Phương pháp đơn giản nhất bóp chết hứng thú học tập của học sinh!

30/01/2020 08:17
Hồ Oanh
(GDVN) - Cứ vào kỳ kiểm tra, học trò về nhà à ê học thuộc lòng đề cương thầy cô soạn sẵn.

Học trò cũ về Tết quây quần, đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, cuối cùng cũng về chuyện ký ức thời đi học; chúng thảo luận với nhau chủ đề “thời đi học ghét nhất điều gì?”. 

Đủ thứ ghét, nào là ghét phải thức khuya dậy sớm, không được ngủ đã giấc; nào ghét về Tết mà còn phải làm bài tập; nào là ghét không học bài là cô bắt chép phạt hàng chục lần; nào là ghét “ăn vụng một tý” mà cũng ghi sổ đầu bài; nào là ghét nộp vỏ lon bia làm kế hoạch nhỏ; nào là ghét chỉ một tý nghịch mà cô chủ nhiệm cứ “méc” phụ huynh v.v... 

Khi bạn Tân nói mình ghét nhất là thầy cô bắt học thuộc lòng, tất cả đều “Yes”. 

Bạn Tân, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa chia sẻ: “Mình rất thích môn Văn, thế nhưng lên lớp 7 là chuyển sang “thù ghét”; thầy B. dạy cứ bắt học thuộc lòng, trả bài thầy cứ chăm chăm vào sách, sai một chút là coi như “tẹt”; viết trái ý thầy là coi như “mù”. Hơn chục năm rồi, nghĩ lại vẫn thấy ngán. 

Lúc đầu bố mẹ bảo học Văn cho tốt để thi vào nghề báo chí tuyên truyền, lên lớp 7 đành chuyển “giấc mơ”; học môn nào mà thầy cô cứ bắt “vẹt” là ngán, mất hết hứng thú. 

Bao nhiêu kiến thức học vẹt, thi, kiểm tra xong là tự nó "Delete"; học thuộc lòng uổng công, mất hứng thú học tập”.

Ám ảnh thuộc lòng đề cương, văn mẫu. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Hoahocsupham.com)
Ám ảnh thuộc lòng đề cương, văn mẫu. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Hoahocsupham.com)

Bạn N. nay là giáo viên tiếng Anh dạy ở trường Trung học phổ thông chống chế: “Có những thứ không “vẹt” sao nhớ được, từ vựng mà không “vẹt” sao bạn ra trường? Nhưng mình vẫn “kinh hoàng” mỗi khi cô M. Sử (cô M. dạy Sử - người viết) vào lớp. 

Chuyện bạn Đệ hỏi ngược, "cô có thuộc lòng cả bài không? Nếu cô thuộc, xin cô làm ơn đọc cho chúng em mở tầm mắt ạ”. Cô không dám đọc, nhờ vậy mà chúng mình thoát cảnh cô Sử hành hạ”.

Rất nhiều giáo viên hiện nay quan niệm học sinh như một cái “bồ”, kiến thức trong sách giáo khoa như “thóc”, cứ nhét kiến thức vào đó là có lợi cho học trò; để “nhét” đơn giản nhất là bắt học thuộc lòng. 

Ám ảnh thuộc lòng đề cương, văn mẫu

Cứ vào kỳ kiểm tra, học trò về nhà à ê học thuộc lòng đề cương thầy cô soạn sẵn. Nếu đề ra khác đề cương đành chịu, cứ chép nguyên câu trả lời, đúng sai không phân biệt. 

Nhiều người cho rằng, bắt ép học sinh học thuộc sẽ “tẩu hỏa nhập ma, nhìn gà hóa cuốc”. Hậu quả của việc bắt ép học sinh học thuộc chính là tâm lý sợ học. Sẽ học tốt sao được khi thầy cô giáo bước vào lớp là học sinh … đã sợ, đã ghét!

Học thuộc lòng, học sinh không còn là chính mình, mọi sáng tạo bị bóp chết trong trứng nước. Phải nói, phải làm, phải viết theo bài mẫu, học thuộc lòng chỉ là tạo ra những bản sao “nhàu nát”.  

Giải pháp nào khi thầy cô cứ “ngược dòng lịch sử” bắt ép học sinh học thuộc lòng? 

Gia đình thấy con mình cứ phải học kiểu “tam tự kinh” biết ngay là đang lối mòn học thuộc, cần liên hệ với hiệu trưởng, phản ánh và đề nghị can thiệp để giáo viên thay đổi phương pháp. 

Dạy ngoan ngoãn, vâng lời là biến trẻ thành thụ động
Dạy ngoan ngoãn, vâng lời là biến trẻ thành thụ động

Về phía lãnh đạo nhà trường, cần tham gia dự giờ thăm lớp, chỉ cần một tiết học là phát hiện ngay “bệnh học thuộc lòng” của giáo viên; có giải pháp kịp thời để giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, đổi mới kiểm tra đánh giá. 

Với giáo viên, thời đi học mình ghét cái gì, đừng trao lại học trò cái ấy; phương pháp “học thuộc lòng” đã quá cũ trong thời đại 4.0.

Với những kiến thức cần học thuộc lòng, nên thay đổi phương pháp tiếp cận kiến thức tích cực nhất; làm cho bản thân học sinh có “nhu cầu” học thuộc, lúc đó học thuộc lòng không còn ám ảnh các em.

Học sinh học hiểu, ghi nhớ điều mình hiểu, mình muốn sẽ nhớ lâu suốt cuộc đời; tạo hứng thú cho các em qua cách liên hệ thực tế… khi học sinh có hứng thú học tập, có cảm hứng do thầy cô truyền sang, nguồn năng lượng tích cực ấy hơn vạn lần thuộc lòng. 

Có hứng thú, có cảm hứng, học sinh sẽ tự học, giáo viên chỉ làm người hướng dẫn, người bạn; cả thầy và trò đều hạnh phúc.

Những ngày đến trường, mỗi giờ học, học sinh được hạnh phúc; ký ức hạnh phúc sẽ đem chân học trò đến với người gieo mầm; thầy cô sẽ là người hạnh phúc nhất mỗi khi Xuân về, Tết đến. 

Hồ Oanh