Mọi người nô nức đi nghỉ lễ, giáo viên ngậm ngùi chuẩn bị lịch ...dạy bù

12/04/2019 06:48
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nghỉ lễ nhưng vẫn có thời khóa biểu. Nếu nghỉ thì chương trình vẫn còn, phải dạy bù chứ bỏ tiết sao được? Không dạy bù chương trình đi đâu?

Việc dạy bù chưa có quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thế nên mỗi địa phương đang làm mỗi khác gây không ít phiền toái cho giáo viên, phụ huynh và chính các em học sinh.

Nghịch lý chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi dạy bù (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Nghịch lý chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi dạy bù (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Muôn cách bù

Một số giáo viên ở tỉnh Quảng Nam cho biết, nghỉ lễ xong một số trường học nơi đây bắt giáo viên phải đi dạy bù vào ngày thứ 7 thậm chí chủ nhật.

Khi giáo viên phản ánh, có hiệu trưởng còn nói rằng “Chương trình dạy Bộ đã quy định 35 tuần (tiểu học) và 37 tuần bậc trung học.

Nghỉ lễ nhưng vẫn có thời khóa biểu, vì vậy nghỉ nhưng vẫn phải dạy.

Nếu nghỉ thì chương trình vẫn còn, phải dạy bù chứ bỏ tiết sao được. Không dạy bù chương trình đi đâu?”.

Một số giáo viên ở An Giang cũng từng phản ánh việc sau lễ nhà trường bắt giáo viên đi dạy bù vào ngày nghỉ cuối tuần gây ức chế, bức xúc cho thầy cô.

Triệu người mơ... không phải dạy bù

Khác với những tỉnh thành trên, một số giáo viên tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau nghỉ lễ các thầy cô cũng phải dạy bù chương trình.

Nhưng cách bù là nhồi nhét kiến thức trong các buổi học chính khóa khác.

Ví như ngày nghỉ lễ rơi vào ngày thứ hai có 8 tiết học trong ngày (tỉnh này vẫn áp dụng dạy 8 tiết/ngày vượt chuẩn quy định 1 tiết).

Giáo viên sẽ dạy bù rải rác 8 tiết chưa được học của ngày thứ hai vào các ngày trong tuần cho đến hết.  

Thế là, một ngày học sinh vẫn chỉ học 8 tiết nhưng một tiết không còn 35-40 phút, mà bị bớt còn khoảng 20-25 phút…

Cái này gọi là “ăn cắp thời gian tiết học để bù kiến thức đã nghỉ”.

Dạy bù kiểu này, thầy cô mệt một chút, học sinh tiếp thu bài căng thẳng một chút nhưng đổi lại, giáo viên và học sinh không phải đi dạy thêm vào ngày nghỉ cuối tuần.

Riêng tỉnh Bình Thuận (bậc tiểu học) lại có kiểu dạy bù khác hẳn, đó là kiểu kéo lùi thời khóa biểu, dịch chuyển tuần học của học sinh (theo thông thường) một cách tréo ngoe.  

Nghe có vẻ lạ, nhưng cụ thể là: thứ hai (tuần học thứ 31) ngày 15/4 sẽ được nghỉ bù cho ngày Giỗ tổ Hùng Vương (chủ nhật).

Thế là thứ ba trở thành ngày đầu tuần, thứ hai (tuần kế tiếp) mới là ngày cuối tuần của tuần học thứ 31. Và thứ ba, lại bắt đầu ngày đầu tuần cho đến thứ hai tuần kế tiếp…

Những lần nghỉ 2 ngày như 30/4 và 1/5, thời khóa biểu tiếp tục sẽ dịch chuyển ngày đầu tuần là thứ 4 (tuần này, kết thúc vào thứ 4 tuần sau). Có những lần thứ hai lại học thời khóa biểu của thứ năm…

Trái khoáy chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi phải dạy bù

Hậu quả, sinh hoạt học tập của trường đôi khi cứ rối tung lên. Có giáo viên quên tiết lên lớp.

Có học sinh quên học bài, soạn bài gây khó khăn cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Riêng bậc trung học ở tỉnh Bình Thuận, giáo viên không phải dạy bù vào cuối tuần, không phải dịch chuyển thời khóa biểu như bậc tiểu học mà những môn thiếu tiết học (vì trùng với ngày nghỉ), giáo viên sẽ dạy bù cho học sinh vào tuần dự bị (tuần 17B và 37B).

Bố trí kiểu dạy bù này, giáo viên không bị áp lực phải dạy bù vào ngày nghỉ, không bị ép chương trình, học sinh không bị nhầm lẫn thời khóa biểu dịch chuyển.

Nghỉ lễ, dạy bù thế nào là hợp lý?

Tại điều 115 của Bộ luật lao động năm 2013 đã ghi rõ về số ngày nghỉ lễ của người lao động, luật đã quy định cụ thể “Nếu ngày nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”.

Vậy mà, giáo viên lại phải đi dạy bù sau ngày nghỉ lễ vào cuối tuần như một số tỉnh thành đang áp dụng là điều hoàn toàn vô lý!

Hay dạy ép tiết trong tuần, dịch chuyển thời khóa biểu…gây quá tải, gây xáo trộn cho việc dạy và học.  

Bậc tiểu học, một năm có 35 tuần thực học, bậc trung học có 37 tuần thực học. Ngoài ra, còn có tuần 17B, 17C và 35B, 37B…

Những tuần này, nhà trường nên dành để bố trí cho giáo viên dạy chưa đủ tiết, dạy bù những ngày đã nghỉ là hợp lý.

Trong thực tế, đã có nhiều trường học bậc trung học của tỉnh Bình Thuận đang áp dụng dạy bù vào tuần dự trữ rất hiệu quả.

Như thế sẽ vẹn cả đôi đường, thầy cô cũng được nghỉ lễ mà không phải chịu áp lực dạy bù.

Đỗ Quyên