Mặt trái của "thưởng Tết" cho giáo viên dịp cuối năm

10/12/2019 06:09
NHẬT DUY
(GDVN) - Chuyện giáo viên không được thưởng Tết, không có tháng lương 13 đã trở thành “truyền thống” của nhiều địa phương, nhiều trường học.

Cứ vào dịp cuối năm, trên các diễn đàn báo chí lại nhắc đến câu chuyện thu nhập tăng thêm của đội ngũ giáo viên. Mong muốn của người thầy có tháng lương thứ 13 cũng là chính đáng như bao nhiêu người đang công tác ở các ngành nghề khác.

Tuy nhiên, đối với các trường học thì mọi kinh phí đều do ngân sách nhà nước cấp. Khi cấp kinh phí, chắc chắn một điều là cấp trên đã tính toán rất kỹ lưỡng về các khoản chi thường xuyên, chi không thường xuyên của các đơn vị trường học.

Vì thế, muốn có khoản thu nhập tăng thêm cũng đồng nghĩa việc mua sắm, sửa chữa của nhà trường nhằm phục vụ cho việc dạy và học sẽ bị hạn chế lại.

Nếu nhà trường tiết kiệm các khoản hoa hồng thì giáo viên sẽ có tiền thu nhập tăng thêm. (Ảnh minh họa: vov.vn)

Nếu nhà trường tiết kiệm các khoản hoa hồng thì giáo viên sẽ có tiền thu nhập tăng thêm. (Ảnh minh họa: vov.vn)

Chuyện giáo viên không được thưởng Tết, không có tháng lương 13 đã trở thành “truyền thống” của nhiều địa phương, nhiều trường học. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương như thành phố Hồ Chí Minh được phép tiết kiệm nguồn kinh phí của mình trong năm để cuối năm dư ra thì có thể làm quỹ thu nhập tăng thêm cho giáo viên.

Việc giáo viên có thêm khoản thu nhập vào cuối năn được xem là nguồn động viên, giúp cho giáo viên có thể trang trải cuộc sống trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng biết, khi tiết kiệm cũng đồng nghĩa là việc mua sắm trang thiết bị dạy học, tài liệu dạy học và mua sắm máy móc, sửa chữa trường lớp phải tạm đình lại. Việc dạy và học của cả thầy và trò sẽ bị ảnh hưởng theo.

Tuy nhiên, để tránh những khoản chi tiêu không cần thiết, mua sắm, sửa chữa giá thấp nhưng kê giá cao và tránh được lãng phí, thất thoát tiền kinh phí hoạt động của nhà trường vào túi một vài người thì những chế tài cần thiết phải được thực hiện tốt.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính của các cấp, cơ chế giám sát của thanh tra nhân dân trong nhà trường phải hoạt động hiệu quả, không hình thức, không làm chiếu lệ. Khi kinh phí dư có thể mua sắm thêm những trang thiết bị mới cho nhà trường thì đó mới là điều đáng trân quý nhất.

Điều đặc biệt, đơn vị đó phải có một hiệu trưởng, một kế toán nhà trường liêm khiết, không tham lam, biết sợ khi biến “của công thành của ông”.

Thu nhập tăng thêm vẫn có nếu hiệu trưởng hướng tới quyền lợi tập thể

Mặt trái của "thưởng Tết" cho giáo viên dịp cuối năm  ảnh 2Niềm vui cuối năm của giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh

Việc tiết kiệm để có thu nhập tăng thêm là việc làm mà một số trường học đang áp dụng nhưng dẫn đến việc nhiều khi máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của nhà trường hư hỏng mà nhà trường không dám sửa chữa, mua sắm.

Người thiệt thòi nhất trong việc này đương nhiên thuộc về các em học sinh trong trường.

Giáo viên ai cũng mong có một chút tiền thưởng Tết để góp vào thu nhập của mình nhằm sắm sửa cuối năm, nhất là đối với những giáo viên môn phụ, những giáo viên vùng khó khăn nhưng ước mơ nhỏ nhoi được thưởng Tết không phải trường nào cũng thực hiện được.

Muốn có tiền thưởng Tết, không cần lấy từ ngân sách nhà nước vẫn có nhiều cách mà nhà trường có thể thực hiện được.

Chẳng hạn, đối với các trường trung học phổ thông, và những trường trung học cơ sở, thậm chí là các trường tiểu học ở khu vực đô thị đều có tổ chức dạy thêm tại trường.

Chính vì thế, nhà trường nên trích lại một số ít phần trăm, cuối năm đương nhiên sẽ là một số tiền lớn. Số tiền ấy, có thể làm quà cho giáo viên toàn trường cũng khiến cho nhiều giáo viên vui lòng.

Mỗi năm học, nhà trường thường mua rất nhiều dịch vụ từ bên ngoài như: đồng phục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tin nhắn điện tử, văn phòng phẩm, sách cho thư viện…Mỗi dịch vụ như vậy đều có hoa hồng để lại cho nhà trường ít cũng phải từ 5% trở lên.

Ngoài ra, các trường học bây giờ gần như giáo viên nào cũng đều vay vốn ngân hàng ít cũng dăm chục triệu, nhiều vài trăm triệu. Mỗi trường luôn nợ ngân hàng nhiều tỉ đồng. Mỗi quý, ngân hàng đều trích lại một khoản hoa hồng cho Ban giám hiệu và Công đoàn nhà trường.

Mặt trái của "thưởng Tết" cho giáo viên dịp cuối năm  ảnh 3Chúng tôi quên dần câu hỏi “Tết này trường bạn thưởng bao nhiêu?”

Những khoản hoa hồng này, nếu hiệu trưởng, kế toán và một vài người trong trường không hưởng riêng thì cuối năm cũng có một khoản tiền đủ làm vui lòng giáo viên sau một năm công tác.

Bởi mỗi trường loại II, loại III có trên dưới 50 người, mỗi người vài triệu bạc đâu phải là khoản tiền quá lớn trong vô vàn các dịch vụ mà nhà trường đang sử dụng hàng năm. Đối với giáo viên, cuối năm mà được thưởng vài ba triệu bạc cũng đã là một mơ ước rồi.

Người hiệu trưởng đơn vị kết hợp với kế toán nhà trường nếu nghĩ đến quyền lợi chung của tập thể giáo viên và học sinh thì luôn hướng tới những điều có lợi nhất trong nhà trường.

Tiền kinh phí nhà nước cấp ngoài việc trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thì chi cho các hoạt động giáo dục khác. Dư dả, có thể mua sắm thêm trang thiết bị dạy học, sửa chữa lại trường lớp khang trang, sạch đẹp.

Thưởng Tết cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường chỉ cần trích lại toàn bộ hoa hồng từ các dịch vụ trong năm của đơn vị thì đâu phải là một việc làm khó.

Những cán bộ quản lý không hưởng một mình những khoản tiền từ “trên trời rơi xuống” mà nghĩ đến anh em trong đơn vị, nghĩ đến những người đã và đang cùng nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục thì không chỉ giáo viên vui mà đơn vị sẽ đoàn kết vô cùng.

Quyền lợi được san sẻ, trách nhiệm cùng gánh chung thì đời nào giáo viên phải than phiền, oán trách?

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên vào dịp Tết nguyên đán không cần lấy từ tiền tiết kiệm kinh phí nhà nước cấp vẫn có một cách dễ dàng. Vấn đề còn lại là lương tâm của mỗi hiệu trưởng và kế toán nhà trường mà thôi.

NHẬT DUY