác học. Trong khi đó sinh viên Kỹ thuật cần yêu cầu kiến thức Toán, Ngoại ngữ và Văn (thay cho Hóa học, Vật lý), sinh viên Y Dược cần kiến thức Hóa, Sinh và Ngoại ngữ v.v…

3. Ai sẽ là người trong đội quân (hơn 20 triệu người bao gồm cả học sinhnhư khẳng định của Bộ GD&ĐT) sẽ tham gia trận đánh lớn (đổi mới giáo dục)? Có ý kiến rất hay đã nêu: học sinh là đối tượng, đang được tạm miễn nghĩa vụ quân sự sẽ không thể là đội quân (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Đội quân đó phải bao gồm những người có đề xuất hợp lý hoặc phản biện một cách khoa học. Họ phải chiếm đa số trong những người biên soạn sách, phải bỏ ra ngoài “trận đánh” này những chiến binh nhận thức cũ, bảo thủ. Có như vậy mới hy vọng công cuộc cải cách giáo dục thắng lợi.

4. Bộ GD&ĐT nhận định công việc đầu tiên và quan trọng nhất cần giải quyết là đội ngũ giáo viên và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng hãy giải bài toán theo cách khác: sau khi xác định rõ mỗi cấp cần đạt mục tiêu gì, nội dung từng môn học ở mỗi cấp cần trang bị kiến thức gì, sẽ huy động các chuyên gia giỏi làm việc cật lực và công tâm để cho ra đời những cuốn sách giáo khoa mẫu mực, không “lỗ hổng”, có ý nghĩa với học sinh, dễ cho giáo viên giảng dạy, cộng thêm chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo được cải thiện nhiều thì phần lớn giáo viên và cả học sinh có thể tự học, tự thay đổi, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin ở ta hiện nay không đến nỗi nào. Nếu cần huấn luyện, đào tạo bổ sung thì thời gian cũng không mất nhiều.

Từ câu chuyện “sách giáo khoa bỏ quên Đại tướng” mà suy ra: chỉ tiến hành một cách thực sự khoa học và dân chủ công việc đổi mới giáo dục thì mới tránh được những “lỗ hổng” không đáng có. 
GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến