Những chiến lược cần thiết để thúc đẩy xếp hạng quốc tế, kiểm định đại học

08/11/2021 06:55
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong bối cảnh hiện nay, tham gia xếp hạng chính là xu thế tiếp cận chiến lược phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học nói chung.

Đại học Huế tiếp tục duy trì vị trí xếp hạng 401 - 450 trong bảng xếp hạng Tổ chức Quacquarelli Symonds Châu Á (QS Asia University Rankings 2022) vừa công bố đầu tháng 11 nhưng nhiều chỉ số được cải thiện đáng kể nhất là uy tín học thuật và uy tín nhà tuyển dụng. Trước đó, Đại học Huế đã có mặt ở nhiều bảng xếp hạng khác.

Để hiểu hơn về câu chuyện xếp hạng đại học, hôm nay phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế.

Phóng viên: Phó giáo sư có thể cho biết vai trò của xếp hạng đối với xu thế tiếp cận chiến lược phát triển của các trường đại học trên thế giới hiện nay?

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương: Xếp hạng đại học vẫn còn nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau, không phải lúc nào cũng thống nhất. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể theo số đông thì xếp hạng đại học và kiểm định chất lượng giáo dục được xem như một phương thức quản trị mục tiêu chiến lược để phát triển của một trường đại học.

Quản trị mục tiêu chiến lược phát triển ở đây không phải theo một cách phiến diện như thời gian vừa qua ta vẫn làm, mà cần quản trị tổng thể toàn bộ các hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học thực chất, tương tự nội hàm trong kiểm định một cơ sở đào tạo đại học có các tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể mà người quản lý cơ sở giáo dục đại học phải nắm chắc.

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương (ảnh: NVCC)

Kết quả xếp hạng của các tổ chức quốc tế là một góc chụp trực tiếp về những thành tích, uy tín và tính minh bạch, đồng thời cũng là cơ sở để điều chỉnh chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục và vị thế của một cơ sở giáo dục đại học, bao gồm liên quan đến các chỉ số về việc cải tiến các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục như: tỉ lệ giảng viên trên sinh viên, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế, công bố nhiều công trình khoa học có ý nghĩa và ảnh hưởng khoa học cao, có hợp tác quốc tế tốt trong cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, tham gia xếp hạng chính là xu thế tiếp cận chiến lược phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học nói chung, nhằm thực hiện quốc tế hóa giáo dục, hội nhập sâu rộng và tăng cường trách nhiệm giải trình đối với xã hội về hiệu quả hoạt động đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn do các tổ chức xếp hạng đưa ra hay cũng tương tự các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng đại học đại học quốc gia và quốc tế.

Với giáo dục đại học ở Việt Nam chúng ta, chỉ số xếp hạng đã được quan tâm ở mức độ nào, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương: Có thể thấy rằng một số Nghị quyết, chiến lược lớn về giáo dục đại học của Việt Nam đều có đặt ra mục tiêu phấn đấu cơ sở giáo dục đại học có thứ hạng xếp hạng trong hệ thống giáo dục đại học quốc tế như: hướng đến tốp 1000, 500 đại học hàng đầu thế giới, tốp 200, 300 và 500 đại học hàng đầu châu Á.

Hiện nay, có một số hệ thống xếp hạng đại học như THE (Times Higher Education), QS ranking, Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU), …mỗi hệ thống xếp hạng có các chỉ số với trọng số tính điểm khác nhau nhưng nhìn chung đều dựa trên 3 nhóm tiêu chí lớn: chất lượng đào tạo, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tri thức và mức độ quốc tế hoá, trong đó thành tích nghiên cứu và chuyển giao tri thức đóng vai trò quan trọng nhất.

Xuất phát từ nhu cầu cung cấp thông tin giúp các bên liên quan đưa ra quyết định chọn trường, chọn đối tác liên kết trong thời đại “đại chúng hoá giáo dục đại học” và “chuyển đổi số”, độ mở thông tin của cơ sở giáo dục đại học là rất lớn.

Ví dụ, sinh viên dùng thông tin xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục như một kênh quan trọng để đưa ra quyết định chọn trường đại học theo học và nhận văn bằng.

Có thể thấy rằng các sinh viên Việt Nam vẫn chưa quen với việc căn cứ vào kết quả xếp hạng cũng như kiểm định chất lượng giáo dục để chọn trường. Nhưng theo xu hướng phát triển của giáo dục đại học, dần dần họ sẽ phải tìm hiểu kỹ các điều kiện, danh tiếng của một cơ sở giáo dục đại học sao cho xứng đáng với mức kinh phí họ phải chi trả.

Chính phủ và các nhà tài trợ dùng thông tin xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục để quyết định trường sẽ được tài trợ, đầu tư hay cung cấp học bổng, ưu tiên tuyển sinh.

Các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp dùng thông tin xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục để tìm đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu.

Giảng viên dùng thông tin xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục để xác định đối tác tham gia vào đồng nghiên cứu và liên kết bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Các cơ sở giáo dục đại học dùng thông tin xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục để bàn hợp tác song phương và đồng cấp bằng,…

Nhận thức được điều đó, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam càng ngày quan tâm đến việc cải thiện các chỉ số xếp hạng để nâng vị trí xếp hạng của đơn vị mình.

Đối với chất lượng đào tạo, các đơn vị chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; phát triển các chương trình trao đổi sinh viên/học viên với các đối tác quốc tế; nâng cấp cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với nghiên cứu khoa học, tại các cơ sở giáo dục đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu liên ngành và hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng và số lượng công bố; chú trọng tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu - đây là điều kiện rất quan trọng của cơ sở giáo dục đại học; có chính sách phát triển hợp tác quốc tế nhằm gia tăng tỷ lệ học giả và người học quốc tế tới nghiên cứu và làm việc - điều này chúng ta còn nhiều hạn chế.

Đối với mức độ quốc tế hoá, các đơn vị đã quan tâm đến quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ giảng dạy, thỉnh giảng có quốc tịch nước ngoài, đã ban hành những quy định đặc thù riêng; triển khai chương trình trao đổi giảng viên, học giả quốc tế thông qua các dự án hợp tác nhằm thu hút các giáo sư, giảng viên giỏi nước ngoài tham gia vào quá trình nghiên cứu, đào tạo.

Nhờ sự quan tâm chỉ số xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học, tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ đã khẳng định: “Giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí trong các bảng xếp hạng quốc tế với các chỉ số đều được cải thiện tốt hơn”.

Phó giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm để có mặt trong các bảng xếp hạng thời gian qua thì Đại học Huế đã triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào? Mục tiêu trong vòng 5-10 năm tới của Đại học Huế là gì?

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương: Đại học Huế đã chủ động tham gia rất sớm vào các hoạt động xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục thông qua nguồn nội lực và các dự án hợp tác quốc tế; dựa trên các thông tin về vị trí xếp hạng để có thể định vị vị trí của mình trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Đại học Huế tiếp tục duy trì vị trí xếp hạng 401 - 450 trong bảng xếp hạng Tổ chức Quacquarelli Symonds Châu Á (QS Asia University Rankings 2022) (ảnh website nhà trường)

Đại học Huế tiếp tục duy trì vị trí xếp hạng 401 - 450 trong bảng xếp hạng Tổ chức Quacquarelli Symonds Châu Á (QS Asia University Rankings 2022) (ảnh website nhà trường)

Từ đó, chiến lược, kế hoạch phát triển Đại học Huế giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được xây dựng nhằm xác định những mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức; tạo ra được sự đồng thuận của các cấp, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan.

Trong thời gian qua, Đại học Huế không ngừng cải thiện được vị trí xếp hạng đại học của mình trong điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ của các cơ sở giáo dục đại học cả trong nước và quốc tế; mặc dù chưa đạt được vị trí xếp hạng như kỳ vọng là vào tốp 300 châu Á như Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị cho giai đoạn 2020-2025 nhưng Đại học Huế vẫn duy trì được thứ hạng 401 - 450 của châu Á với các chỉ số ngày càng tăng và luôn vào tốp 6 của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong nhiều năm liền.

Những giải pháp để thay đổi các chỉ số qua các năm được Đại học Huế quyết tâm thực hiện phải kể đến:

Một là, hình thành bộ phận triển khai công tác xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục với sự tham gia tích cực của các trường đại học thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc;

Hai là, xây dựng và cập nhật bộ dữ liệu đầy đủ, kịp thời cho các tổ chức xếp hạng trong nước (UPM) và quốc tế, đây là nội dung rất quan trọng;

Ba là, đã ban hành các chính sách khen thưởng nhằm đẩy mạnh và nâng cao số lượng bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có thứ hạng cao và số công bố quốc tế của Đại học Huế trong 5 năm qua luôn tăng theo từng năm - nằm trong tốp đầu các trường đại học trong cả nước về số lượng và chất lượng các bài báo công bố;

Bốn là, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút giảng viên, đặc biệt là giảng viên quốc tế và giảng viên có trình độ tiến sĩ; đẩy mạnh hoạt động trao đổi sinh viên/học viên nhằm nâng cao số lượng sinh viên/học viên quốc tế đến học tại Đại học Huế cũng như sinh viên/học viên Đại học Huế tham gia học tập tại các đại học đối tác trong khu vực và thế giới;

Năm là, tiên phong và sớm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục ngay từ những năm 2016 - 2017 và minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đối với cộng đồng; quan tâm giải quyết các vấn đề trong nước, nhưng đồng thời phải hướng đến việc hội nhập với khu vực và nâng cao uy tín quốc tế; tích cực quảng bá, giới thiệu Đại học Huế với các đối tác quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của Nhà trường trên trường quốc tế;

Sáu là, tập trung đẩy mạnh hợp tác với đơn vị sử dụng lao động và doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề, thường xuyên nhận phản hồi từ phía đơn vị sử dụng lao động để điều chỉnh chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra.

Thưa Phó giáo sư, nếu chỉ ra một điểm nghẽn khiến đại học Việt Nam khó thể cất cánh nhanh và hội nhập quốc tế thì theo thầy đó là vấn đề gì? Các trường đại học Việt Nam muốn được quốc tế thừa nhận thì cần phải làm gì?

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương: Ngay như những quốc gia có tiềm lực rất lớn như Cộng hòa Liên bang Đức của châu Âu, Trung Quốc của châu Á trong chiến lược phát triển và nâng tầm các trường đại học và vươn ra thế giới mà hiện nay vẫn chiếm số đông là Mỹ và Anh ngoài chính sách đầu tư chung mang tính đại trà, ngay từ những năm 90, họ đã luôn có chiến lược và chính sách ưu tiên đầu tư cho một số đại học đang có tiềm lực và có thể vươn lên ngang tầm thế giới với vị trí xếp hạng cao.

Nhìn vào bảng xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới vào năm 2021 do Times Higher Education (THE) thực hiện, ngoài chiếm số đông là các Đại học của Mỹ và Anh, đáng chú ý ở châu Á, Trung Quốc có 2 trường vào tốp 20 đại học tốt nhất thế giới gồm Đại học Thanh Hoa (10) và Đại học Bắc Kinh (15).

Để có được 2 trường đại học lọt vào tốp 20 thế giới, thử tìm hiểu và nhìn lại chiến lược giáo dục đại học của Trung Quốc cho thấy quốc gia này đã có một chiến lược rất dài hơi cho giáo dục đại học, trong đó chú trọng và tập trung lớn nhất là Luật Giáo dục Đại học và làm rõ được vai trò của Nhà nước trong việc định hướng chiến lược và ưu tiên đầu tư vào các đại học lớn có nhiều tiềm năng để mang tầm quốc tế và họ đang làm tốt việc này.

Tương tự, Cộng hòa Liên bang Đức có nền giáo dục đại học lâu đời và uy tín cao nhưng cũng có chính sách lựa chọn một số đại học để đầu tư nâng tầm và đạt tầm xếp hạng cao thế giới, thu hút và cạnh tranh được lượng lớn sinh viên quốc tế đến học. Đối với nước Đức, Nhà nước đầu tư rất lớn cho giáo dục đại học nhưng cũng rất khuyến khích tính tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, đây là điều mà giáo dục đại học Việt Nam đang hướng đến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Do vậy theo tôi, Việt Nam cũng cần có những chiến lược, chính sách tương tự và cần triển khai nhanh và kịp thời hơn, nhất là sớm có quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học để từ đó định vị và có giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư, đơn đặt hàng từng nhóm trường, trong đó có yêu cầu về vị trí xếp hạng đại học phải tăng theo từng giai đoạn khi được đầu tư, tập trung lãnh chỉ đạo để đại học công lập sớm tự chủ về mọi mặt, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, trường nào tự chủ càng cao càng được sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước.

Các trường đại học Việt Nam muốn được quốc tế thừa nhận thì cũng cần có thêm thời gian; nếu nhìn vào các đại học đẳng cấp thế giới chúng ta có thể thấy rằng các đại học này đều có bề dày lịch sử rất lâu đời và có nhiều thành tích vượt trội.

Trong đó, trước hết cần thể hiện là 1 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc trong nghiên cứu và chuyển giao tri thức, có nhiều công bố khoa học trên những tạp chí nghiên cứu khoa học có uy tín; danh tiếng học thuật của giảng viên, của sinh viên, cựu sinh viên, của các sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao đáng tin cậy; có công trình nghiên cứu được công nhận và xếp hạng cao trong danh sách nghiên cứu/tạp chí khoa học hàng đầu trong chuyên ngành, có ảnh hưởng tốt và được quan tâm của các quỹ đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân và nhà nước cùng tham gia và đồng hành.

Tiếp theo là cần thể hiện tính chất quốc tế hóa, sinh viên, học viên, giáo sư, giảng viên đến từ nhiều quốc gia; tăng cường quốc tế hóa các ngành học có thế mạnh và lợi thế làm nên thương hiệu, tăng cường giao lưu sinh viên, học viên và nâng cao số lượng sinh viên, học viên quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau và trao đổi giảng viên phải mang tính chất lâu dài…; có quan hệ hợp tác hiệu quả với các trường đại học và các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Và cuối cùng là thể hiện được chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc gia và công nhận quốc tế thông qua trao đổi tín chỉ, đồng cấp bằng, công nhận văn bằng của nhau.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư.

Thùy Linh (thực hiện)