Phân tầng trong dự luật giáo dục đại học sẽ dẫn đến cơ chế xin cho?

24/05/2012 13:28
GS. Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Đại biểu Quốc hội
(GDVN) - Thực tế cho thấy cách phân tầng hành chính như trong dự thảo luật ắt dẫn tới cơ chế xin – cho và những biến dạng phổ biến của nó là ban phát, móc ngoặc... Tình trạng không đồng đều hiện nay liệu phân tầng có giải quyết được không hay vẫn tiếp diễn thậm chí sẽ càng xấu hơn?

Theo Điều 83 của Hiến pháp, và Điều 1 của Luật Tổ chức QH hiện hành, “Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước” (trích). QH quyết định chính sách bằng luật và nghị quyết của QH. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thảo luận và biểu quyết thông qua các dự thảo luật do đó là rất rõ. Trách nhiệm của ĐBQH khi bấm nút biểu quyết cũng vậy. Bài viết này nhìn lại quá trình xây dựng Luật Giáo dục từ năm 1998 trước khi dự thảo Luật Giáo dục đại học được xem xét để thông qua.

Những trải nghiệm qua xây dựng Luật Giáo dục

Năm 1998, Chính phủ trình QH dự thảo Luật Giáo dục. Dự thảo là một luật “khung” với những nguyên lý giáo dục và nguyên tắc rất cao đẹp mà không ai có thể phủ nhận, nhưng “làm sao thực hiện” là mối quan tâm của ĐBQH. Thảo luận rất nhiều, nhưng dự thảo luật đã được thông qua năm 1999 với ước khoảng 15 nghị định sẽ do Chính phủ ban hành để hướng dẫn thi hành.

Năm 2004, Chính phủ trình một dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 1999. Thảo luận cho thấy vì Luật Giáo dục 1999 là quá khung, nên có sửa đổi bổ sung cũng chỉ là vá víu (phải mất 6 năm để xác nhận điều này!) nên Chính phủ lại trình QH một dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Điều cần nhấn mạnh là sau 6 năm thực hiện, chỉ mới ban hành được 7 nghị định. Còn “nợ” 8.

Dự thảo luật sửa đổi vẫn còn là một luật khung. Trên tổng số 120 điều, có 5 điều dành cho giáo dục mầm non, 6 cho giáo dục phổ thông, 6 cho giáo dục nghề nghiệp, 6 cho giáo dục đại học, 4 cho giáo dục thường xuyên. Dự thảo có 38 điều, khoản giao cho Chính phủ, Bộ hoặc Bộ trưởng quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như vậy thì nên chỉ sửa đổi bổí sung (như dự kiến ban đầu) những gì cấp bách, đã thống nhất cao, dành thời gian xây dựng Chiến lược về Giáo dục và Đào tạo, tổng kết Luật Giáo dục, làm cơ sở để xây dựng một Luật Giáo dục hoàn chỉnh, hoặc một hệ thống các luật chuyên cho từng cấp và lĩnh vực đào tạo.

Ý kiến này thiểu số khi bỏ phiếu. Bốn năm sau, 2009, Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005 lại được sửa đổi bổ sung. Tình hình giáo dục hiện nay ở các cấp, các lĩnh vực, với thành tựu và yếu kém bất cập đã được nói nhiều, xin không nói gì thêm, trừ một điểm: trách nhiệm của QH là không thể thoái thác.

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Qua quá trình xây dựng, rồi sửa đổi, rồi sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục, tôi đã rút ra cho mình mấy đúc kết sau đây: (a) Trước khi xây dựng một luật, cần tổng kết lĩnh vực mà luật quy định; (b) QH quyết định chính sách bằng luật, và luật là cơ sở của kỷ cương phép nước. Nên thận trọng tối đa với luật khung, vì nó giống như một ngôi nhà không mái, không vách; (c) Các điều khoản của luật quy định việc thực hiện chứ không phải là trích đoạn tuyên ngôn hay nghị quyết, và điều khoản chỉ có thể hiểu một cách; (d) Luật phải là văn bản pháp quy đi vào cuộc sống ngay, không phải chờ nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các Bộ; (đ) Mọi dự án đầu tư đều phải có báo cáo tác động môi trường, thì càng phải dự báo tác động trở lại của luật; (e) Sửa đổi bổ sung luật là cần thiết nhưng cho “ra đời non” một luật là tối kỵ vì nó gây rối, gây tốn kém, gây thiếu niềm tin, thậm chí xem thường luật pháp ở người dân với những lần sửa đổi bổ sung nối tiếp; (g) Chỉ bấm nút thông qua khi thấy được luật sẽ đi vào cuộc sống và là nền tảng cho sự phát triển vững chắc của lĩnh vực mà nó chi phối.

Về dự thảo Luật Giáo dục đại học

Kỳ họp thứ Ba này sẽ xem xét thông qua 13 dự thảo luật, trong đó có dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Ban soạn thảo và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ của QH đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo ở khắp ba miền. Tôi đã đóng góp ý kiến ba lần bằng văn bản để đáp lại lời mời tham dự các cuộc hội thảo (1). Theo tôi, nhược điểm lớn nhất là thiếu đánh giá thực trạng nền giáo dục đại học nước nhà và tổng kết.

Được tiếp cận gần đây với phiên bản sẽ trình QH trong kỳ họp này, tôi nhận thấy dự thảo đã có nhiều sửa đổi bổ sung khá quan trọng, tuy vậy vẫn còn những nội dung cơ bản cần được trao đổi thêm trước khi thông qua.

1. Về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học

Tờ trình dự thảo luật khẳng định: “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay; (…) là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật”.

“Tuy nhiên, do các cơ sở GDĐH phát triển không đồng đều và hiện tại phần lớn các cơ sở GDĐH còn chưa đạt được chuẩn mực của một cơ sở GDĐH thực thụ nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp”, tờ trình giới hạn lại vì thực trạng không đồng đều.

Rất tiếc lộ trình và làm gì để thực trạng này giảm dần thì không tìm thấy trong dự thảo. Chỉ biết là sự hạn chế của quyền tự chủ tùy thuộc vào sự phân tầng.

2. Phân tầng các cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Điều 8 của dự thảo khá tỷ mỷ, các tiêu chí nào, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng làm gì, rất rõ. Tuy nhiên, không có chỗ cho sự công nhận, sự xếp hạng của xã hội, của những người sử dụng lao động sản phẩm đào tạo của các cơ sở giáo dục.

Mục đích của phân tầng là để giao quyền tự chủ. Phân tầng để, đối với các trường công lập, có kế hoạch đầu tư và giao nhiệm vụ, và để “hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học tư thục về đất đai, tín dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” (Điều 38. 4 và 5).

Thực tế cho thấy cách phân tầng hành chính như trong dự thảo luật ắt dẫn tới cơ chế xin – cho và những biến dạng phổ biến của nó là ban phát, móc ngoặc... Tình trạng không đồng đều hiện nay liệu phân tầng có giải quyết được không hay vẫn tiếp diễn thậm chí sẽ càng xấu hơn?

3. Về đại học và đại học quốc gia

a. Trước nhất, viện dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh(2) để biện minh cho cách gọi là quá khiên cưỡng.

Tôi không rõ Hồ Chủ tịch đã dùng cụm từ “đại học quốc gia” chính xác ra sao, trong bối cảnh nào. Tham khảo các tài liệu về quá trình hình thành các trường cao đẳng, đại học từ đầu thế kỷ XX đến trước 1945 có thể thấy cơ cấu và sự hình thành từng bước của Viện Đại học Đông Dương (Université de l’Indochine) với các trường thành viên lần lượt được hình thành tại Hà Nội (chủ yếu) và Sài Gòn. Nếu có “thương hiệu” thì đó là thương hiệu của Viện đại học này. Khiên cưỡng còn vì tình hình giáo dục nước nhà năm 1945 so với hiện nay khác nhau rất xa.

b. Điều 27. khoản 1 của dự thảo Luật viết: “Đại học quốc gia là đại học định hướng nghiên cứu, chất lượng cao ngang tầm khu vực, tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế, giữ vai trò đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.

Thế thì một trường đại học “định hướng nghiên cứu, chất lượng cao ngang tầm khu vực, tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế” có thể là một trường đại học quốc gia giữ vai trò đầu tàu đổi mới được hay không? Cụm từ “quốc gia” là do tự trường tự lực làm nên hay là do Nhà nước ban tặng gắn với tên gọi “đại học” bất chấp lôgic của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học?

c. Điều 27.2. viết: “Đại học quốc gia có quyền chủ động cao (…)”, “Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các Bộ (…)”, “Khi cần thiết, Giám đốc Đại học quốc gia được báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, v.v.

Nhưng còn quan hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo? “Quyền chủ động cao” không phải là quyền tự chủ. Câu hỏi là đại học quốc gia có quyền tự chủ hay không, hay tự chủ có giới hạn như quy định tại Điều 30 và Điều 33?

d. Đại học quốc gia (và đại học vùng) từ ban lãnh đạo đến nhiệm vụ chức năng chủ yếu làlàm quản lý vì giảng dạy, nghiên cứu khoa học đều thực hiện ở các trường đại học và cơ sở thành viên.

Thế thì cần minh định quản lý của đại học quốc gia và của Bộ khác nhau ở đâu, trùng lặp ra sao. Nếu Bộ vẫn quản lý như hiện nay thì có cần thêm cấp quản lý đại học quốc gia hay không? Còn nếu Bộ không quản lý “sâu” như hiện nay, thì “đại học quốc gia” và “đại học vùng” không khác với “viện đại học” như nó đã tồn tại ở Hà Nội (Đông Dương), ở Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt trước đây.

đ. Dự thảo Luật chưa cho thấy một trường đại học thành viên của đại học quốc gia hay đại học vùng được gì so với nếu đứng ngoài, giống như những trường đại học khác? Sự tham gia tự nguyện làm thành viên vẫn hay hơn theo mệnh lệnh hành chính. Đó là điều tôi cảm nhận rõ khi làm việc ở Huế, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

4. Về loại hình trường đại học dân lập

Bằng Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề nghị 19 trường đại học dân lập chuyển đổi sang loại hình tư thục trước ngày 30.6.2007(3) (đến nay, 5 năm sau thời hạn vẫn chưa xong); bằng việc Thủ thướng Chính phủ từ nay sẽ không cho thành lập các trường đại học dân lập nữa nên sẽ không có cơ sở giáo dục đại học dân lập nữa,nhưng loại hình trường đại học dân lập vẫn tồn tại theo luật pháp nếu phân tích kỹ Luật Giáo dục 2005, sửa đổi bổ sung 2009(4)Dự thảo Luật không thể không đề cập đến loại hình dân lập, trừ phi sửa đổi Luật Giáo dục 2005 hay quy định rõ luật không đề cập tới loại hình cơ sở đại học dân lập.

5. Đọc dự thảo Luật thấy hình như không có vấn đề gì lớn trong mảng đại học tư thục, trong khi đó trên thực tế ở đây có rất nhiều vấn đề khá nóng bỏng mà cốt lõi là một trường đại học tư thục có phải là một doanh nghiệp cổ phần thông thường hay là đặc thù vì hàng hóa ở đây là tri thức và lao động là chuyển giao tri thức.

Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg, ngày 17.4.2009 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, rồi Quyết định 63/2011/QĐ-TTg, ngày 10.11.2011, sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 61 vẫn chưa gỡ được gút mắc này. Tôi e rằng dự thảo Luật Giáo dục đại học sẽ đi bên lề thực tế của đại học tư thục, và nguy hơn nữa, đã vội thể chế hóa những thực nghiệm (có đúng và có sai) mà Bộ đang tiến hành.

6. Cuối cùng, Luật có cần, và cần bao nhiêu nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành và có trình QH xem xét cùng lúc với dự thảo Luật khi thông qua?

1. Tôi xin có lời cảm ơn Ủy ban về các lời mời này. Lần 1 (28.4.2011): Cần một Luật Giáo dục đại học thực chất và đổi mới. Lần 2, Góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục đại học (phiên bản ngày 26.8.2011). Lần 3 (07.2.2012): Cần sửa đổi căn cơ hơn nữa dự thảo Luật Giáo dục đại học (Góp ý cho dự thảo, phiên bản ngày 06.1.2012). Nội dung của lần 1 và lần 3 đã được đăng trên Báo Đại biểu nhân dân, các số ra ngày 06.05,2011 và 15.02.2012.http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=210893 và http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=237940

2. “Tên gọi đại học quốc gia Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập vào năm 1945 cũng cần được giữ lại để tiếp tục phát huy thương hiệu của cơ sở đại học đầu tiên của đất nước với bề dày truyền thống hơn một thế kỷ.” (Trích tờ trình).

3. Cũng nên đặt câu hỏi đề nghị như vậy có hợp pháp không? các trường có quyền từ chốiđề nghị không?

4. Xem thêm Nguyễn Ngọc Trân, Cần sửa đổi căn cơ hơn nữa dự thảo Luật Giáo dục đại học, Báo Đại biểu nhân dân, số ra ngày 15.02.2012.

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Những hình ảnh khiến các bà mẹ có con học ở Maple Bear phải bật khóc

Chùm ảnh: Học sinh trường Thực nghiệm tập "đi chợ"

Những nữ sinh diện áo dài đẹp hơn cả Hoa hậu Mai Phương Thúy (P2)

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan "cháy" cùng Style JC 2012

Bức thư gửi mẹ đầy nước mắt của một ứng viên đề án 322

"Cậu ấm" chiếm trọn cảm tình của các Hoa khôi Hà Thành

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

GS. Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Đại biểu Quốc hội