Năm học tới em còn được gọi đi dạy hợp đồng nữa không?

04/06/2019 06:34
LÃ TIẾN
(GDVN) - Nghỉ dạy về nhà em thấy nhớ học sinh vô cùng, không biết bao giờ mới được gặp lại chúng nó và năm học tới nhà trường có gọi em đi dạy hợp đồng tiếp không?

Đó là những chia sẻ của cô giáo La Thị Oanh (sinh năm 1996), giáo viên hợp đồng tại Trường tiểu học Pa Cheo (Lào Cai) sau khi bị cắt hợp đồng vào cuối tháng 5 vừa qua.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, khi đứng trước những lựa chọn nghề nghiệp, bố mẹ cô giáo Oanh khuyên con mình thi vào sư phạm.

Theo cô giáo Oanh, mẹ em thường nói rằng, nghề giáo có những giá trị tinh thần vô giá mà bất cứ nghề nghiệp nào không có được. Dù là ai trong xã hội này, ở địa vị cao hay thấp đều phải trải qua trường lớp.

Và tư tưởng ấy đã gieo vào trong tâm trí Oanh tình yêu, niềm say mê và lí tưởng với nghề giáo.

Nghe lời bố mẹ, La Thị Oanh thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (tại tỉnh Vĩnh Phúc).

Cô giáo La Thị Oanh (ngoài cùng bên trái) bị chấm dứt hợp đồng từ 1/6 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô giáo La Thị Oanh (ngoài cùng bên trái) bị chấm dứt hợp đồng từ 1/6 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô giáo Oanh chia sẻ: “Tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, nhưng nhà em nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp nên không quen biết ai để xin việc.

Sau khi ra trường, em thấy tỉnh Lào Cai có tuyển dụng, thu hút giáo viên trẻ lên dạy học ở vùng cao nên em nộp hồ sơ dự tuyển.

Trúng tuyển, em được Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Cheo ký hợp đồng từ tháng 10/2018”.

Sau đó, cô giáo Oanh được Ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 2.

Theo cô Oanh, ngày mới nhận công tác, áp lực do chưa hiểu phong tục tập quán và bất đồng ngôn ngữ với người dân bản xứ khiến cho việc giảng dạy và giao tiếp sinh hoạt hằng ngày của cô gặp nhiều khó khăn.

Học sinh đa số người Mông, trong khi vốn từ của cô giáo Oanh ít nên việc trò nói cô không hiểu và ngược lại, cô nói trò cũng không biết khiến cô giáo trẻ gặp nhiều khó khăn.

Tuổi đời còn trẻ trong khi kinh nghiệm trong nghề lại non nớt nên đôi lúc cô Oanh cũng thấy bế tắc.

Giọt nước mắt giấu trong gấu áo của giáo viên mang thân phận dạy lót

Nhưng ý chí và nghị lực kiên cường cùng với trái tim yêu nghề, cô giáo trẻ không cho phép mình lùi bước trước khó khăn.

Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Oanh dành thời gian tiếp xúc với đồng bào, một mặt để học hỏi ngôn ngữ của họ, đồng thời cũng là để hiểu thêm phong tục, tập quán của người dân.

Nhờ sự kiên trì và lòng nhẫn nại, cô giáo trẻ sớm tìm được tiếng nói chung với bà con dân bản, từ đó vận dụng vào việc truyền tải kiến thức, dạy dỗ những học trò của mình.

Hết hợp đồng, cô giáo Oanh rất nhớ trường, nhớ học sinh và mong muốn được nhà trường gọi đi dạy vào năm sau (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hết hợp đồng, cô giáo Oanh rất nhớ trường, nhớ học sinh và mong muốn được nhà trường gọi đi dạy vào năm sau (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo cô giáo Oanh, những giáo viên trẻ như cô chỉ mong muốn có công việc ổn định.

“Những giáo viên hợp đồng như em cứ đến hè lại thất nghiệp. Nghỉ dạy về nhà em nhớ học sinh, nhớ đồng nghiệp, nhớ mái trường lắm.

Không biết năm sau nhà trường có gọi em đi hợp đồng dạy học tiếp không”, cô giáo Oanh ngậm ngùi.

Khi được hỏi về ý định nghỉ dạy học tìm kiếm công việc khác, cô Oanh cho biết thêm: “Nếu muốn tìm công việc khác thì phải chấp nhận bỏ nghề bởi vì công việc khác họ yêu cầu làm lâu dài chứ không phải chỉ 3 tháng hè.

Chúng em chỉ muốn có công việc ổn định để có thêm động lực gắn bó với nghề, sẵn sàng cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục”.

LÃ TIẾN