Một số nhận xét, đánh giá về đề thi minh họa cho kỳ thi quốc gia năm 2018

04/02/2018 08:10
Hoàng Minh
(GDVN) - Đã là đề thi thử nghiệm cho học sinh trước một kỳ thi lớn thì đề thi phải đạt độ chuẩn hóa cao, song bộ đề thi lần này vẫn chưa đạt được những yêu cầu này.

LTS: Với mong muốn cần có cách nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan về đề thi minh họa cho kỳ thi quốc gia năm 2018, là một nhà giáo đang trực tiếp tham gia giảng dạy - tác giả Hoàng Minh đã có những chia sẻ trước vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Như đã có thông báo, vào thời điểm cuối tháng 1 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu đề thi tham khảo cho kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 để giáo viên và học sinh có thể tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi.

Từ đó, các thầy cô giáo và các em học sinh có định hướng và kế hoạch trong quá trình giảng dạy và ôn tập, nhằm phục vụ tốt cho kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm nay.

Cùng với đó, đề thi minh họa theo dạng bài thi này cũng sẽ giúp các Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương hình dung được số lượng trang in của đề thi trong thực tế nhằm có phương án chuẩn bị cho việc sao in đề thi. 

Một số nhận xét, đánh giá về đề thi minh họa cho kỳ thi quốc gia năm 2018 ảnh 1Thật mừng vì có đề thi minh họa

Có thể nói, đây là một việc làm khá tích cực và thiết thực của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm phục vụ cho kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm nay. Vì thế, cần thiết có sự nhìn nhận và cùng đánh giá về đề thi này.

Theo đó, nhìn tổng thể, bộ đề thi tham khảo năm nay có nhiều điểm khá tích cực, lượng kiến thức được phân bổ nhiều vào lớp 11 và lớp 12 bậc trung học phổ thông và tập trung chủ yếu vào lớp 12 với khoảng 80% số câu hỏi.

Điểm tích cực lớn nhất của bộ đề thi thi này có thể nói đó là tính phân hóa cao với sự phân bố câu hỏi theo trình tự từ dễ đến khó.

Theo đó, học sinh phải thực sự nắm vững kiến thức, có khả năng tư duy cao mới có thể đạt được điểm tối đa.

Với ưu điểm này, hy vọng rằng trong kỳ thi năm nay sẽ khắc phục được tình trạng “mưa điểm 10” như năm vừa qua.  

Cụ thể, những câu hỏi trong bộ đề thi này khó và rộng hơn so với đề thi của năm 2017. Đề thi không đòi hỏi ở sự ghi nhớ kiến thức máy móc, vì thế đối với học sinh có lực học trung bình khi nắm chắc kiến thức có thể đặt được 5, 6 điểm.

Còn đối với học sinh khá, giỏi cần phải nắm được bản chất của các vấn đề kiến thức, cùng với đó là phải biết phân tích, tổng hợp và vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì mới có thể đạt được điểm tối đa.

Tuy nhiên, ở bộ đề thi này cũng có những điểm cần phải xem xét lại, đặc biệt là cho một kỳ thi lớn là kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia.

Cụ thể, trong bộ đề thi đã có những câu hỏi rất khó, mang tính chất đánh đố thí sinh mà nếu chỉ với những kỹ năng, kinh nghiệm và cách làm bài thông thường ở các học sinh hiện nay thì khó có thể giải quyết được, nhất là đây lại là những câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đòi hỏi thí sinh phải giải nhanh.

Tuy nhiên, những câu hỏi trong đề thi lần này đã không đạt yêu cầu này. Vấn đề cũng xảy ra tương tự đối với một số câu hỏi ở đề thi môn thành phần Lịch sử và Địa lý.   

Như thế, đây là những câu hỏi của một đề thi nhưng nội dung yêu cầu của đề bài là gì thì đã không được xác định. Bởi lẽ, đã là một đề thi thì phải có sự cụ thể nhằm xác định các yêu cầu cho các câu hỏi, đây là một vấn đề khoa học để phân biệt một đề thi với các yêu cầu khác, để từ đó không gây ra sự lúng túng cho các thí sinh.

Như vậy, nếu nhìn toàn diện thì bộ đề thi này đã có những ưu điểm với tính phân hóa cao, cùng với đó là đòi hỏi kiến thức toàn diện của thí sinh.

Tuy nhiên, với những bất cập này của đề thi thì cần thiết Ban ra đề phải có sự xem xét lại khi ra đề thi chính thức, tránh gây thiệt thòi cho các học sinh.

Thiết nghĩ, đã là đề thi thử nghiệm cho học sinh trước một kỳ thi lớn thì đề thi phải đạt độ chuẩn hóa cao, đặc biệt là về mặt khoa học. Song bộ đề thi lần này của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đạt được những yêu cầu này.

Do đó, mong rằng với đề thi chính thức sau này, Ban ra đề sẽ khắc phục được những hạn chế và khiếm khuyết, để xứng đáng là những đề thi cho một kỳ thi trung học phổ thông ở tầm quốc gia.         

Hoàng Minh