Quá tải tiểu học không chỉ tại chương trình

26/05/2017 07:00
Thuận Phương
(GDVN) - Các em học sinh tiểu học mới chỉ trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi nhưng hàng năm phải "gánh" hơn chục cuộc thi căng thẳng và áp lực...

LTS: Chia sẻ quan điểm về việc quá tải chương trình bậc tiểu học, cô giáo Thuận Phương cho rằng học sinh không chỉ áp lực bởi việc học hành trên lớp mà còn bởi những kì thi ganh đua trong trường.

Theo đó, nhiều phụ huynh cũng đã lên tiếng xin rút con khỏi danh sách đi thi để mệt mỏi cho các cháu

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vài năm trở lại đây, trước những thông tin chương trình tiểu học đang là gánh nặng cho học sinh, ngành giáo dục đã cho điều chỉnh bớt lượng kiến thức, cụ thể.

Theo đó, những bài khó, dài thì bớt đi, những bài trùng không dạy lại, bớt một số bài tập cho học sinh. 

Giáo viên dạy theo chuẩn kiến thức kĩ năng cho tất cả các đối tượng, dạy nâng cao cho một số học sinh khá giỏi. 

Trong thực thế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy: quá tải tiểu học không chỉ tại chương trình mà các cuộc thi ở bậc tiểu học hiện nay đã và đang góp phần làm tăng tải.

Các em học sinh tiểu học trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi, nhưng hàng năm phải "gánh" hơn chục cuộc thi. 

Nhẹ một chút là cuộc thi do các doanh nghiệp tài trợ, tìm hiểu biển đảo, viết thư UPU rồi thi tìm hiểu về Đoàn, Đội, nghi thức Đội viên đến cuộc thi sáng tạo trẻ, tin học trẻ không chuyên, thi tiếng Anh do Trung tâm ngoại ngữ tổ chức…

Nhưng căng thẳng và áp lực nhất là những cuộc thi: Vở sạch chữ đẹp, violympic Toán, tiếng Anh phải trải qua ba cấp: trường, thị và cấp tỉnh. 

Học sinh tiểu học phải tham gia quá nhiều cuộc thi ganh đua. (Ảnh: TTXVN)
Học sinh tiểu học phải tham gia quá nhiều cuộc thi ganh đua. (Ảnh: TTXVN)

Để đạt được thành tích xứng tầm với “thương hiệu” của trường hay vươn lên giành “thương hiệu” của những trường chưa tên tuổi là cả một chiến lược của các nhà quản lí. 

Vào đầu năm học, nhà trường đưa danh sách xuống các tổ đăng kí chỉ tiêu thi đua, ngoài một số chỉ tiêu bắt buộc như tỉ lệ lên lớp thẳng, tỉ lệ học sinh khá, giỏi. 

Các lớp phải đăng kí chỉ tiêu của các phong trào mũi nhọn: vở sạch chữ đẹp, violympic Toán, tiếng Anh cấp thị, cấp tỉnh. 

Sau đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp sàng lọc và chọn học sinh vào đội tuyển để có kế hoạch bồi dưỡng. Những gương mặt được cô gửi gắm chủ yếu là học sinh giỏi thuộc tốp đầu của lớp nhiều em “mâm” nào cũng có.

Thầy trò “đánh vật” với bài vở

Áp lực và vất vả nhất cho cả thầy và trò là cuộc thi Toán violympic. Có thể nói, kiến thức các em học trong chương trình chỉ bằng một phần mười kiến thức Toán trong cuộc thi. 

Nhiều bài thầy cô giải cũng vật vã mới xong. Có lần, giáo viên lớp 3 nhận được cuộc điện thoại của phụ huynh: Tôi học Thạc sĩ, mà giải hoài không ra bài Toán, thì làm sao con tôi giải được? 

Sao thầy cô bắt chúng học nặng thế? Học sinh lớp 1, đọc chưa thông viết chưa thạo mà đề toán nhiều em lớp 12 giải cũng không được.

Ví dụ: An cho Bình 5 viên bi, Bình cho Cường 3 viên bi, Cường cho An 2 viên bi. Số bi của ba bạn bằng nhau và bằng 15 viên. Hỏi lúc đầu An có mấy viên bi? 

Có phụ huynh gọi điện nói thẳng thừng “Cô loại cháu trong danh sách đội tuyển đi nhé, tôi không muốn con mình phải nát óc với những bài toán như vậy”.

Quá tải tiểu học không chỉ tại chương trình ảnh 2

Những nút thắt và khó khăn khi áp dụng Thông tư 22 về đánh giá học trò

Để hướng dẫn cho các em hiểu cách làm toán nâng cao, tối tối, các thầy cô phải đóng vai là những học sinh khối lớp mình dạy, vào mạng giải bài để lấy đề hướng dẫn cho các em làm trên giấy. 

Sau đó, giáo viên dẫn lên các em lên phòng vi tính giải vào máy. Nhiều em lập vài nick giải đi giải lại cho thuộc dạng toán mới thôi. 

Quy định của Bộ nêu rõ: Tuyệt đối không yêu cầu học sinh làm thêm bài tập ở nhà với học sinh học 2 buổi/ ngày. Nhưng những em học sinh trong đội tuyển luôn được cô giao rất nhiều bài tập nâng cao để ôn luyện. 

Thường thì trên lớp, giáo viên kèm riêng các em ở các tiết ôn tập, sau giờ học hay giờ ra chơi. 

Nhưng khổ nhất là gần ngày thi các cấp, vì áp lực thành tích nên thầy cô luôn dành thời gian để luyện cho các em trong đội tuyển, đôi khi bỏ bê các em học sinh khác. 

Nhiều em chiều đi học về, chưa kịp ăn cơm đã vội vã đến các “lò luyện thi violympic” học tiếp. 

Hết kì thi cấp này, chưa kịp xả hơi lại chuẩn bị lao vào ôn luyện để thi cấp khác. Ngày các em vào phòng thi, thầy cô đứng ngồi không yên, rồi điện thoại các nơi xem trường bạn bao nhiêu em đỗ… để vui và buồn…

Chúng ta cứ “nói không với bệnh thành tích” nhưng việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi trong năm như hiện nay đã và đang tạo ra một cuộc “ganh đua” ngấm ngầm giữa các trường mà người chịu nhiều áp lực nhất là thầy cô đứng lớp và các em học sinh.

Thuận Phương