Nguy cơ nổ điện thoại khi học online quá nhiều mà vẫn ép học thêm, đấy là tội ác

18/10/2021 06:45
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những đứa trẻ hơn chục tuổi, phải ngồi trước màn hình học hơn chục tiết (cả thời gian học thêm) mỗi ngày thì máy móc nào chịu nổi? Sức khỏe nào có thể chống chọi?

Thông tin một học sinh lớp 5 tại tỉnh Nghệ An tử vong do bị điện thoại phát nổ khi đang học trực tuyến tại nhà đã làm không ít người dân xót thương và bàng hoàng.

Học sinh lớp 5 đang học trực tuyến bị điện thoại phát nổ dẫn đến tử vong - Ảnh minh họa: InternetHọc sinh lớp 5 đang học trực tuyến bị điện thoại phát nổ dẫn đến tử vong - Ảnh minh họa: Internet

Sự việc sau đó nhanh chóng được làm rõ, khoảng 16 giờ, khi Q. đang học thì chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ. Lửa cháy bén vào quần áo khiến khiến em này bị thương nặng do bỏng. Ngay sau đó, gia đình đã đưa Q. đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã không qua khỏi.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, huyện Nam Đàn đã cho học sinh đến trường học trực tiếp từ 3 tuần trước. Ông Sơn cho biết, nhà trường vẫn duy trì học trực tuyến mỗi tuần 1 buổi để chuyển trạng thái cần thiết khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. [1]

Được biết, ca học của học sinh này có thời gian từ 15 đến 17 giờ. Với thời lượng học như thế này, cũng không gọi là nhiều cho một buổi học trực tuyến. Vậy mà, điện thoại lại phát nổ đã làm không ít bậc cha mẹ học sinh sửng sốt, lo sợ cho việc học online của con mình đôi khi kéo dài cả ngày, thậm chí có em học đến tận 9 giờ đêm.

Dịch bệnh kéo dài, nhiều địa phương cũng đã lùi thời gian học sinh đến trường. Thế nhưng, đến thời điểm này cũng không còn quỹ thời gian để dịch chuyển nữa. Bởi vậy, học online là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay.

Tuy nhiên, không ít trường học lại tổ chức dạy online cả ngày, dạy tất cả các môn học. Một số giáo viên còn tranh thủ dạy thêm đã khiến cho không ít học sinh phải ngồi học suốt ngày bên chiếc điện thoại bé tý.

Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh có con học tại lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội bức xúc cho biết, con cái họ đang rất mệt mỏi vì ngoài lịch học chính khóa từ thứ 2 đến thứ 6 thì con họ còn bị "ép" học thêm trực tuyến vào các khung giờ phụ, thậm chí cả thứ 7 và Chủ nhật. [2]

Tiếc rằng lãnh đạo nhà trường, thay vì có thái độ cầu thị và chấn chỉnh kịp thời, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ lại xem đây là việc nhỏ. Những bài học đắt giá về việc nổ điện thoại khi phải vừa học vừa xạc (vì điện thoại hết pin mà chưa hết tiết học), không lẽ chưa đủ cảnh tỉnh một số nhà quản lý và giáo viên?

Quay cuồng học chính khóa, học thêm online

Nhiều trường học hiện xếp lịch học online y chang lịch học trực tiếp ở trường. Thế là, học sinh buộc phải học tất cả các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Công nghệ, thậm chí là môn sinh hoạt Đội. Có ngày, các em phải học đến 9 tiết.

Có những em được học trước màn hình vi tính, ti vi còn đỡ, không ít học sinh chỉ được học trên chiếc điện thoại bé tí, cũ rích, chưa nói đến việc ảnh hưởng trực tiếp đến đôi mắt mà nguy cơ điện thoại phát nổ cũng không hề nhỏ.

Có phụ huynh bức xúc, con họ sáng học thể dục, chiều học chính, tối học thêm mà chẳng còn tý thời gian nghỉ ngơi.

Những đứa trẻ hơn chục tuổi đầu mà phải ngồi trước màn hình học hơn chục tiết (cả thời gian học thêm) mỗi ngày thì máy móc nào chịu nổi? Sức khỏe nào có thể chống chọi được? Học chính khóa thì không thể lùi được nữa nên phải học, riêng học thêm có thật sự cần thiết phải học trong giai đoạn này hay không?

Chỉ nên tổ chức dạy học online đối với những môn học cơ bản

Theo chúng tôi, nhà trường chỉ nên dạy online đối với những môn học cơ bản như Toán, Ngữ văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa…những môn như Thể dục, Âm nhạc, Công nghệ, Tin học…để khi các em tựu trường tổ chức học bù cũng còn kịp.

Học trực tuyến mà học cả môn Thể dục, sinh hoạt Đội. Có ngày các em phải học đến 9 tiết (Ảnh CTV)

Học trực tuyến mà học cả môn Thể dục, sinh hoạt Đội. Có ngày các em phải học đến 9 tiết (Ảnh CTV)

Hoặc là giáo viên có thể quay clip hướng dẫn nội dung học và gửi vào nhóm cho các em chủ động tự học lúc nào cũng được. Riêng học sinh bậc tiểu học, sau khi học sinh tựu trường chính thức, giáo viên sẽ tăng cường dạy phụ đạo vào các tiết dạy bổ sung.

Lợi thế của nhiều trường tiểu học hiện nay là các em học 2 buổi/ngày nên dành buổi 2 phụ đạo học sinh sẽ đảm bảo hiệu quả.

Bộ nên cấm dạy thêm bằng hình thức online

Hiện nay, một số giáo viên Toán, tiếng Anh vẫn tổ chức dạy thêm bằng hình thức online gây áp lực, mệt mỏi cho học sinh và phụ huynh. Em được học trên máy tính, ti vi còn đỡ, có em học bằng chiếc điện thoại bé tí.

Học cả ngày chính khóa, đêm về còn học thêm. Nhiều phụ huynh cho biết nhìn con ôm điện thoại học cả ngày mà thấy sốt ruột vô cùng.

Mức phí cho mỗi buổi học thêm cũng không có mức giá cố định, mỗi nơi mỗi khác và phụ thuộc vào từng giáo viên. Có thầy cô giáo thu 100 ngàn đồng/tháng (học khoảng 8 buổi), thầy cô thu 200 ngàn đồng/tháng, người lại thu 250 ngàn đồng hoặc 300 ngàn đồng, 500 ngàn đồng/tháng…

Có người nói rằng, tổ chức dạy thêm là việc của thầy cô, cho con học hay không là việc của mình. Thế nên, thầy cô có chiêu sinh mình không cho con học cũng chẳng vấn đề gì.

Tuy nhiên, lại có phụ huynh vị nể nên đành nhượng bộ thỏa hiệp để con học thêm mặc dù không muốn. Chị Lan có con đang học tại một trường trung học cơ sở cho biết: “Mình không muốn đăng ký cho con học thêm trực tuyến vì con đang phải học chính khóa.

Thấy con đã ôm máy học suốt ngày cũng thấy xót xa. Nhưng vì một số thầy cô lại chủ động liên lạc, đặt vấn đề chuyện học thêm nên không thể không đăng ký. Tự nhiên đưa phụ huynh vào thế khó, không đồng ý cũng nể, cũng ngại vì giáo viên dạy con mình suốt năm, mà đồng ý thì lại thương con”.

Nói rồi chị Lan cho biết, gần như suốt ngày con phải ngồi học trên máy. Lịch học được xếp kín tuần kể cả Chủ nhật. Nào là lịch học chính khóa, lịch học thêm Toán, tiếng Anh mỗi môn học tới 3 buổi/tuần. Một số gia đình có kinh tế thì tặc lưỡi, cứ đăng ký cho thầy cô vui lòng còn học hay không lại do mình. Hôm nào khỏe con học, hôm nào mệt mỏi thì thôi.

Chị Thủy có con học lớp 8 than phiền: “Lớp học thêm của cô con bé dạy Toán, học sinh tham gia khá đông. Do ngày thường, đăng ký vào lớp học thêm của cô rất khó nên bây giờ không cho con học trực tuyến thì đi học trực tiếp, cô cũng sẽ không nhận dạy nữa, nên đành cho con theo học luôn”.

Để kêu gọi giáo viên đừng dạy thêm cũng khó mà hiệu quả khi dạy thêm đã và đang mang lại món lợi kếch xù cho một bộ phận giáo viên và nhà trường, cách tốt nhất Bộ nên có văn bản cấm tuyệt đối các trường cũng như giáo viên tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa bằng hình thức online trong giai đoạn học sinh chưa thể đến trường như hiện nay. Điều này, chính là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho các em. Đừng để khi sự việc đáng tiếc xảy ra mới bắt đầu rà soát và rút kinh nghiệm.

Tài liệu tham khảo

[1]https://thanhnien.vn/dien-thoai-phat-no-khi-dang-hoc-truc-tuyen-mot-hoc-sinh-lop-5-tu-vong-post1391171.html?fbclid=IwAR1iZxArufGKXJMHQybMI70EezZ2KVwjRP0brdwzG8Yr7qsVY7hovPJ2bh4

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/con-bi-ep-hoc-them-phu-huynh-truong-trung-hoc-co-so-kim-no-keu-cuu-post221709.gd

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-to-con-bi-ep-hoc-them-hieu-truong-thcs-kim-no-noi-day-la-viec-nho-post221735.gd

Ngân Hoa