Phải chăng tôi đã đắc tội với nhiều người?

23/12/2018 07:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Cách mà nhiều cấp quản lý giáo dục hiện nay thường áp dụng chủ yếu là “tìm” và “diệt” hòng đập tan những ai có ý kiến trái chiều (dù đúng) gây bất lợi cho họ.

LTS: Thẳng thắn đưa ra quan điểm và góc nhìn về cung cách làm việc của một số cấp quản lý trong ngành giáo dục, nhà giáo Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi biết tin năm nay tôi tiếp tục dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, một số đồng nghiệp thân thích đùa vui rằng “gan nhỉ, không sợ rớt từ vòng gửi xe à?”.

Nói thế, tôi hiểu chẳng phải đồng nghiệp coi thường năng lực của mình. Vì ít nhất tôi đã có gần mười năm mang danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (2 kì liên tục) và gần chục năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Cũng chẳng phải người hám danh lợi, màng danh vọng nhưng thấy sức mình còn làm tốt thì cứ tham gia thôi.

Phải chăng tôi đã đắc tội với nhiều người? ảnh 1Làm sao để Hội thi giáo viên giỏi thực sự hiệu quả?

Câu nói của đồng nghiệp là nhắc cho tôi nhớ về lời nói của một vị từng làm chuyên viên phòng giáo dục khi buông lời nhận xét đầy ác ý về mình.

Chẳng hiểu sao, trước mặt một số đồng nghiệp (cách đây vài năm) vị chuyên viên nói như đinh đóng cột “cô này mà đi thi sẽ rớt từ vòng gửi xe”.

Khi ấy có đồng nghiệp vì bức xúc với kiểu coi thường người khác của vị chuyên viên nên đã nói lại: “xin lỗi thầy, cô ấy hiện đang là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Lần sau thi lại cũng sẽ không thi cấp thị nên chẳng có cơ hội mà loại từ vòng gửi xe”.

Tôi thì hiểu rõ vị chuyên viên này cũng là nhân vật mà chính tôi thường hay nhắc tên trong một số bài báo vì chưa một ngày đứng lớp đi dạy, chưa bao giờ viết được một sáng kiến để đời nhưng luôn làm trưởng ban giám khảo các hội thi giáo viên dạy giỏi, trưởng ban giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm của toàn thị nên khi dự giờ, khi chấm sáng kiến kinh nghiệm cứ phán như thánh vậy.

Tôi viết báo, lại là người thẳng thắn, bộc trực thế nên cũng gây mất lòng không ít các sếp bề trên.

Có lần, một phóng viên yêu cầu tôi lần sau viết báo nên lấy tên thật hoặc một bút danh đừng trùng tên với họ. Bởi, mấy vị cán bộ cấp sở cứ truy vấn, điều tra nên bạn ấy mệt mỏi.

Phải chăng tôi đã đắc tội với nhiều người? ảnh 2Nên bỏ các cuộc thi kiểu Giáo viên giỏi và Dự giờ theo chuyên đề

Lạ thiệt, khi bài báo phản ánh chuyện của địa phương trước hết người đứng đầu cần xem họ phản ánh có đúng không? Từ đó, có biện pháp chỉ đạo, khắc phục mới hy vọng xóa bỏ được những tồn tại ấy và đổi mới theo hướng tích cực.

Đằng này cách mà nhiều cấp quản lý giáo dục hiện nay thường áp dụng chủ yếu là “tìm” và “diệt” hòng đập tan những ai có ý kiến trái chiều (dù đúng) gây bất lợi cho họ.

Đúng như lời khẳng định của vị chuyên viên năm nào, sáng kiến kinh nghiệm dự thi lần này của tôi đã “rớt từ vòng gửi xe”.

Nếu để coppy như cách nhiều người thường dùng khi viết sáng kiến thì tôi cũng đủ “trình” để “ăn vụng” và biết “chùi mép” một cách sạch sẽ. Nhưng nếu để viết, tôi cũng đủ tự tin viết không đến nỗi nào.

Thế mà, cái sáng kiến mình nghĩ ra, cái kinh nghiệm mình tích lũy sau bao tháng ngày dạy môn học ấy và nay đang được áp dụng hiệu quả từng ngày mà vẫn bị họ cho rằng “mất thời gian nhiều, khó khả thi và không hiệu quả”.    

Kiểu làm việc “nhìn mặt đặt tên” thế này bảo sao không khuyến khích được giáo viên sáng tạo mà quanh năm chỉ chọn đi lối mòn cho thật sự an toàn.

Phan Tuyết