Phụ huynh Hà Nội bức xúc vì những cuộc thi vô bổ, nặng hình thức

16/09/2019 06:19
Vũ Ninh
(GDVN) - Con tôi học lớp 6, khi được cô thông báo về cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” cháu vẫn hỏi: Dịch vụ công là gì hả mẹ? Tôi và cháu cùng ngồi thi.

Phụ huynh bức xúc vì những cuộc thi vô bổ, nặng hình thức

Mới đây, thành phố Hà Nội đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”

Theo ban tổ chức, cuộc thi nhằm phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, các dịch vụ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính... Đối tượng tham gia là công dân từ đủ 12 tuổi trở lên.

Đề thi gồm 2 phần: trắc nghiệm và tự luận. Phần thi trắc nghiệm: Người dự thi lựa chọn câu trả lời thích hợp nhất đối với mỗi câu hỏi theo phần mềm bộ câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó). 

Thói háo danh đẻ ra “sinh đồ ba quan”, nữ hoàng nhảm nhí thời hiện đại
Thói háo danh đẻ ra “sinh đồ ba quan”, nữ hoàng nhảm nhí thời hiện đại

Số lượng là 40 câu hỏi, thời gian tối đa là 60 phút.

Phần thi trắc nghiệm được phần mềm chấm điểm tự động, kết quả phần thi trắc nghiệm được hiển thị ngay sau khi người dự thi hoàn thành phần thi gồm: Tổng điểm thi trắc nghiệm và thời gian hoàn thành phần thi.

Trước những yêu cầu của ban tổ chức, nhiều trường Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn Hà Nội ép chỉ tiêu cho học sinh phải tham gia 100%. 

Như vậy từ một cuộc thi mang tính tự nguyện đã trở thành một cuộc thi có tính chất ép buộc. 

Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về tính hiệu quả cũng như những cuộc thi này liệu có phải là vô bổ?

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh: Cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” chỉ nên được tổ chức cho học sinh Phổ thông Trung học. Đối với học sinh cấp 2, các con còn quá nhỏ để tham gia.

Chị Vũ Thị Mai, mấy ngày nay phải dành thời gian giải thích cho con gái đang học lớp 6 những cụm từ như hành chính công, thủ tục hành chính…Chị cho rằng cuộc thi này vừa làm mất thời gian của các con, của phụ huynh mà lại không hiệu quả.

Chị Mai bày tỏ: “Con tôi đi học, cô giáo phổ biến phải tham gia cuộc thi tìm hiểu dịch vụ trực tuyến. Khi về cháu vẫn hỏi: Mẹ ơi hành chính công là gì, dịch vụ công trực tuyến là gì?...

Cuối cùng cả 2 mẹ con phải ngồi cùng nhau để làm. Theo tôi cuộc thi này quá sức với các cháu. 

Không hiểu các trường muốn học sinh tốn thời gian vào những cuộc thi như thế này để làm gì trong khi các cháu còn phải lo việc học”.

Nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt với cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến (Ảnh:hanoimoi.com)
Nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt với cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến (Ảnh:hanoimoi.com)

Đồng tình với quan điểm của chị Mai, chị Nguyễn Thị Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang có con học lớp 6 – trong độ tuổi phải tham gia cuộc thi trên.

Chị Minh cho rằng: Việc các con học sinh lớp 6 tham gia những cuộc thi như thế này là tốn thời gian và không hiệu quả.

Chị Minh nói: “Các con còn quá nhỏ và cũng không thực sự cần thiết phải biết những kiến thức như trên. Việc chính của các cháu là học. 

Tuy nhiên học cái gì phải dựa theo mong muốn và nguyện vọng của các con. Tôi thấy các cháu đâu có hào hứng tham gia cuộc thi này.

Nếu đăng ký tham gia chỉ để cho đủ chỉ tiêu, đủ quân số thì tôi yêu cầu nhà trường cần phải bỏ cuộc thi này và dựa trên tinh thần tự nguyện: ai thích thì đăng ký thi không thì thôi.

Mấy ngày nay tôi phải khổ sở cùng con lên mạng để tham gia cuộc thi. Do số lượng truy cập nhiều cho nên trang web của cuộc thi thường xuyên bị tắc nghẽn. Mình phải hoàn thành đủ 2 vòng thi sau đó lưu thông tin để nhà trường kiểm tra.

Phần lớn các thông tin còn xa lạ với người lớn như tôi chứ đừng nói đến trẻ con. Hai mẹ con vừa đọc vừa tra cứu trên mạng. 

Mấy ngày sau hỏi cháu các nội dung trong đề thi cháu cũng quên sạch. Như vậy tổ chức mấy cái kỳ thi như thế này để làm gì?”.

Nên trả các cuộc thi về đúng giá trị của nó thay vì chạy theo chỉ tiêu, phong trào (Ảnh:V.N)
Nên trả các cuộc thi về đúng giá trị của nó thay vì chạy theo chỉ tiêu, phong trào (Ảnh:V.N)

Anh Ngô Minh Trí (Cầu Giấy) tỏ ra ôn hòa hơn. Anh cho biết: Cuộc thi này cũng có cái hay của nó. 

Qua đó con em mình sẽ biết được những kỹ năng và thủ tục hành chính. Điều này rất quan trọng và cần thiết với cuộc sống sau này của các cháu.

Tuy nhiên tôi ủng hộ tổ chức cho học sinh từ lớp 10 trở lên. Các cháu học sinh cấp 2 còn quá nhỏ để hiểu các khái niệm này. 

Bên cạnh đó cuộc thi cũng phải được xây dựng trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc. Có như vậy thì cả người tổ chức và người dự thi sẽ đều cảm thấy thoải mái. Như thế này có khác nào là bệnh thành tích.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hiện nay cũng có một số cuộc thi khiến họ cảm thấy không hài lòng. Vì theo thông báo là dựa trên tinh thần tự nguyên nhưng thực chất là bị ép buộc, ép chỉ tiêu; mang danh nghĩa các con thi nhưng phụ huynh thực hiện là chủ yếu, rất tốn thời gian.

Chị Minh kết luận: “Tôi mong rằng trước khi đưa ra bất kỳ một cuộc thi nào dành cho học sinh cũng cần cân nhắc kỹ đến khả năng của các cháu. 

Những cuộc thi như giải toán trên mạng, thi tìm hiểu dịch vụ công rốt cuộc hiệu quả ra làm sao, tôi chỉ thấy tốn thời gian và hình thức”.

Nên dẹp bỏ những cuộc thi vô bổ, nặng hình thức trong giáo dục

Không chỉ có phụ huynh mà bản thân nhiều giáo viên, hiệu trưởng cũng đề nghị dẹp bỏ nhiều cuộc thi vô bổ và không thiết thực.

Những đứa trẻ bị lừa dối và sự cẩu thả của Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy
Những đứa trẻ bị lừa dối và sự cẩu thả của Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy

Một vị hiệu trưởng trường Trung học cơ sở (Hoàng Mai, Hà Nội) mong phụ huynh thông cảm vì bản thân các trường cũng không được phép tự nguyện tham gia mà sẽ được đánh vào tiêu chí tham gia.

Vị hiệu trưởng này nói: “Theo tôi cuộc thi này nên dành cho bậc Trung học Phổ thông ở môn giáo dục công dân khi mà các em đã bắt đầu được học về pháp luật cũng như các thủ tục hành chính.

Còn tổ chức ở cấp 2 theo bản thân tôi vẫn thấy rằng đây là bệnh thành tích, phong trào

Gọi là thi thế nhưng học sinh lại có sẵn đáp án được bày sẵn. Các em theo đó để điền vào hoặc phụ huynh làm hộ cho con em mình. 

Bên cạnh đó cũng có chỉ thị từ trên xuống các trường phải đảm bảo 100% học sinh đủ tuổi tham gia. Như vậy từ một cuộc thi tự nguyện nó đã trở thành ép buộc rồi”.

Thầy cô cũng mong muốn loại bỏ bớt các kỳ thi vô bổ, hình thức (Ảnh minh họa:laodong.com.vn)
Thầy cô cũng mong muốn loại bỏ bớt các kỳ thi vô bổ, hình thức (Ảnh minh họa:laodong.com.vn)

Vị hiệu trưởng này cũng cho biết bản thân không muốn bắt ép học sinh tham gia những cuộc thi kiểu như này làm gì:

“Về phía nhà trường cũng không muốn tổ chức những cuộc thi kiểu như này làm gì bởi vì nó mang tính chất bắt buộc. 

Học sinh không lĩnh hội được kiến thức mà chỉ đi chép đáp án. Như này khác nào dạy các con tính gian dối.

Bên cạnh đó nhà trường phải mất công tuyên truyền, tổ chức, vận động học sinh cũng rất mệt mỏi. Chúng tôi cũng nhận nhiều phản ứng gay gắt của phụ huynh.

Tuy nhiên đây là cuộc thi do thành phố phát động lại là một tiêu chí đánh giá thi đua nên các trường buộc phải tổ chức.

Khi tổ chức chúng tôi cũng nhận thấy nhiều bất cập chẳng hạn như học sinh làm bài thi xong không nhớ mình vừa viết gì, các bài thi na ná giống nhau, chép bài của nhau…

Dưới cương vị lãnh đạo trường tôi cho rằng những cuộc thi cần nghiên cứu, đưa ra những nhóm đối tượng cụ thể và phù hợp”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng yêu cầu rà soát, đánh giá chất lượng các cuộc thi để loại bỏ những cuộc thi vô bổ, hình thức. 

Tuy nhiên thực tế vẫn còn có không ít những cuộc thi chẳng những không thiết thực mà còn nặng thành tích ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội đối với ngành giáo dục.

Vũ Ninh