Muốn tăng lương, đơn giản lắm, cứ giảm người, tăng chất việc là được

19/01/2019 06:39
BÙI NAM
(GDVN) - Việc làm ngay bây giờ là tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm các khoản chi bất hợp lý, sắp xếp bộ máy tinh gọn…để tăng lương cho nhà giáo cho bằng được.

LTS: Dưới góc nhìn của một nhà giáo, thầy Bùi Nam đã thẳng thắn nêu ra ý kiến và đề xuất những giải pháp để tăng lương cho người giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiện nay việc tăng lương cho nhà giáo đang được các tổ chức, cá nhân đóng góp một cách cụ thể, thiết thực trong bối cảnh chế độ cho nhà giáo chưa được quan tâm đúng mức.

Việc tăng lương cho nhà giáo, tăng thời gian làm việc, nhằm khẳng định chính sách chăm lo cho giáo dục, tăng vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội…là điều đáng lý ra phải làm rất lâu rồi.

Giải pháp nào cho việc tăng lương giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).
Giải pháp nào cho việc tăng lương giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).

Nghị quyết 29/NQTW xác định ưu tiên xếp lương xếp cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương của khối hành chính sự nghiệp đến nay đã hơn 5 năm nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực.

Một ý kiến tâm huyết thiết thực của Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khi góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng:

“Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. 

Nói rõ hơn về đề xuất của mình, Giáo sư Trần Hồng Quân phân tích, giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, giáo dục là quốc sách hàng đầu nên không có lý do gì chúng ta không đặt ra điều này. 

Đây là đề xuất cụ thể, thể chế hóa nghị định của Trung ương một cách rõ ràng, cụ thể được đa số giáo viên đồng tình ủng hộ, không thể mãi tôn vinh thầy, cô giáo bằng khẩu hiệu mãi được.

Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn với đề xuất, hầu hết đều đồng tình nhưng băn khoăn việc lấy kinh phí từ đâu để tăng lương cho nhà giáo như trên khi mà ngân sách còn hạn hẹp, nợ công vẫn còn ở mức cao, sự lãng phí trong giáo dục còn nhiều…

Nhưng xin được nói thẳng rằng, đề xuất của Giáo sư Trần Hồng Quân là đề xuất hợp lý, không có lý gì mà chúng ta không thực hiện cho bằng được, nó phù hợp, đúng đường lối, chủ trương theo nghị quyết của trung ương Đảng.

Muốn tăng lương, đơn giản lắm, cứ giảm người, tăng chất việc là được ảnh 2Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang

Tôi nói lại, việc của chúng ta không bàn nữa mà phải tìm cách để tăng lương, thật ra là tìm nguồn kinh phí để tăng lương cho nhà giáo theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng.

Việc làm ngay bây giờ là tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm các khoản chi bất hợp lý, sắp xếp bộ máy tinh gọn…để tăng lương cho nhà giáo cho bằng được.

Chỉ khi nào tăng lương được thì chúng ta mới bàn đến các việc khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả… 

Thứ nhất, bãi bỏ một số chính sách cho nhà giáo trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn

Hiện nay các công chức, viên chức đang công tác tại các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang khó khăn… (gọi chung là xã khó khăn) được hưởng các chế độ trợ cấp, phụ cấp theo nghị định 116/2010/NĐCP.

Theo đó, giáo viên công tác trong các xã khó khăn trên được hưởng phụ cấp thu hút 70% (thời hạn tối đa 5 năm), phụ cấp ưu đãi 70% (không giới hạn thời gian), phụ cấp lâu năm…

Như vậy, một giáo viên công tác ở vùng trên nhận lương cao hơn từ 40 đến 110% so với giáo viên các vùng còn lại.

Trước đây, đây là một chính sách nhân văn, nhân đạo hỗ trợ giáo viên trong vùng khó khăn.

Nhưng hiện nay, chính sách này đã không còn phù hợp bởi thật sự có rất nhiều trường học nằm trong vùng khó khăn, nhất là các xã bãi ngang điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, giáo viên công tác cũng không hề khó khăn…nhưng vẫn nhận đều đặn mức lương rất cao so với giáo viên khác là điều bất hợp lý và lãng phí một nguồn ngân sách rất lớn.

Tôi cho rằng, nên giữ nguyên chính sách cho giáo viên vùng miền núi, hải đảo và một số trường thật sự khó khăn, giáo viên phải bám trụ, leo đèo, vượt suối để đến trường, gieo chữ, gieo tình thương… 

Sẵn dịp tôi xin góp ý Chính phủ khi hỗ trợ cho các hộ dân trong xã khó khăn thì chỉ hỗ trợ gia đình khó khăn, không hỗ trợ toàn bộ.

Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh hộ gia đình sống trong xã khó khăn, nhưng ở nhà lầu 3, 4 tầng nhận hỗ trợ gạo, bảo hiểm ý tế…đây là việc làm quá lãng phí và gây áp lực lớn lên nguồn ngân sách.

Muốn tăng lương, đơn giản lắm, cứ giảm người, tăng chất việc là được ảnh 3Mỗi tháng, thầy cô được bao nhiêu tiền lương?

Tương tự như vậy, giáo viên chỉ cần đi dạy trong xã khó khăn, hoàn cảnh giàu có, nhà cửa khang trang…nhưng mỗi tháng nhận lương rất cao, trong khi đó không hề có bất kỳ khó khăn gì.

Đó là điều quá bất công so với giáo viên các địa bàn khác.

Có trường hợp 2 trường học cách nhau chưa được 1km, nhưng 1 trường thuộc xã khó khăn thì giáo viên hưởng lương cao hơn gấp đôi so với trường còn lại, dù giáo viên điều kiện đi lại, làm việc, cống hiến là như nhau. Nó gây ra sự bất bình cho một số giáo viên.

Nó không hề mang lại hiệu quả gì cho việc giảm nghèo bền vững như mong muốn của Chính phủ.

Rất mong Chính phủ cho rà soát, lấy ý kiến cụ thể đối với mọi giáo viên để bãi bỏ các chính sách không hợp lý trên.

Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ ở quyết định số 900/QĐTTg có 2139 xã vào diện đầu tư theo chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020.

Bên cạnh đó, Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020, danh sách này gồm 291 xã thuộc 23 tỉnh được hỗ trợ đầu tư.

Như vậy, hiện nay có gần 2.500 xã được được hỗ trợ đầu tư, thì cũng ngần ấy xã công chức, viên chức trong đó giáo viên công tác trong các xã đó được hỗ trợ lương và phụ cấp rất cao, tính tổng cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước nhận tiền phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút…nếu bãi bỏ một phần chính sách trên ta có số tiền cực lớn.

Nếu rà soát một cách cẩn thận, chỉ hỗ trợ cho giáo viên công tác vùng miền núi, hải đảo có điều kiện hết sức khó khăn và những giáo viên có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, chứ không hổ trợ toàn bộ như trên.

Giáo viên ở các trường khác, điều kiện đã thuận lợi thì không hỗ trợ nữa, ta sẽ tiết kiệm một nguồn ngân sách rất lớn, đây là một nguồn kinh phí không nhỏ để tăng lương cho giáo viên.

Thứ hai, phải mở rộng mô hình trường tư, dân lập

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý. Tổng số người làm việc trong ngành Giáo dục là 1.672.506 người.

Muốn tăng lương, đơn giản lắm, cứ giảm người, tăng chất việc là được ảnh 4Chưa nâng được lương thì hãy cải thiện môi trường làm việc cho người thầy

Rõ ràng với số lượng người làm việc quá nhiều, nếu cứ mãi giữ nguyên mô hình làm việc và số người như hiện nay thì việc tăng lương là khá khó.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tăng cường chính sách, cơ chế để xuất hiện nhiều hơn nữa trường tư, trường dân lập.

Mô hình trường tư, dân lập xuất hiện sẽ có nhiều học sinh học ở trường trên, sẽ có nhiều giáo viên giảng dạy tại các trường tư, dân lập…vừa giảm biên chế giáo viên, vừa giảm số học sinh học trường công, vừa tăng tính cạnh tranh, bình đẳng.

Và quan trọng là chỉ cần hơn 20% giáo viên và học sinh học trường tư, dân lập thì sẽ tiết kiệm một phần lớn ngân sách cho việc chi lương, khoản hỗ trợ học sinh, xây dựng trường lớp.

Các cơ sở giáo dục phải lớn mạnh, phải tự chủ không thể bám víu mãi vào “bầu sữa” ngân sách. Làm được như trên thì việc tăng lương giáo viên cao nhất là việc làm khả thi.

Thứ ba, giải thể ngay một số các trường sư phạm ở địa phương

Hiện nay, một số trường cao đẳng sư phạm tại địa phương hoạt động đã không còn hiệu quả, sinh viên ra trường khó tìm việc…sứ mệnh lịch sử của các trường sư phạm tại địa phương đã hết, nó chỉ đào tạo, hoạt động cầm chừng không hiệu quả.

Việc đào tạo sư phạm nên gom đầu mối về các trường đại học sư phạm danh tiếng như đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và đại học khu vực như Đại học Cần Thơ, Đồng Tháp, Đà Nẵng…

Giải thể, sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm tại địa phương sẽ tiếp tục tiết kiệm thêm một phần ngân sách chi tăng lương cho giáo viên.

Thứ tư, dẹp ngay các hội thi vô bổ, lãng phí

Việc hiện nay đang được bàn tán rất nhiều chính là sự việc “diễn” trong các hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi…

Để được dự thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, học sinh trung học cơ sở, tiểu học phải trải qua 2 lần đạt cấp Huyện, 4 lần đạt cấp trường.…và sau mỗi lần “diễn” ấy là kinh phí không nhỏ cho ban tổ chức, ban giám khảo, giám thị coi thi, rồi chấm thi năng lực, chấm sáng kiến kinh nghiệm…từ cấp trường, cấp Huyện, cấp Tỉnh thậm chí cấp Quốc gia.

Muốn tăng lương, đơn giản lắm, cứ giảm người, tăng chất việc là được ảnh 5Tăng lương nhà giáo vẫn là một câu chuyện…rất dài

Mỗi năm ngành giáo dục chi một số tiền quá lớn cho việc tổ chức hội thi mà hiệu quả hầu như là con số 0 thì nên dừng lại.

Ngày 15/1, Tiến Sĩ Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng xác nhận ý kiến về việc hội thi giáo viên giỏi không còn hiệu quả.

Ông nêu: "Thực tế nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp, sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép. Bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi.

Thi thực hành 2 tiết, trong đó có một tiết thực hành và một tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng diễn trong các hội thi”.

Một tiết dạy giỏi không thể đánh giá giáo viên giỏi. Dừng lại để giáo dục đi vào thực chất và cũng là tiết kiệm nguồn ngân sách để làm các việc thiết thực và dành ngân sách tăng lương cho giáo viên.

Thứ năm, sáp nhập ngay các trường tiểu học trong địa bàn cùng xã

Hiện nay, còn khá nhiều địa bàn xã có 2 thậm chí 3 trường tiểu học chưa tiến hành sáp nhập.

Nó làm cho bức tranh biên chế ngày càng phình to, sáp nhập sẽ giảm hàng loạt nhân sự như hiệu trưởng, hiệu phó, các nhân viên kế toán, y tế học đường…

Nếu thực hiện đồng loạt trong cả nước, sẽ cắt giảm rất nhiều giáo viên, nhân viên để vừa giảm biên chế vừa tăng lương giáo viên, vừa thực hiện tinh giảm đầu mối.

Thứ sáu, giảm cán bộ quản lý

Hiện nay, nhiệm vụ Phòng giáo dục và Đào tạo chỉ làm nhiệm vụ trung gian, tham mưu cho Ủy ban nhân dân các huyện và chủ yếu tổ chức các hội thi.

Do việc lấy ý kiến bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, điều động hay tuyển dụng biên chế hầu như Phòng nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân Huyện thực hiện.

Sự thật về lương và phụ cấp của nhà giáo, có ai tin được những con số dưới dây?

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát bãi bỏ, giải tỏa các áp lực các hồ sơ sổ sách và các kỳ thi.

Trong bối cảnh thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và tăng tính tự chủ cho hiệu trưởng, tôi nghĩ nếu chưa giải tán phòng giáo dục thì phải giảm số lượng người làm việc, chuyển vào làm việc trong khuôn viên Ủy ban nhân dân Huyện.

Trên đây là các đề xuất của cá nhân tôi về việc tiết giảm ngân sách, tăng chính sách cho nhà giáo theo đúng tinh thần nghị quyết trung ương và tôi cho rằng đây là việc cần làm ngay, nếu làm tốt không chỉ tăng lương cho nhà giáo thậm chí còn dư kinh phí để thực hiện các việc làm khác.

Rất mong nhận thêm được các ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà giáo và nhân dân để có những giải pháp hiệu quả lâu dài vừa tăng lương giáo viên vừa không tăng thêm ngân sách.

BÙI NAM