Ở trường Mầm non Tuổi Hồng "cho đi là còn mãi"

14/12/2019 07:36
Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Có những gia đình khó khăn, các bé đến lớp không có quần áo thay, các cô bàn nhau làm một cái kệ nhỏ làm tủ đồ “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”.

Trường Mầm non Tuổi Hồng được thành lập từ năm học 2000 - 2001, với quy mô 7 lớp. Đây là trường tư thục, trực thuộc Phòng giáo dục thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trường toạ lạc tại địa chỉ 30 Đô Lương, Phường 11, Thành phố Vũng Tàu, khu vực mật độ dân cư đông đúc, đa phần là từ nhiều vùng miền khác đến. Đại đa số dân cư là lao động phổ thông, trong số đó cũng còn nhiều người vô gia cư, người nghèo.

Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hồng và đồng nghiệp đã gặp bao cảnh đời cơ cực.

“Làm gì đây để giúp đỡ người nghèo phù hợp với điều kiện của mình?” - Câu hỏi đó cứ day dứt khi hàng ngày nhìn những cảnh đời bất hạnh.

Có những gia đình khó khăn, các bé đến lớp không có quần áo thay, các cô bàn nhau làm một cái kệ nhỏ, các cô giáo và phụ huynh của trường có đồ cũ, không dùng nữa đến để trên kệ cho người khó khăn có thể đến lấy về dùng.

Việc tử tế cứ thế nhân lên, hành động nhỏ được phụ huynh và nhân dân địa phương chia sẻ và lan rộng, tủ đồ quy mô ngày càng to hơn, số lượng đồ nhận càng lớn hơn.

Tủ đồ “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận” do giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hồng - Vũng Tàu thực hiện
Tủ đồ “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận” do giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hồng - Vũng Tàu thực hiện
Người thừa đến cho, người thiếu đến nhận
Người thừa đến cho, người thiếu đến nhận

Đồ đến cho, ngoài áo quần, đồ chơi, cặp học sinh … còn có nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống.

Người viết hỏi một cô gái còn đang mặc nguyên đồng phục công ty, sau khi chọn được bộ đồ ưng ý “Em có hay nhận đồ ở đây không”.

Cô gái bẽn lẽn trả lời: “Dạ, có ạ; lúc đầu em cũng ngại, nhưng mình thiếu thật, nên đến nhận. Đồ còn nhiều bộ như mới; đưa về bé nhà em thích lắm. Em cảm ơn các cô giáo và những người hảo tâm”.

Các cô giáo đang hướng dẫn học sinh gấp quần áo chuẩn bị tặng các bạn vùng sâu, vừa giáo dục kĩ năng sống, vừa giáo dục lòng yêu thương con người
Các cô giáo đang hướng dẫn học sinh gấp quần áo chuẩn bị tặng các bạn vùng sâu, vừa giáo dục kĩ năng sống, vừa giáo dục lòng yêu thương con người

Ban giám hiệu và các cô giáo muốn thông qua ý nghĩa nhân văn của tủ đồ “Ai thừa đến cho, ai cần đến nhận” dạy cho các bé trong trường về tình yêu thương, về kỹ năng sống, và muốn các bé sau này sẽ trở thành những con người sống có ích, biết giúp đỡ mọi người.

Phần lớn những người đến cho đồ, quần áo đã được giặt sạch sẽ. Khi nhu cầu của địa phương giảm dần, cô Nguyễn Thị Cẩm Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hồng đã liên hệ với một số cá nhân thiện nguyện, chuyển đồ đến hỗ trợ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa như Madagui, Daklak... v.v.

Những “mẹ hiền” lặng thầm mà cao cả
Những “mẹ hiền” lặng thầm mà cao cả

Nói về việc xây dựng tủ đồ “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”, cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Yến chia sẻ:

“Cũng chẳng to tát gì, chúng em cũng góp một chút công sức thôi anh ạ nhưng qua việc nhỏ này em thấy tình cảm, thái độ của giáo viên với các cháu trở nên chân tình, thắt chặt hơn.

Giáo viên trong trường cảm thấy phải có trách nhiệm với công việc, làm tấm gương yêu thương cho các cháu.

Các cháu trong trường không còn cảnh tranh giành đồ chơi; nhiều em biết sẻ chia đồ chơi của mình với bạn, đó là dấu hiệu mà em mừng nhất khi lan tỏa sống có trách nhiệm với cộng đồng đến học trò, đến mọi người.

Em thật cảm ơn các cô giáo, phụ huynh đã ủng hộ tủ đồ “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”.

“Cho đi là còn mãi”, các giáo viên cho đi, còn lan tỏa yêu thương, còn gieo hạt giống nhân ái vào mỗi đứa học trò.

Chúc Trường Mầm non Tuổi Hồng thành công trong sự nghiệp trồng người của mình.

Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến