Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về câu chuyện tự chủ đại học

01/11/2020 08:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tất cả hoạt động tự chủ vẫn phải tuân theo quy định pháp luật, theo Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức, đảng viên phải theo quy định của Đảng, Điều lệ Đảng...

Lắng nghe các ý kiến từ các địa phương, cơ sở giáo dục, chuyên gia tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, năm học 2019-2020 chúng ta đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, kế thừa kết quả của những năm học trước, năm nay ngành giáo dục đã đạt được những kết quả rất rõ nét.

Theo Phó Thủ tướng đánh giá, một trong những kết quả rất nổi bật trong quá trình đổi mới của ngành giáo dục vừa qua được cả thế giới và nhân dân đều đánh giá đó là đã thực hiện tự chủ giáo dục đại học, dù rằng con đường này còn tiếp tục nhưng bước đầu đã rất tốt, đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hoá trong Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục 2020 (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục 2020 (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Liên quan đến tự chủ đại học gần đây rộ lên câu chuyện trường Đại học Tôn Đức Thắng, tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta cần nhìn nhận rất bình tĩnh. Tự chủ như trường Tôn Đức Thắng cũng chưa ăn thua gì với đúng nghĩa tự chủ.

Tôi đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo lập một đoàn do một đồng chí Thứ trưởng trực tiếp vào đúng sai sẽ làm rõ, nhưng xu thế chung, chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật, cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của trường vì tự chủ về chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học.

Giáo dục đại học không chỉ nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra tri thức, muốn vậy họ phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ tự chủ nói chung. Còn đúng-sai, tất cả hoạt động tự chủ vẫn phải tuân theo quy định pháp luật, theo Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức, đảng viên thì phải theo quy định của Đảng, Điều lệ Đảng…”.

Trước đó, theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo đó, nhiệm vụ của đoàn công tác là tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học về thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo Quyết định này, đoàn công tác gồm có:

1. Một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng đoàn.

2. Đại diện Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng đoàn.

3. Trưởng ban tổ chức cán bộ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên.

4. Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên.

5. Đại diện Vụ pháp luật hình sự- hành chính, Bộ Tư pháp, Thành viên.

6. Đại diện Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên.

7. Đại diện Phòng nghiệp vụ 1, thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên.

8. Đại diện Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên kiêm thư ký.

Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến làm việc với tập thể lãnh đạo trường và cán bộ chủ chốt vào ngày 2/11/2020.

Tại cuộc làm việc, Đại học Tôn Đức Thắng sẽ báo cáo về tình hình hoạt động của Hội đồng trường nhiệm kỳ 2014-2019 và kế hoạch kiện toàn hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025; thực trạng và kế hoạch kiện toàn nhân sự lãnh đạo, quản lý đến nay; những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị đề xuất đối với việc thực hiện kiện toàn Hội đồng trường, kiện toàn nhân sự lãnh đạo, quản lý của Nhà trường.

Thùy Linh