Lương mới tăng mấy chục ngàn đồng, cắt phụ cấp cả triệu bạc, giáo viên tâm tư

28/02/2021 07:20
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên chỉ sống nhờ thu nhập làm nghề, việc dạy thêm chân chính nhất để tăng thu nhập cũng bị cấm, bị lên án mà nay thu nhập lại bị hạ thì họ sẽ sống thế nào?

Thời gian gần đây, nhiều giáo viên đang hồ hởi sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01;02;03;04/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Bảng lương mới (dự kiến) sau khi tăng lương cơ sở và thay đổi trả lương theo chức danh nghề nghiệp để giáo viên tham khảo. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)Bảng lương mới (dự kiến) sau khi tăng lương cơ sở và thay đổi trả lương theo chức danh nghề nghiệp để giáo viên tham khảo. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Bởi, theo đó nhiều thầy cô giáo sẽ được giữ hạng (phiên qua hạng mới) hoặc thăng hạng và đồng nghĩa mức thu nhập sẽ tăng.

Nhiều bài báo cũng giật tít lương giáo viên sắp tăng cao; Mức lương mới giáo viên có thể sẽ nhận trên 15 triệu đồng/tháng…

Giáo viên vui mừng, hồ hởi, lâng lâng với cảm giác sẽ sống được bằng lương mà quên đi sắp tới đây nhà giáo không còn thâm niên nữa thì mức lương của những giáo viên công tác trên 10 năm trở đi (có gia đình cả 2 vợ chồng đã công tác 30 năm sẽ thụt giảm đến mức nào?).

Giáo viên được giữ hạng lương sẽ tăng thế nào?

Ở cả 4 cấp học, hạng cũ và hạng mới đều có mức lương chênh lệch nhau. Nếu giáo viên bị tụt hạng đương nhiên lương sẽ bị giảm. Tuy nhiên những thầy cô giáo được chuyển từ hạng cũ sang hạng mới (gọi là trụ hạng) hoặc thăng hạng thì mức lương cũng sẽ tăng không đáng kể.

Chúng tôi lấy ví dụ, giáo viên tiểu học hạng II (cũ) - Mã số: V.07.03.07 đang nhận lương bậc 7 là 4.32 x 1.490.000=6.436.800đ

Nếu được giữ hạng và chuyển sang giáo viên tiểu học hạng II (mới) - Mã số V.07.03.28 sẽ được hưởng mức lương bậc 2 có hệ số lương là 4.34 x 1.490.000= 6.466.600 (đồng).

Giữa hai mức lương chênh lệch: 6.466.600 (đồng) - 6.436.800 (đồng) = 29.800 (đồng).

Vậy, mức lương chênh lệch giữa hạng II cũ sau khi chuyển sang hạng II mới của giáo viên ấy chỉ là 29.800 (đồng)

Nếu bị cắt thâm niên mức thu nhập của giáo viên lâu năm sẽ tụt giảm thế nào?

Ví dụ, giáo viên tiểu học hạng II cũ đang nhận lương bậc 7 là 4.32 x 1.490.000=6.436.800 (đồng), cộng với 25% (phụ cấp thâm niên cho giáo viên 25 năm công tác) tương đương 1.599.200 (đồng). Tổng thu nhập được nhận (chưa tính phụ cấp ưu đãi 30%) = 8.036.000 (đồng).

Khi chuyển sang giáo viên tiểu học hạng II (mới) sẽ được hưởng mức lương bậc 2 có hệ số lương là 4.34 x 1.490.000= 6.466.600 (đồng) (khi không còn phụ cấp thâm niên cho giáo viên 25 năm công tác) sẽ mất đi mỗi tháng khoảng 1.600.000 (đồng).

Với giáo viên gần hoặc hơn 30 năm công tác thì số thu nhập giảm đi hàng tháng sẽ hơn rất nhiều.

Bộ Giáo dục đã nỗ lực để giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo

Luật Giáo dục 2019 đã chính thức bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên, từ ngày 1/7/2020.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi nhà giáo khi trình Công văn 460/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/02/2021 lên Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đồng thuận với Bộ Giáo dục đề nghị Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi triển khai chính sách tiền lương mới.

Tại cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, diễn ra sáng 15/11/2020, được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. [2]

Nhiều thầy cô giáo giảng dạy lâu năm tâm tư trĩu nặng

Với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên có thâm niên giảng dạy chưa nhiều thì việc xếp lại lương theo hạng của chùm Thông tư 01;02;03;04/TT-BGDĐT sẽ được nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, với những giáo viên có thâm niên từ 20 năm trở lên là sự thiệt thòi khá lớn. Gia đình 2 vợ chồng nhà giáo lại càng thiệt thòi nhiều hơn.

Nếu mỗi tháng cả 2 vợ chồng bị giảm đến vài triệu đồng thu nhập thì cuộc sống gia đình sẽ có nhiều xáo trộn.

Ai cũng biết, giáo viên chỉ sống nhờ thu nhập từ việc giảng dạy (lương và các phụ cấp), việc dạy thêm chân chính nhất để tăng thu nhập của một bộ phận giáo viên cũng bị cấm, bị lên án mà nay lương lại bị hạ thì họ sẽ sống thế nào?

Nhiều thầy cô vẫn còn hy vọng bỏ thâm niên nhưng lương nhà giáo vẫn sẽ không thấp hơn mức lương cũ do đang rất tin tưởng vào phát ngôn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo):

“Chính sách tiền lương mới của nhà giáo sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất mức độ phức tạp, đặc thù của công việc và lương mới của nhà giáo sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng”.

Tuy nhiên, việc chuyển xếp lương từ hạng cũ sang hạng mới có nguyên tắc căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Bởi thế, nhìn vào hai bậc lương giữa hạng cũ và hạng mới thì mức chênh lệch khi được chuyển sẽ không nhiều. Nhưng mất đi thâm niên thì những thầy cô giáo lâu năm lại mất đi một khoản thu nhập khá lớn khi tuổi đã xế chiều, ốm đau bệnh tật gõ cửa, con cái ăn học tốn kém.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, mong muốn của nhà giáo về quốc sách này, có lẽ vẫn là giáo viên sẽ sống được bằng thu nhập làm nghề (lương và phụ cấp).

Nếu điều này vẫn chưa được cải thiện trong lần thay đổi hạng ngạch, hệ thống tiền lương lần này thì cũng xin đường làm nhiều thầy cô giáo lại mất đi một khoản tiền lương hàng tháng khiến cho cuộc sống vốn khó khăn, vất vả lại càng trở nên túng thiếu hơn.

Tài liệu tham khảo:

Công văn số: 460/BGDĐT-NGCBQLGD về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

[1]https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-khong-co-chuyen-luong-giao-vien-se-bi-giam-816587.ldo

[2]http://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1496

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết