Mối lo ngại lây lan dịch bệnh từ việc đi trực trường của giáo viên

04/04/2020 07:00
Đỗ Quyên
(GDVN) - “Vì sao chỉ mình tỉnh Bạc Liêu thực hiện việc cấm giáo viên đi trực trường?”; “Vì sao tỉnh Bạc Liêu lại cấm giáo viên đi trực trường thời gian này?”.

Ngày 2/4, Báo Dân trí có bài “Kiểm điểm thủ trưởng nếu để giáo viên trực trường trong đợt dịch Covid-19”.

Một trường học khi giáo viên đi trực đã xảy ra sự việc đau lòng (Ảnh minh họa: laodong.vn).
Một trường học khi giáo viên đi trực đã xảy ra sự việc đau lòng (Ảnh minh họa: laodong.vn).

Bài báo nêu, để thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giáo dục Khoa học & Công nghệ tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu ngành giáo dục trong tỉnh nghiêm túc thực hiện việc không bố trí giáo viên vào trực trường trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

“Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị kiểm điểm, xử lý, trước hết là người đứng đầu đơn vị đó”.

Theo đó, Sở Giáo dục Khoa học và Công nghệ cũng chỉ đạo trong thời gian cao điểm thì chỉ bố trí một lãnh đạo và nhân viên trực.

Thông tin trên lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên trong cả nước. Nhiều người thắc mắc:

“Vì sao chỉ mình tỉnh Bạc Liêu thực hiện việc cấm giáo viên đi trực trường?”; “Vì sao tỉnh Bạc Liêu lại cấm giáo viên đi trực trường thời gian này?”.

Giáo viên đi trực trường có trái với lệnh cách ly của Thủ tướng Chính phủ?

Mối lo ngại lây lan dịch bệnh từ việc đi trực trường của giáo viên ảnh 2
Tổ hành chính đi làm đúng theo quy định thì giáo viên sẽ không phải trực trường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác;

Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà;

Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở;

Trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh chỉ ra khỏi nhà trong những trường hợp cần thiết trong đó có việc trực cơ quan.

Vậy nên, việc bố trí giáo viên đi trực trường trong giai đoạn này sẽ không trái với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Phân công giáo viên đi trực trường giai đoạn này có vi phạm Luật không?

Trả lời thắc mắc về việc “Phân công giáo viên đi trực trường giai đoạn này có vi phạm Luật không?” Thư viện Pháp luật cũng trả lời:

“Trong thời gian dịch bệnh thì nhà nước có chính sách tạm cho học sinh nghỉ học, còn giáo viên thì vẫn làm những công việc khác (trừ đứng lớp) như bình thường.

Do đó, hiệu trưởng vẫn có quyền phân công giáo viên trực trường hoặc làm những công tác khác liên quan đến công việc”. 

Không vi phạm Luật nhưng có thật sự cần thiết?

Mối lo ngại lây lan dịch bệnh từ việc đi trực trường của giáo viên ảnh 3
Bắt giáo viên trực tết, hè,… không công sẽ bị phạt đến 20 triệu

Học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, giáo viên không có học sinh nên cũng nghỉ ở nhà. Thế nhưng nhiều tỉnh thành trong cả nước đang tổ chức nhiều hình thức dạy học cho học sinh.

Có thể kể đến nơi dạy trực tuyến, dạy học trên truyền hình, gửi bài qua Zalo, email, đem bài tập đến nhà…nghỉ dạy trên trường nhưng giáo viên cũng đang làm việc tại nhà.

Nơi trường học, theo nguyên tắc tổ văn phòng gồm kế toán, Tổng phụ trách, văn thư thiết bị, ban giám hiệu và bảo vệ vẫn phải làm việc.

Vì thế, việc bắt giáo viên đến trường trực mà chủ yếu chỉ quét lá rụng xong ngồi ngó trời, ngó đất cho hết giờ cũng chẳng tác dụng gì nếu không muốn nói là tạo nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người.

Mối lo ngại lây lan dịch bệnh từ việc đi trực trường của giáo viên

Giáo viên không dám đi trực một mình vì câu chuyện đau lòng về một cô giáo miền Trung trực hè bị người lạ vào trường cưỡng hiếp đang là bài học ám ảnh nhiều người.

Bởi thế, nhà trường thường phân lịch trực theo từng tổ chuyên môn. Mỗi tổ chuyên môn có từ 5-10 người. Với tâm lý, lâu ngày gặp nhau nên nhiều thầy cô thường tổ chức ăn uống, hát hò trong lúc trực để cho nhanh hết thời gian.

Có thể nói, trực trường theo kiểu tụ tập thế này thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là khá cao.

Trường học mùa dịch cũng chẳng có ai đến liên hệ công việc trong khi bảo vệ luôn phải có mặt và tổ văn phòng vẫn làm việc bình thường thì có cần huy động giáo viên phải đến trường trực theo kiểu tụ họp thế không?

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/kiem-diem-thu-truong-neu-de-giao-vien-truc-truong-trong-dot-dich-covid-19-20200401220039570.htm

Đỗ Quyên