Một khi giáo viên bất lực buông xuôi, dạy cho hết tiết...

19/12/2020 06:25
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi giáo viên còn nhắc nhở, còn phạt là thầy cô còn yêu thương và mong muốn học sinh ngoan hơn, học tốt hơn.

Bạn nghĩ gì khi nghe một số giáo viên truyền tai nhau về cách bảo vệ mình trước áp lực dư luận xã hội cũng như chính các cán bộ quản lý giáo dục, rằng hãy cố gắng tự bảo vệ chính mình, vào tiết thì dạy, hết tiết bước ra và hãy nhanh chân về nhà?

Giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ & Xã hội)

Giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ & Xã hội)

“Bí kíp” ấy làm đau lòng tất thảy những ai quan tâm tới xã hội. Bởi, hậu quả đem lại cho gia đình, xã hội là không hề nhỏ.

Nhưng tại sao một số thầy cô lại vận dụng? Chẳng lẽ giáo viên không nghĩ đến hậu quả khi mình buông tay?

Khi giáo viên cũng bị bạo hành

Giáo viên sẽ là người hiểu hơn ai hết hậu quả khi mình buông tay, học sinh đã hư sẽ còn hư hơn. Thế nhưng, chỉ vì cách hành xử thái quá của phụ huynh, cách giải quyết một chiều xóa dịu dư luận của nhà trường (phần thiệt đương nhiên giáo viên gánh chịu) làm chúng tôi thấy sợ nên hay dặn dò lẫn nhau.

Cô giáo T. hiện đang giảng dạy tại một trường tiểu học ở Bình Thuận (xin được viết tắt tên và địa chỉ công tác) cũng từng là nạn nhân bị phụ huynh khủng bố suốt thời gian khá dài rồi cuối cùng vẫn phải đến nhà phụ huynh xin lỗi để mong họ đừng viết đơn kiện nhà trường.

Một lần, cậu học trò tên Vũ của lớp cô chủ nhiệm rủ theo 4 bạn cùng lớp trèo lên cây và đu xuống bức tường rào để trốn xếp hàng. Khi phát hiện, cô T. cho cả 5 em nằm dài trên bàn và phạt mỗi đứa một roi vào mông.

Trước khi phạt nói rất rõ: “Thà để cô phạt một roi cho nhớ không thì cha mẹ đẻ con lành mà nuôi con què”.

Thế là, vài ngày sau bố Vũ tìm đến trường vào tận lớp khi cô T. đang dạy chỉ mặt quát lơn: “Tại sao cô đánh con tôi? Cô có quyền gì mà đánh nó? Tôi sẽ đưa đi viện, có chuyện gì thì cô chết với tôi”.

Ngày hôm sau, ông ta lại đi vào lớp chỉ tay vào mặt cô giáo và nói lớn: “Tôi có đi khám, có chụp phim cho nó, tim gan phèo phổi nó sau này có chuyện gì thì tôi không tha cho cô đâu”.

Cô T. nói chỉ biết im lặng chẳng lẽ lại nói: “Quất một roi vào mông sao tim gan phèo phổ lại ảnh hưởng được? Nhưng lại thôi”.

Và cứ thế, mỗi ngày ông ta đến lớp cô T. một lần, cũng lại đi vào lớp và chỉ mặt chửi. Khi thì “trông cô cũng dễ thương, sao mà cô ác quá vậy?”; Khi thì “tôi về hỏi nó, cô có chấm bài cho con không? Nó bảo có.

Cô có gọi con trả lời không? Nó bảo là có, chứ không thì cô chết với tôi”. Cùng với câu cô chết với tôi là cái tay dứ dứ vào mặt cô giáo trước con mắt lấm lét của biết bao học sinh dưới lớp.

Cứ nghĩ, dù gì mình cũng sai trước khi đánh đòn em học sinh vì theo quy định giáo viên không được phép làm thế nên phải cố nhẫn nhịn cho xong chuyện. Ai ngờ, một ngày khác ông phụ huynh ấy không vào lớp nữa mà đến thẳng phòng hiệu trưởng lên án cô giáo bạo hành học sinh và nói sẽ làm đơn kiện lên cấp trên.

Thầy hiệu trưởng cũng hiểu và thông cảm vì biết rằng cô T. luôn là giáo viên tốt, luôn lo lắng và chăm sóc, dạy dỗ học sinh chu đáo. Sự việc xảy ra cũng xuất phát từ tình thương các em nên thầy chỉ nói nhẹ nhàng: “Ngày mai tỉnh về công nhận trường mình đạt chuẩn quốc gia. Em giải quyết vụ này cho êm, đừng để đơn kiện rùm beng thì công của cả trường trở thành công cốc”.

Cô T. đã phải nuốt cơn uất nghẹn vì liên tục bị phụ huynh khủng bố để đến nhà xin lỗi. Thấy giáo viên đến, ông ta càng chửi rủa không tiếc lời. Trước mặt cậu con trai đang nhìn cô giáo với ánh mắt đầy ái ngại, ông ta vẫn xối xả:

“Cô có quyền gì mà đánh nó? Nó có chửi vào mặt cô, cô cũng không được phép đánh nó. Nó có đánh vào mặt cô, cô cũng không được đánh nó. Đằng này, chỉ là nó leo cây, trèo tường thôi”.

Đã bao phen toan đứng lên nhưng nghĩ đến vì mình mà cả trường ảnh hưởng nên cô giáo T. nói mình đành nhẫn nhịn để cầu xin.

Có lẽ thấy hình ảnh cô giáo và những lời xin lỗi khẩn khoản đáng thương nên mẹ của vị phụ huynh đã nói cô giáo về đi, sẽ không có lá đơn nào cả.

Hay, câu chuyện của một đồng nghiệp tên H. kể rằng vị phụ huynh bất ngờ lên tố với nhà trường con họ bị cô giáo đánh. Nhà trường mời cô H. (một giáo viên mẫu giáo xin được viết tắt tên và đơn vị công tác) lên giải trình. Mặc cho cô giáo khẳng định mình không đánh nhưng phụ huynh cứ khăng khăng nếu cô không đánh sao chân học sinh bị bầm?

Hỏi cậu bé thì cứ ú a ú ớ vì bé còn nhỏ cũng chẳng hiểu gì để trả lời. Trước sự hung hăng của phụ huynh, nhà trường khuyên cô đến nhà xin lỗi cho êm chuyện. Cô giáo H. nức nở với chúng tôi rằng mình bị oan nhưng không có ai bảo vệ nên đành phải nhận cái lỗi mình không hề làm.

Một thời gian sau, chính vị phụ huynh đã lên tiếng hiểu lầm cô vì phát hiện ra chân cậu bé thi thoảng cũng bị bầm như thế.

Khi giáo viên buông tay

Dù chua xót nhưng cũng phải thừa nhận rằng, giáo viên chúng tôi rất sợ những học sinh có cha mẹ luôn bắt bẻ thầy cô. Thế nên, giáo viên lớp dưới thường dặn dò lớp trên cẩn thận với em A; em B…

Thế là, học sinh sai cũng ít bị nhắc nhở, học sinh vi phạm luôn được thầy cô làm lơ. Buồn nhất là có em thấy thầy cô giáo tỏ ra dễ dãi với mình lại thường xuyên làm tới và chểnh mảng luôn học tập.

Giáo viên đã bị tước hết quyền?

Nói nặng học sinh không được, nói nhẹ lại không nghe. Mời phụ huynh thì có gia đình lại bênh con cho rằng con mình ở nhà rất ngoan, không bao giờ như thế, có nhà còn cho là thầy cô thiên vị và đặt điều do không đi học thêm nên thường bị giáo viên làm khó.

Có gia đình thẳng thắn thừa nhận và nói chúng tôi cũng bất lực rồi trăm sự nhờ thầy cô. Nhưng cũng có những phụ huynh nói như vỗ vào mặt đến mức nó có hư chúng tôi mới nhờ đến nhà trường giáo dục, nếu ngoan thì chẳng cần gì…

Phụ huynh thì chia làm hai nhóm: một là giao toàn bộ việc giáo dục con cho nhà trường, hai là chăm con một cách thái quá, giáo viên chỉ cần đụng chạm tới con họ một chút là thưa kiện, đòi đổi giáo viên.

Thầy cô chúng tôi sẽ dạy những em ngang bướng, nghịch ngợm, hỗn hào này thế nào khi trong tay chẳng còn chút công cụ gì cả? Đến cái quyền được nóng giận khi bị học trò chửi vỗ mặt để la chúng vài câu cũng còn không được phép thì biết giáo dục chúng bằng kiểu gì đây?

Nhiều “vòng kim cô” vây hãm

Quyền phạt học sinh không có vì có biết bao điều cấm như vòng kim cô xiết vào cổ. Nào là không được nhắc nhở học sinh trước lớp, không được phạt viết kiểm điểm, không được đòn roi, không được phạt lao động công ích…

Nếu nhìn rộng ra, ở Mỹ nơi có nền giáo dục phát triển mạnh và văn minh thì một số bang vẫn cho phép phạt học sinh bằng cách đánh đòn, với tối đa là ba roi vào mông.

Đây là, triết lý dung hòa giữa tư tưởng giáo dục truyền thống và áp dụng cải cách thời đại do Trường học Georgia (bang Georgia, Mỹ) xây dựng.

Ba cây thước/roi dùng để đánh đòn học sinh. Kích thước cây thước/roi sẽ không dài quá 60cm, bề ngang không quá 15cm và bề dày không quá 2,5cm. Mỗi lần bị phạt, học sinh sẽ bị đánh tối đa 3 roi. (Ảnh minh họa: Báo phụ nữ)

Ba cây thước/roi dùng để đánh đòn học sinh. Kích thước cây thước/roi sẽ không dài quá 60cm, bề ngang không quá 15cm và bề dày không quá 2,5cm. Mỗi lần bị phạt, học sinh sẽ bị đánh tối đa 3 roi. (Ảnh minh họa: Báo phụ nữ)

Vậy mà chúng ta, phạt roi học sinh là cấm kị, đến việc nhắc nhở học sinh trước lớp cũng vi phạm thông tư, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Điều này đã dẫn đến, nhiều thầy cô than rằng, học sinh thì quậy phá, vào lớp ngồi nói chuyện, mất kiến thức căn bản trầm trọng nhưng chỉ tiêu lên lớp ít nhất là 98%. Ngoài ra còn phải đảm bảo tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, tỷ lệ hạnh kiểm tốt…

Và biết bao phong trào phải đạt như phong trào mũi nhọn thi học sinh giỏi, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, thi vở sạch chữ đẹp, hùng biện tiếng Anh…

Áp lực trút lên đầu mỗi thầy cô giáo là không hề nhỏ. Bởi thế, cần hơn lúc nào hết là sự cảm thông thấu hiểu từ phía phụ huynh. Đừng chỉ biết bắt bẻ thầy cô mỗi khi la rày hoặc nhắc nhở con cái mình.

Khi giáo viên còn nhắc nhở, thậm chí còn phạt là thầy cô còn yêu thương và mong muốn học sinh ngoan hơn, học tốt hơn. Một khi con mình không ai nói đến thì mới thật sự đáng lo ngại lắm thay. Và, hậu quả đem lại trước hết chính gia đình phải gánh chịu.

Tài liệu tham khảo:

https://www.phunuonline.com.vn/nhieu-noi-tai-my-chon-giao-duc-bang-don-roi-ky-luat-thep-lieu-co-con-phu-hop-a4588.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Phan Tuyết