Nghỉ phòng dịch CoVid-19, giáo viên nhận hàng trăm E-mail bài tập của học sinh

13/02/2020 06:00
Cao Nguyên
(GDVN) - Bài viết nêu một số kinh nghiệm chấm bài online nhằm giúp thầy cô làm quen với xu hướng học tập hiện đại trong tương lai gần.

Học sinh không đến trường, nhưng giáo viên vẫn làm nhiệm vụ

Tuần nghỉ học thứ nhất sau Tết Nguyên đán, học sinh cả 3 khối lớp 10, 11 và 12 của một trường trung hoc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh được chúng tôi gửi đề bài kiểm tra 15 phút môn Ngữ văn qua E-mail (thư điện tử).

Trả lời thắc mắc của phụ huynh về việc giáo viên nghỉ vẫn ăn lương

Mục đích, vừa giúp các em vừa ôn bài trong thời gian nghỉ, đồng thời chúng tôi cũng lấy được một cột điểm hệ số 1, đỡ mất công kiểm tra sau ngày học lại.

Sau khi giao bài, chúng tôi cũng có những nỗi lo như học sinh không nộp bài đầy đủ theo thời hạn, các em sao chép lẫn nhau hoặc làm bài đối phó.

Thế nhưng, hết thời hạn nộp bài chúng tôi nhận được 151 mail/167 (học sinh của 4 lớp) thì cảm thấy phấn khởi vô cùng.

Sau những ngày chấm bài, chúng tôi đã tổng kết và rút ra một số kinh nghiệm nhằm giúp thầy cô và bạn đọc có thêm một kênh tham khảo về việc làm bài kiểm tra online.

Nhiều trường chọn phương pháp dạy học online cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng dịch Corona. (Ảnh minh họa: Tienphong.vn)
Nhiều trường chọn phương pháp dạy học online cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng dịch Corona. (Ảnh minh họa: Tienphong.vn)

Một số kinh nghiệm chấm bài online

Thứ nhất, khi nhận được E-mail bài làm, thầy cô cần phản hồi ngắn gọn để học sinh yên tâm. Có nhiều học sinh gửi bài kèm lời nhắn trong thư “thầy nhận được bài thì nhắn cho con nhé”, “thầy ơi đã nhận được bài chưa”…

Thứ hai, có những học sinh thiếu máy tính nên các em làm bài vào giấy, sau đó dùng điện thoại chụp hình và gửi file ảnh. Thầy cô cần xem hình ảnh có rõ ràng không, nếu bị mờ thì yêu cầu học sinh chụp gửi lại.

Thứ ba, học sinh không có Gmail thì các em có thể gửi file word (file chứa văn bản), file ảnh qua Facebook, Zalo… theo quy định riêng của giáo viên.

Thứ tư, lỗi chủ yếu học sinh thường mắc phải là gửi thư không có chủ đề, quên đính kèm file. Thầy cô phải nhắc nhở các em bổ sung và rút kinh nghiệm cho lần sau.

Thứ năm, học sinh chỉ sử dụng một Gmail và đính kèm bài làm của nhiều bạn nhưng quên ghi tên của từng thành viên, cũng khiến thầy cô mất thời gian bổ sung sau đó.

Thứ sáu, trước khi tải file bài làm, thầy cô cần tạo thư mục theo lớp, sau đó lưu file ghi họ và tên học sinh.

Thầy cô cần copy địa chỉ Gmail của học sinh dán ở phần cuối cùng của bài làm và lưu lại để không bị nhầm lẫn khi gửi trả bài.

Thầy cô sửa lỗi cho học sinh ngay trên bài làm bằng cách bôi màu vàng, đỏ (với quy ước “vàng bỏ, đỏ thêm”) hoặc viết thêm phần bổ sung, lời phê bằng màu khác.

Khi trả bài cho học sinh, thầy cô đính kèm file word họ và tên học sinh, sau đó copy địa chỉ của người nhận và bấm gửi là xong.

Cũng có thầy cô chấm xong bài nào thì gửi trả ngay bài đó cho học sinh để tránh nhầm lẫn, cũng là một cách làm nên học tập.

Kiểm tra bài có sao chép không

Những việc thầy cô làm khi học trò nghỉ học vì virus Corona
Những việc thầy cô làm khi học trò nghỉ học vì virus Corona

Trước khi chấm bài, thầy cô cần kiểm tra mức độ trung thực của học sinh trong bài làm.

Chỉ cần thấy khác phong chữ, lỗi phông chữ, chữ bị tô màu (thường là màu đen, màu xanh) thì có thể học sinh đã copy từ nguồn khác.

Biện pháp cần thiết hơn là thầy cô copy một số đoạn của bài làm kiểm tra trên Google để xem nội dung có trùng lặp nguồn nào không.

Nếu học sinh vi phạm, tùy theo mức độ sao chép thì thầy cô phải xử lý bằng cách trừ điểm, thậm chí cho 0 điểm để giáo dục các em về ý thức học tập, về tính trung thực…

Với những học sinh không nộp bài, thầy cô phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Bởi có thể các em không nhận được thông báo, bị bệnh hay vì một lý do chính đáng nào đó.

Nếu học sinh cố tình không làm bài theo quy định thì các em sẽ được nhắc nhở nghiêm khắc, giáo viên trao đổi với phụ huynh để cùng hỗ trợ các con. Những học sinh chưa nộp bài thì thầy cô cần cho các em làm bài bổ sung sau đó với nội dung tương đương.

Riêng những bài làm sao chép nội dung của nhau thì thầy cô cần trừ điểm để tạo tính công bằng và phê bình học sinh sau đó.

Nhìn chung, những học sinh tương tác tốt với giáo viên nghĩa là các em đã thực hiện nghiêm túc nhiêm vụ học tập và tôn trọng nội quy kỷ luật của trường lớp.

Kiểm tra online lần đầu, có thể thầy cô và học sinh chưa quen, còn có những sai sót. Nhưng sau những lần rút kinh nghiệm, thầy cô và học sinh sẽ dần quen và làm tốt.

Có thể khẳng định, học và kiểm tra online cũng là cách giúp cho thầy và trò làm quen với xu hướng học tập hiện đại trong tương lai gần.

Cao Nguyên