Ngay sau môn Toán, nhiều sĩ tử đã mất hoàn toàn nhuệ khí

28/06/2018 08:56
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhìn các em bơ phờ nằm bẹp người xuống giường, miệng nói không ra hơi nhưng vẫn đòi mang tài liệu ôn thi dày cộm trên ngực để xem bài cho những môn tiếp theo.

LTS: Đưa ra những chia sẻ và quan điểm của mình sau kì thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, tác giả Phan Tuyết gửi đến độc giả bài viết của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Những khuôn mặt bơ phờ vì mệt mỏi, những ánh mắt thất thần, những cái nhìn vô hồn hay những khuôn mặt mếu máo, những điệu cười gượng gạo của khá nhiều thí sinh sau khi bước ra khỏi phòng thi môn Toán trong kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, đã nói lên mức độ “khó nhằn” và hết sức vô lý của đề thi Toán năm nay đến thế nào.

Các em học sinh tham gia kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: TTXVN).
Các em học sinh tham gia kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: TTXVN).

Học một thi...2

Đề thi năm nay, kiến thức bao trùm các lớp 11 và 12. Theo quy định, đề thi sẽ là 60% kiến thức cơ bản và  40% nâng cao.

Nhưng, dù cơ bản hay nâng cao thì kiến thức vẫn phải nằm trong chương trình học của các em.

Thế mà, chuyện học một đằng thi một nẻo vẫn xảy ra thường xuyên trong các kì thi của chúng ta hiện nay.

Năm 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã từng trấn an thí sinh “chỉ cần ôn thi theo sách giáo khoa là làm bài tốt”.

Thế nhưng với đề thi như năm nay, nếu chỉ học và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, rất nhiều học sinh chưa chắc đạt được mức trung bình.

Nhiều giáo viên giảng dạy bậc trung học phổ thông khẳng định “học sinh được nhà trường ôn tập từ đầu năm, hướng dẫn giải biết bao bộ đề, ôn luyện biết bao quyển giáo trình do giảng viên các trường đại học biên soạn nhưng học sinh có lực học khá, giỏi cũng chỉ có thể làm được khoảng 50-60% đề thi Toán, Hóa.

Ngay sau môn Toán, nhiều sĩ tử đã mất hoàn toàn nhuệ khí ảnh 2Thầy cô nhận xét bài thi khoa học tự nhiên

Học sinh xuất sắc của trường chuyên, lớp chọn mới dám mơ đến điểm 8”.

Hãy thử tưởng tượng xem, chỉ với 90 phút với 50 câu được nhiều giáo viên dạy Toán cũng thừa nhận mình không thể giải quyết được đề thi này.

Thậm chí Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Việt Hưng, chuyên gia đầu ngành về Đại số Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đề thi môn Toán của kì thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 gây khó cho thí sinh, có nhiều câu phải mất 10-15 phút mới giải xong.

Nhưng, yêu cầu của đề chỉ phải làm trung bình mỗi câu chỉ trong 1 phút 48 giây là điều hết sức vô lý.

Nhiều học sinh cho biết, có câu mình phải bỏ sức khoảng 20 - 30 phút mới có đáp án.

Không chỉ đề Toán, cả 3 môn trong bài thi Khoa học Tự nhiên đều được đánh giá dài và khó hơn năm trước nhiều.

Trong khi đó, thí sinh gần như không có thời gian nghỉ vì thực tế có khoảng 10 phút nghỉ ngơi giữa các môn nhưng phải mất thời gian nộp lại đề, phiếu trả lời sau đó lại phát đề thi môn tiếp theo.

Học sinh mất tinh thần ngay sau bài thi môn Toán

Rời phòng thi môn Toán, không ít học sinh đã bật khóc vì không làm được bài.

Khá nhiều học sinh ở điểm thi Trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ Bình Thuận nói rằng “con không muốn thi môn tiếp theo vì môn Toán con làm quá kém”.

Nhiều em bơ phờ bước ra khỏi cổng, khi được hỏi chỉ cầu mong rằng mình không bị điểm liệt.

Ngay sau môn Toán, nhiều sĩ tử đã mất hoàn toàn nhuệ khí ảnh 3Đề Toán sẽ khó đạt điểm 8 trở lên

Có em chia sẻ “tiếc công học quá vì học miệt mài nhưng không làm được bởi đề thi vượt tầm nhận thức của con”.

Một số em được hỏi thì nói rằng “con khoanh bừa bởi nhiều câu đọc không hiểu. Con trông chờ sự may mắn nhiều hơn”.

Đã có một số học sinh 12 năm liền xếp học lực giỏi nhưng làm bài không tốt (chỉ đạt khoảng 60%) các em đã quá suy sụp.

Cùng với nhiều ngày trước thức khuya, dậy sớm giải đề nên đã ngã khụy và phải vào viện truyền nước ngay sau đó.

Nhìn các em bơ phờ nằm bẹp người xuống giường, miệng nói không ra hơi nhưng vẫn đòi mang đến tập tài liệu ôn thi dày cộm đặt trên ngực để xem bài cho những môn tiếp theo.

Mẹ em xót xa kêu lên thảng thốt “thi cử kiểu này sẽ giết chết mất con thôi”.

Cảnh báo tình trạng dạy thêm và áp lực quá lớn cho việc học hành của học sinh

Sau kì thi, một số học sinh nói rằng “năm nay kiến thức thi chỉ có 2 khối 11 và 12 mà tụi con đã phải miệt mài ôn luyện đến mỏi mắt gù lưng từ đầu năm.

Sang năm kiến thức thi rơi vào 3 khối 10, 11 và 12 không biết các em khóa sau sẽ phải học đến thế nào?”.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng “chắc chắn các nhà trường sẽ phải có lịch ôn tập sớm hơn năm học này. Và rồi học sinh chắc chắn phải cày nhiều hơn thế”.

Ngay sau môn Toán, nhiều sĩ tử đã mất hoàn toàn nhuệ khí ảnh 4Trọn bộ 24 mã đề và gợi ý đáp án môn Toán

Các em đã phải học đêm học ngày, hết học cả ngày trên trường, tối cày ở lớp học thêm, khuya về tự học trên mạng còn phải bó tay với kiểu ra đề “trên trời” như thế.

Dự báo sang năm khối lượng kiến thức thi yêu cầu nhiều hơn, buộc học sinh càng phải “cày chữ” nhiều hơn thế. Tình trạng “học trong lúc ngủ và học cả lúc ăn” sẽ ngày càng phổ biến.

Và giáo viên cũng sẽ phải dạy thêm quần quật hết ca này đến ca khác mới đáp ứng đủ nhu cầu ôn tập của các em.

Có nhất thiết phải ra đề kiểu “hành xác” học sinh thế không?

Ai được lợi nhất trong việc này?

Đó là những lò luyện thi, những trung tâm bồi dưỡng văn hóa, những trường học lấy việc ôn tập tự nguyện để núp bóng dạy thêm trá hình, những thầy cô lấy dạy thêm làm nguồn thu lớn.

Họ sẽ tha hồ có lý do để chiêu sinh, để ép học trò phải đi học phụ đạo... Còn học sinh và phụ huynh đương nhiên sẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Thi trung học phổ thông mà gần như học sinh sẽ đỗ 100%, nhiều trường đại học tổ chức xét học bạ như hiện nay thì có nhất thiết phải duy trì kiểu thi căng thẳng, áp lực như thế này không?

Phan Tuyết