Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia

29/07/2018 06:00
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Môn Ngữ văn đã góp phần rất nhiều để các địa phương giữ và vượt chỉ tiêu đỗ tốt nghiệp 99,9 % trở lên!

LTS: Vén bức màn bí mật về việc chấm thi Ngữ văn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, thầy giáo Nguyễn Văn Lự tiết lộ phần chìm của tảng băng mà lâu nay nhiều người chưa biết.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi duy nhất môn Ngữ văn thi bài tự luận, phổ điểm công bố của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nào cũng cao với khoảng 70% trên trung bình, với vô số điểm giỏi, khác xa thực tế học văn của học sinh hiện nay.

Nhưng phần chìm của tảng băng chấm bài thi Ngữ văn còn nhiều bí mật mà không phải ai cũng biết.

Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: TTXVN
Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: TTXVN

1. Quan điểm chấm bài

Không có kỳ thi nào nhẹ nhàng hơn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và môn Ngữ văn đã góp phần rất nhiều để các địa phương giữ và vượt chỉ tiêu đỗ tốt nghiệp 99,9% trở lên!

Những người làm công tác coi thi “hai trong một”, người làm đề đã hoàn tất công việc an toàn, đúng quy chế.

Công việc chấm thi lần nào cũng được báo cáo khẳng định đúng quy chế, an toàn, nhẹ nhàng và thành công tốt đẹp.

Thành viên Hội đồng chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, trong buổi khai mạc vẫn văng vẳng bên tai: “Thầy cô là những nhà giáo ưu tú nhất”, “hãy phát huy… hãy công tâm chấm đúng và vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm”, “hãy xem thí sinh như con em, như học sinh của mình... để tạo cơ hội cho các em vào đời kiếm sống”…

Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia ảnh 2Nhọc nhằn nào bằng chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn?

Khi đã có thống kê điểm, trước từng buổi, các Tổ trưởng hoặc Phó trưởng điểm chấm thường chỉ dẫn thêm.

Nếu điểm dưới 5 nhiều thì “các giám khảo cần gạn đục khơi trong, vận dụng linh hoạt hơn nữa”, còn nhiều điểm cao thì “cần bám sát đáp án, biểu điểm, chấm đều tay hơn”…

Giám kháo chấm kiểm tra, vừa giám sát quy trình chấm vừa chấm lại 5-10% bài chính là lực lượng quan trọng điều tiết làn điểm.

Thường thì kỳ thi tốt nghiệp, cũng giống việc coi thi, cán bộ thanh tra chấm nếu ít xuất hiện, ít gọi giám khảo đối thoại là mọi việc cứ thế mà chấm; còn đều đều gọi giám khảo trao đổi, đối thoại là có vấn đề.

Nhiều giám khảo lo ngại chấm cao sẽ bị soi xét nên cứ an toàn cho điểm vào làn trung bình 5-6.

Nhưng buổi chấm đầu bao giờ cũng rất chặt chẽ kiểm soát, về cuối thì xông xênh.

Điểm cao bao nhiêu là điều không bao giờ giới hạn! Tinh thần dễ dãi đó đã dẫn đến điểm bài thi ngược với điểm các kỳ thi sát hạch chuyên đề nghiêm túc của nhà trường.

Và điều đó không phản ánh đúng chất lượng thật, làm khó cho việc tuyển sinh của các trường đại học cao đẳng.

Không khí chấm bài Ngữ văn Trung học phổ thông quốc gia toàn người đồng môn đã nhẹ nhàng lại càng đúng quy chế hơn khi giám khảo nam chỉ lưa thưa vài thầy! 

Tiền công chấm bèo bọt nhưng giám khảo đã mang niềm vui lớn đến từng nhà và toàn xã hội!

2. Đề bài, Hướng dẫn chấm và người chấm chưa thống nhất

Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia ảnh 3"Bà Xuân Quỳnh là cháu ông Xuân Diệu..."

Đề Ngữ văn 2018, có thêm phần kiến thức lớp 11, vừa mới, vừa lạ và vừa mở chưa có trong tài liệu công bố nào đã phá sản dịch vụ phao thi và văn mẫu. 

Những điều được và điều chưa chuẩn về từ ngữ, khái niệm, thuật ngữ của đề bài [1] cũng sẽ được rút kinh nghiệm.

Vấn đề giới chuyên môn nhận thấy là giữa đề bài, hướng dẫn chấm và người chấm chưa có sự thống nhất, có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khập khiễng điểm bài thi giữa các địa phương và điểm cao bất thường của một số nơi.

Phần đọc hiểu, câu 3 đề không yêu cầu nêu câu hỏi tu từ nhưng lại cho 0,25 điểm và buộc thí sinh phải nêu hai câu hỏi tu từ.

Có 07 bài (năm 2018) chắc thiếu ý này nên chỉ được 9,75 điểm.

Câu 4 câu hỏi thiếu tường minh “có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không” nên khi chấm giám khảo rất mở cho điểm khi thí sinh lý giải tại sao thế nào cũng đúng.

Phần nghị luận, câu 1 viết đoạn 200 chữ, đề nêu dài dòng và khó hiểu về sứ mệnh và Hướng dẫn chỉ cho 1 điểm về nội dung còn 1 điểm cho bố cục, trình bày, diễn đạt, dùng từ, chính tả…

Riêng phần Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: 0,25 điểm; chính tả, ngữ pháp: 0,25 điểm; sáng tạo: 0,25 điểm, nhiều thầy cô bỏ qua.

Hướng dẫn chấm chính thức. Ảnh: Nguyễn Văn Lự
Hướng dẫn chấm chính thức. Ảnh: Nguyễn Văn Lự

Quan niệm về đoạn văn giảm từ 600 (đề 180 phút), 400 (đề 150 phút) xuống 200 chữ (đề 120 phút) là hợp lý.

Thạc sĩ Ngữ văn Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Khảo thí, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, trong lần trao đổi với người viết, đã khẳng định:

Đoạn văn là đoạn văn sao lẫn sang bài văn ngắn được. Đoạn văn có mở đoạn thân đoạn, kết đoạn và chỉ cần làm rõ một hoặc hai luận điểm”. 

Giáo viên Ngữ văn cả nước đa số vẫn nhầm lẫn giữa bài văn nghị luận xã hội với đoạn nghị luận xã hội của đề văn Trung học phổ thông quốc gia!

Không ít thầy cô vẫn dạy trò và bản thân họ vẫn viết dài dằng dặc!

Đề bài yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ mà thí sinh viết như chạy thi dài hai, ba trang, dẫn chứng phân tích hùng hồn, phong phú.

Người chấm quên mất khái niệm đoạn văn, và yêu cầu chấm nên phóng bút cho điểm tối đa luôn vô tình cổ vũ cho thứ văn lê thê, nhạt thếch.

Với 20 phút (120 phút/10 điểm), người ra đề chỉ muốn thí sinh bàn luận về một nội dung cơ bản, theo đề bài gợi ra, trong khoảng 1 trang giấy thi.

Viết ngắn, hàm súc và đủ một nội dung đặt ra khó hơn nhiều viết dài.

Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia ảnh 5Những trở ngại khi chấm thi môn ngữ văn

Bất đồng giữa đề yêu cầu viết đoạn, giám khảo lại chấm theo bài văn ngắn không biết bao giờ mới được chấn chỉnh và được giáo viên Ngữ văn thực hiện cho đúng?

Câu 2, nghị luận văn học cũng dành 1,0 điểm cho trình bày, diễn đạt, chính tả, ngữ pháp và 0,5 điểm cho sáng tạo.

Phần liên hệ với truyện Hai đứa trẻ (0,5 điểm), phần nhận xét cách nhìn hiện thực (0,5 điểm), phần chính là truyện Chiếc thuyền ngoài xa với phân tích sự đối lập của hình ảnh chiếc thuyền đẹp với cảnh bạo lực gia đình (2 điểm), mở bài (0,5 điểm).

Hướng dẫn chấm cụ thể điểm và khái quát nội dung như thế nhưng giám khảo vận dụng thoáng quá nên dẫn đến kết quả năm 2018 có đến 67,7% trên 5 điểm, và xu hướng chấm linh hoạt đã được đoàn chấm thẩm định của Bộ Giáo dục chỉ ra:

Tỉnh Lạng Sơn 8/51 bài sai lệch hơn 1 điểm, Sơn La 12/110 bài lệch hơn 1 điểm (không tính bài sửa điểm)[2].

Còn một số tỉnh mưa điểm từ 9 trở lên (Nghệ An 188 bài,…) và số bài từ điểm 8 (điểm giỏi Văn rất hiếm ở lớp khối C, D) của cả nước 2018 là 38.603/901.806 chiếm 4,28%.

Ảnh: Nguyễn Văn Lự
Ảnh: Nguyễn Văn Lự

Vì sao có kết quả ngoài mong ước của hơn 2/3 thí sinh cả nước chỉ học và thi Ngữ văn để chống điểm liệt [3]

Nhiều em không ngờ được điểm cao thế đã cho thấy kẽ hở của việc chấm bài Ngữ văn theo hướng mở của chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia tại địa phương[4].

Theo chủ quan người viết, (đã trải qua chấm thi, chấm kiểm tra, chấm phúc khảo, chấm phúc tra môn Ngữ văn), nhiều thầy cô đã vận dụng Hướng dẫn chấm theo cách đếm ý cho điểm và bỏ qua phần chính tả, ngữ pháp, trình bày, những kỹ năng này vốn rất yếu, rất kém của học sinh chúng ta hôm nay.

Thầy Đỗ Bình Trị, nguyên phụ trách môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã từng khẳng định:

“Dù thí sinh viết thế nào, nội dung có đúng nhưng làm sao có thể tránh được lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt và trình bày? Làm sao có thể cho điểm tối đa?”.

Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia ảnh 7Mẫu giấy thi tự luận và câu chuyện chấm thi Ngữ văn

Những năm thi đề Ngữ văn 1 câu, rồi 2 câu (nghị luận xã hội và nghị luận văn học) của 2 kỳ thi riêng biệt (tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học), rất hiếm điểm 8, 9.

Hơn nữa, những kỳ thi mà phao thi của Bộ đề có sẵn lên ngôi, Hướng dẫn chấm môn Văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn ghi rõ “không cho điểm trung bình những bài thi giống nhau hoặc giống tài liệu”.

Hướng dẫn chấm bài thi Ngữ văn hiện nay không nêu hướng xử lí kiên quyết với bài thi viết đoạn 200 chữ thành hàng nghìn chữ (2-3 trang)! 

Rõ ràng đề yêu cầu số chữ, “khoảng 200 chữ” cho phù hợp với thời gian viết đoạn văn (từ 20-25/120 phút) chứ không phải bài văn ngắn đã không được giám khảo tuân thủ! 

Nếu bắt thầy cô Ngữ văn thi như Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, chuyện lạ đời chỉ có nơi đây, kiểm tra chuyên môn giáo viên, làm bài như thi Trung học phổ thông quốc gia 120 phút, các thầy cô sẽ ngộ ra nên viết thành đoạn văn hay bài văn! 

Trong câu 2, nghị luận văn học 5 điểm, Hướng dẫn chấm chỉ nêu nội dung chính và định hướng chấm, việc các Điểm chấm các tỉnh thống nhất và chia cụ thể điểm thành phần là hợp lí và cần thiết.

Nhưng vì sao lại xảy ra nơi này nhiều điểm giỏi, nơi kia nhiều điểm thấp (ngoại trừ gian lận)?

Vì sao học trò miền núi, nông thôn đọc ít, nói ít lại làm văn tốt hơn học trò thị thành?[5] 

Phải chăng vì thành tích, vì muốn các trò phải tốt nghiệp Trung học phổ thông, nên giám khảo địa phương đã gần như cùng chấm mở hết mức. 

Bỏ qua lỗi diễn đạt, chữ viết, chính tả, ngữ pháp, dùng từ và trình bày, nhiều bài thi đã được đánh giá điểm cao hơn thực tế, nhiều câu cho điểm tốt đa; điểm nhiều bài thi làm bất ngờ ngay chính thí sinh của bài đó!

(Em Lô Thị Tĩnh và Hà Thị Vân, đều được 9,5 điểm, học sinh trường Dân tộc nội trú số 2, Nghệ An…)

Nếu so với điểm thi thử nghiêm túc tại trường thì điểm tăng lên.

Đành rằng, trong chấm môn Văn, chênh dưới 1 điểm giữa các giám khảo vẫn được chấp nhận, do định tính và định lượng đặc thù của chấm Văn. 

Với đề Ngữ văn mới và lạ, chưa thầy cô nào cho học sinh làm bao giờ như 2018, thí sinh không thể dùng phao thi và khó có thể đạt các yêu cầu như Đáp án chính thức nhưng mỗi tỉnh có hàng trăm điểm 9 và cả nước có 38603 bài (4,28%) điểm từ 8 trở lên.

Qua việc chấm thẩm định những bài điểm cao bất thường ở Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang,…, chúng ta chỉ thấy được phần nổi vô lý điển hình, còn ở Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre không có bất thường.

Nhưng theo các giám khảo chấm kể lại, các bài thi chỉ nêu được các chi tiết (như trong tài liệu hoặc đã học thuộc lòng) mà chưa có kiến giải hoặc chỉ kể lại truyện xoay quanh gợi ý của đề đã được giám khảo cho 2,5-3,5/5 điểm.

Hầu như ít người chấm trừ điểm lỗi diễn đạt, trình bày, chính tả, ngữ pháp… của bài thi.

Chúng ta, nhất là thầy cô Ngữ văn, không thể tin 35 thí sinh trong 1 phòng thi đặc biệt của Lạng Sơn và các nơi khác lại đạt kết quả xuất sắc như thế!

Nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận tất cả điểm bài đã công bố.

Sửa lại nhiều điểm bài Ngữ văn của Lạng Sơn (8/51 bài, 15,7%) và Sơn La (42/110 bài, 38,1%) (không tính bài sửa điểm trên máy tính) đã cho thấy sự vênh khá lớn giữa đề bài, hướng dẫn chấm và người chấm.

Nếu ngầm hiểu như thế, phổ điểm Ngữ văn thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 sẽ có hơn 10% điểm được “ưu tiên”, nghĩa là tăng thêm nhiều % thực tế chất lượng học Ngữ văn của thí sinh cả nước, tương ứng với con số khoảng 60% học sinh đạt điểm trung bình môn Ngữ văn là sát đúng thay vì 70% như đã công bố.

Trong các kỳ thi học sinh giỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo khống chế số lượng: Tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 50% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải. (trích Điều 33, Thông tư 56/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Các giám khảo và lãnh đạo Hội đồng chấm cũng phải căn chỉnh mãi cho vừa đúng khuôn.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia “hai trong một”, dù chỉ còn đến năm 2021, nếu có từ “không quá” thì chắc chúng ta không có cơ hội để bàn chuyện chênh vênh của điểm thi hôm nay!

Phải chăng điểm bài thi lệch giữa các giám khảo trong các lần chấm và giữa các tỉnh thành phần lớn do giám khảo hiểu và vận dụng chưa thống nhất và chưa nghiêm túc Hướng dẫn chấm, do quan điểm dễ dãi giúp trò ra trường, do Hướng dẫn chấm thiếu chặt chẽ, do sự nương tay của đội ngũ chấm kiểm tra, thanh tra và của cả người có trách nhiệm trong Hội đồng chấm thi?

Dư luận hoàn toàn có cơ sở để hoài nghi về điểm bài Ngữ văn!

Nhưng làm thế nào để lấp những lỗ hổng chấm thi tự luận cấp quốc gia này trong mùa thi sau mới là điều cấp thiết!

Cơ chế thi, quy chế thi rõ ràng cần thay đổi nhưng quan trọng nhất là đội ngũ giám khảo, những người quyết định đánh giá chất lượng bài thi của thí sinh, cũng cần thay đổi suy nghĩ và hành động vì chất lượng sống của người Việt chứ không vì điểm bài và thành tích giáo dục!

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo

[1]https://news.zing.vn/tranh-luan-ve-nham-lan-khai-niem-trong-de-ngu-van-thpt-quoc-gia-2018-post854658.html

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/42-bai-thi-ngu-van-o-son-la-bi-giam-diem-sau-cham-tham-dinh-3783636.html

 [3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Su-that-la-hoc-tro-hoc-Van-chi-de-thi-khong-vi-mot-muc-dich-nao-khac-post179624.gd

[4]baonghean.vn/bi-quyet-dat-95-diem-mon-van-cua-nu-sinh-nguoi-dan-toc-thai-205487.html

[5]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-sinh-thanh-pho-lon-hoc-kem-hon-o-tinh-post188254.gd

Nguyễn Văn Lự