Nghịch lý viên chức đủ chứng chỉ ngoại ngữ vẫn không nói được 1 câu ra hồn

12/08/2020 06:45
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cho dù người học có chứng chỉ A2, B1 hay B2 đi chăng nữa thì vẫn có rất nhiều người “câm, điếc” ngoại ngữ như thường.

Chứng chỉ ngoại ngữ từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người, nhất là đối với những người tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2000 trở về trước. Bởi thực tế thì lúc bấy giờ đa phần các trường phổ thông chưa chú trọng việc dạy và học ngoại ngữ như bây giờ.

Trong khi, với yêu cầu hiện nay thì đa số các vị trí tuyển dụng mới và cả những người đã làm việc hàng chục năm qua vẫn phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đang là nỗi lo lớn cho nhiều người.

Song, thực tế thì các cơ quan chức năng quản lý mới xem trọng phần ngọn là cán bộ, công chức, viên chức phải có chứng chỉ chứ chưa chú trọng năng lực thực sự là người học sử dụng vốn ngoại ngữ như thế nào.

Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng các trung tâm ngoại ngữ, các trường đại học cũng chỉ tập trung vào ôn thi, luyện thi, tổ chức thi mà bỏ cả phần quan trọng nhất là người học đã học được những gì sau khi có chứng chỉ.

Từ đó dẫn đến tình trạng gần như tất cả các Trung tâm giáo dục thường xuyên- Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh đều liên kết đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đa phần các cơ sở tuyển sinh chỉ thông báo ôn tập, hướng dẫn làm bài thi ngoại ngữ (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Đa phần các cơ sở tuyển sinh chỉ thông báo ôn tập, hướng dẫn làm bài thi ngoại ngữ

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Những trung tâm ngoại ngữ, trường đại học nào được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ?

Trong Thông báo số 691/TB-QLCL ngày 08/5/2020 của Cục Quản lý chất lượng -Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì hiện nay cả nước có 14 trường được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) 6 bậc dùng cho Việt Nam, đó là:

Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Đại học Thái Nguyên;

Đại học Cần Thơ; Đại học Hà Nội; Đại học sư phạm Hà Nội; Đại học Vinh; Học viện An ninh nhân dân; Đại học Sài Gòn; Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Trà Vinh; Đại học Văn Lang.

Trong khi, cả nước hiện có 63 tỉnh (thành phố) nên bắt buộc các địa phương không không có trường được phép dạy ngoại ngữ phải liên kết với các trường đại học được Bộ cho phép đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người học.

Một khi các cơ sở đào tạo đã liên kết với nhau thì sẽ phát sinh thêm rất nhiều chi phí như thuê phòng ốc, cơ sở đào tạo, khâu tuyển sinh, quản lý…trung gian.

Vì vậy, giá cả để học chứng chỉ ngoại ngữ của các học viên cũng bị đội lên rất nhiều và thực tế thì mỗi địa phương có một mức giá khác nhau.

Nếu như trước đây, các địa phương được phép đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C thì học viên chỉ mất từ vài trăm đến trên dưới 1 triệu đồng học phí cho việc học chứng chỉ này.

Bây giờ, có rẻ cũng phải 3-4 triệu, nhiều nơi còn có giá từ 7-7,5 triệu đồng cho chứng chỉ A2, B1,B2…

Rõ ràng, có được chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định hiện nay thì người học phải chịu một áp lực rất lớn. Áp lực về thời gian, ôn luyện và cả học phí, lệ phí để ôn và thi chứng chỉ này.

Nội dung đào tạo theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có khác với chứng chỉ A, B, C trước đây?

Nếu đem so sánh các đơn vị được phép đào tạo và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là 49 đơn vị; chứng chỉ Tin học có 134 cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng chỉ công nghệ thông tin; 43 Sở Giáo dục và Đào tạo có trung tâm sát hạch ứng dụng công nghệ thông tin thì việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ ít hơn rất nhiều.

Theo Thông báo số 691/TB-QLCL ngày 08/5/2020 của Cục Quản lý chất lượng -Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì hiện nay cả nước có 14 trường đại học, học viện.

Như vậy, Bộ đã “chọn mặt gửi vàng” cho 14 trường đại học, học viện được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.

Thời lượng đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hiện nay nhiều hơn. Yêu cầu về nội dung, kiến thức đào tạo cũng cao hơn rất nhiều so với chứng chỉ A, B, C trước đây.

Nhưng, không phải đơn vị nào cũng đào tạo hết thời lượng như kế hoạch và tổ chức thi nghiêm túc. Bởi, nếu như tổ chức học và thi nghiêm túc thì có lẽ đa phần người học sẽ rớt và rớt nhiều thì không thể nào tuyển sinh hàng năm được.

Vì thế, việc tổ chức thi hiện nay của nhiều cơ sở đào tạo chủ yếu chỉ dừng lại ở phần viết và học viên được ôn thi rất kĩ trước khi thi.

Khi vào phòng thi, học viên nào nhớ thì làm tốt, không nhớ thì có thể trao đổi, hỏi người bên cạnh.

Thậm chí, có những học viên chụp đề thi, gửi qua zalo và nhờ người bên ngoài giải hộ. Giải xong, họ lại chụp lại và gửi ngược vào cho người thi chép vào bài. Giám thị cũng “tạo điều kiện” để người học làm bài được tốt nhất.

Một bên cần học viên để thu phí ôn thi và tổ chức thi, một bên cần chứng chỉ để hợp thức hóa văn bằng. Và, chuyện các cơ sở đào tạo và người học giảng dạy, học tập ra sao, những được- mất là gì thì bạn đọc có thể tự có câu trả lời cho riêng mình.

Vẫn mới chú trọng…phần ngọn!

Tham khảo rất nhiều thông báo chiêu sinh của các Trường đại học, Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh, chúng tôi nhận thấy không có mấy nơi để từ “học”.

Đa phần các Thông báo chiêu sinh để chữ: “luyện thi”; “ôn tập kiến thức và hướng dẫn làm bài”…

Có nghĩa các trường đại học, các trung tâm liên kết đào tạo mới hướng tới “phần ngọn” là chứng chỉ mà thôi, chuyện “học” không được chú trọng.

Trong khi, những học viên tham gia các khóa này thì có người biết tiếng Anh sơ sơ, có người nhớ lõm bõm một số từ, có người chưa học tiếng Anh, hoặc học rồi nhưng giờ chẳng còn nhớ gì cả…

Nhưng rồi, người học nộp tiền, tham gia khóa luyện thi, ôn tập và thi thì đa phần đều được trên điểm từ trung bình trở lên và tất nhiên là họ sẽ được cấp chứng chỉ.

Nhưng, cho dù người học có chứng chỉ A2, B1 hay B2 đi chăng nữa thì vẫn có rất nhiều người “câm, điếc” ngoại ngữ như thường.

KIM OANH