Sách giáo khoa mới xin đừng mắc những lỗi này

22/02/2018 07:31
Phan Tuyết
(GDVN) - Chương trình sách giáo khoa 2000 bị đánh giá là “đầy sạn” thế nhưng chương trình VNEN vẫn y sao bản chính kể cả những lỗi sai mà nhiều chuyên gia đã góp ý.

LTS: Với mong muốn chương trình sách giáo khoa mới đừng đi theo lối mòn của chương trình VNEN, cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết phân tích và chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chương trình sách giáo khoa năm 2000 bị đánh giá là “đầy sạn” thế nhưng chương trình VNEN vẫn y sao bản chính kể cả những lỗi sai mà nhiều giáo viên, các chuyên gia giáo dục đã góp ý.

Liệu rồi chương trình sách giáo khoa mới sắp tới đây có đi theo lối mòn đó? Những người quan tâm đến giáo dục thật sự lo lắng khi nghe phát biểu của cựu Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:

"Bộ sách giáo khoa VNEN" sẽ được chỉnh lí, hoàn thiện để trở thành 1 trong những bộ sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Mong sách giáo khoa mới xin đừng mắc lỗi (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).
Mong sách giáo khoa mới xin đừng mắc lỗi (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).

Xin đừng mắc những lỗi này

Ở lớp 1, nội dung sách giáo khoa còn sử dụng nhiều từ địa phương, từ ít thông dụng như từ: quả nhót, hoa mua, trẩy…phần học vần lớp 1, nếu học sinh học xong phần vần khi đọc thêm các văn bản ngoài như báo, truyện… nếu gặp vần khó thường không đọc được.

Nguyên nhân do các vần khó đọc như: uyt, oeo, oao, uyu, oong… không dạy ở phần vần và đưa vào các bài tập sau mỗi bài tập đọc ở phần Luyện tập tổng hợp.

Lớp 2, bài “Mùa nước nổi”, “Bố đi câu về” có nhiều từ khó, từ khó hiểu, khó giải thích và đôi khi thiếu thực tế với học sinh lớp 2 như: cà cuống, niềng niễng đực, niềng niễng cái…

Hay lỗi chính tả: “Lời ve kim da diết”, hay như cụm từ ứng dụng học sinh khó hiểu: “Xuôi chèo mát mái”, những câu thành ngữ gây tranh cãi “chôn rau cắt rốn”, “hai sương một nắng”…

Cũng ở môn Tiếng Việt lớp 2, bài 3, tuần thứ 3 có bài tập với nội dung: Tìm những từ nói lên phẩm chất của nhân dân Việt Nam; yêu cầu học sinh tìm những loại cá nước mặn, nước ngọt: Đây là một bài tập quá khó, vượt khả năng của một học sinh lớp 2. 

Nội dung ở một số tiết Luyện từ và câu còn mang tính rập khuôn (vì học sinh chỉ biết dựa vào câu mẫu).

Đối với học sinh lớp 3, trong phần Tập làm văn, bài kể về Lễ hội, trong khi đó vốn hiểu biết của học sinh chưa phong phú về Lễ hội, có nhiều địa phương không có tổ chức Lễ hội bao giờ và nhiều học sinh chưa bao giờ được xem một lễ hội nào cả, đã thế sách không có hệ thống câu hỏi gợi ý để định hướng.

Số lượng bài tập nhiều, khó, khiến cho học sinh khó thực hiện được đầy đủ. Tuần thứ nhất thuộc phần Tập làm văn có bài nói về Đội Thiếu niên Tiền Phong như tên gọi, ai là những đội viên đầu tiên… trong khi học sinh lớp 3 chưa đủ tuổi vào Đội...

Hay như phần Tự nhiên - Xã hội, bài 7: Hoạt động tuần hoàn, một số nội dung kiến thức chưa phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh lớp 3.

Sách giáo khoa mới xin đừng mắc những lỗi này ảnh 2Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN?

Bài Tập đọc lớp 3: yêu cầu học sinh thuộc địa chỉ, ngày sinh của bạn; yêu cầu học sinh viết thư hỏi thăm ông, bà khi được tin quê nhà bị bão.

Ở môn Tiếng Việt lớp 3, số lượng bài tập nhiều, khó khiến cho học sinh khó thực hiện được đầy đủ như hãy tìm các từ ngữ: Chỉ tri thức, chỉ hoạt động của tri thức.

Phân môn Tập làm văn chưa sát với vùng miền. Bài Kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem rất khó cho học sinh vùng nông thôn, xa trung tâm đông dân cư, nên học sinh không thể kể lại được.

Bài Kể lại một vị anh hùng mà em biết, học sinh lớp 3 chưa học danh nhân lịch sử, sang lớp 4,5 các vị anh hùng như Lí Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt...các em mới được học.

Tranh ảnh của 1 số vị anh hùng dân tộc, tranh ảnh để minh họa các bài Tập đọc, Kể chuyện không có để giảng dạy. Hay yêu cầu “Viết thư cho người bạn nước ngoài”…

Môn Đạo đức lớp 3 còn một số bài khó, chưa phù hợp với điều kiện một số địa phương như bài: Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế, Tôn trọng khách nước ngoài...

Đối với lớp 4, phần tiếng Việt, trang 68 về Chủ ngữ trong câu kể Ai là gì? Thì phần Chủ ngữ trong câu 2 (bài 1 - phần Luyện tập) “Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm của bông phượng”, không phù hợp với nội dung ghi nhớ: Chủ ngữ trong câu Ai là gì thường do danh từ hoặc cụm từ hoặc cụm danh từ tạo thành. Nguyên nhân là Buồn, vui trong chủ ngữ không thuộc từ loại nói đến trong ghi nhớ.

Về Địa lý, nội dung về Thủ đô Hà Nội thì các số liệu như số dân, diện tích, lược đồ quá cũ so với sự thay đổi của thực tế.

Phân môn Tập làm văn lớp 4 các loại bài bị chia nhỏ thành từng phần, chương trình bố trí bị gián đoạn, các mảng kiến thức không liền mạch.

Tuần 19 học sinh đang học kiểu bài văn Miêu tả. Tuần 20 chương trình xen vào bài Luyện tập giới thiệu địa phương. Tuần 21, 22, 23 học kiểu bài Miêu tả. Đến tuần 24 lại xen vào kiểu bài Tóm tắt tin tức. Sang tuần 25, 26 lại học kiểu bài văn miêu tả.

Việc sắp xếp nội dung các bài học, bài thực hành ở phân môn Tập làm văn còn bị đứt đoạn, chưa liền mạch như vậy khiến cho học sinh gặp nhiều khó khăn khi nhận dạng thể loại làm văn và vận dụng, thực hành.

Ở môn Tiếng Việt lớp 5: phân môn Tập làm văn cũng gặp khó khăn như trên trong việc sắp xếp chương trình.

Cụ thể là: Từ tiết 1 đến tiết 3 các em được học về Luyện tập về tả cảnh, nhưng tiết 4 các em lại học Luyện tập về Báo cáo thống kê. Sang tiết 6 các em lại quay về Luyện tập về tả cảnh, đến tiết 11 lại Luyện tập làm đơn. Rồi tiết 12 lại lui về Luyện tập về tả cảnh. Hoặc phần Tả người, đang dang dở lại đưa vào phần Đơn từ, biên bản. Rồi lại Tả người. Thời lượng phân chia ở các tiết Lập dàn ý không hợp lý.

Sách giáo khoa mới xin đừng mắc những lỗi này ảnh 3Nguy cơ chương trình sách giáo khoa bình mới, rượu cũ, Bộ “đổ xô đi làm dự án"

Phân môn Kể chuyện: Loại bài Chứng kiến và tham gia, yêu cầu học sinh kể những di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác.

Điều này là gây khó khăn cho học sinh khi kể chuyện. Vì trên thực tế đâu phải em nào cũng đến được những địa danh trên?

Môn Khoa học lớp 5 "Bài 5: Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe?" của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nội dung dạy trẻ về việc Phụ nữ có thai nên và không nên làm gì? Tại sao? Thông qua các hình ảnh minh họa bài học đưa ra, phụ nữ có thai cần:

Ăn uống đủ chất; Không dùng chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, rượu, ma túy... Nghỉ ngơi nhiều hơn, tinh thần thoải mái. Tránh lao động nặng, tránh tiếp xúc với chất độc hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...Đi khám thai định kỳ ba tháng một lần.Tiêm vắc-xin phòng bệnh và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Ở môn Toán phần minh họa môn Toán bài “Tiền Việt Nam” không còn phù hợp với thực tế, các tờ tiền mệnh giá nhỏ, học sinh ít có cơ hội làm quen và sử dụng trong thực tế.

Bài về ngày, tháng, năm những tờ lịch in từ năm 2012 và yêu cầu phần thực hành cũng ghi hẳn xem lịch 2012 để trả lời.

Ngoài những nội dung khó, thiếu thực tế nêu trên. Một số chương trình của lớp trên còn được đưa xuống lớp dưới để dạy học nhưng khi cập nhật những kiến thức này học sinh còn gặp nhiều khó khăn như cộng trừ trong phạm vi 100 của lớp 2 đưa xuống lớp 1; Phép nhân của lớp 3 đưa xuống lớp 2; Bốn phép tính của phân số của lớp 5 đưa xuống lớp 4…

Với Toán lớp 5 đã đưa phần hình học, đặc biệt là hình học không gian, Toán chuyển động, đưa vào sớm, nội dung khó cho nhiều học sinh không nắm được bản chất vì khả năng tư duy của các em còn hạn chế.

Có thể còn liệt kê ra khá nhiều những bất hợp lý trong chương trình sách giáo khoa năm 2000. Và những bất cập này vẫn được copy y chang vào chương trình VNEN. Khá nhiều cuốn sách giáo khoa tái bản đến mấy lần vẫn không được chỉnh sửa.

Hy vọng các nhà biên soạn sách lần này phải tìm hiểu thật kĩ những bất cập, những tồn tại để tránh lập lại trong chương trình mới sắp tới đây.

Phan Tuyết