Sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều nhiều "sạn", có nên thay?

15/10/2020 06:17
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu nội dung trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có sai sót thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về hội đồng thẩm định.

Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 ở bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1.

Ngay lập tức Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 17/10.

Trước yêu cầu này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều chuyên gia đặt ra băn khoăn rằng: Ai sẽ là người thẩm định, rà soát lại nội dung trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1? Có nên tiếp tục để hội đồng thẩm định hiện có làm công tác rà soát, thẩm định lại hay thành lập một hội đồng thẩm định độc lập khác? Khi thẩm định phát hiện sai sót thì có nên tiếp tục để thầy trò học cuốn sách Tiếng Việt này nữa không?

Sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 ở bộ sách Cánh Diều

Sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 ở bộ sách Cánh Diều

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng:

“Tất nhiên khi đã rà soát, thẩm định lại thì không thể dùng hội đồng đã có làm công tác này, bắt buộc phải thành lập một hội đồng thẩm định khác.

Bởi lẽ, hội đồng thẩm định hiện hành vì không làm đến nơi đến chốn nên mới để tồn tại lỗi như dư luận đã chỉ ra, giờ lại để chính họ thẩm định lại thì không khách quan.

Cần phải thành lập hội đồng thẩm định khác với những thành viên mới, sau khi đã rà soát xong nội dung trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 đối chiếu với những nội dung mà hội đồng thẩm định hiện tại đã thực hiện, nếu có phát hiện sai sót thì cần phải nghiêm túc xử lý hội đồng thẩm định hiện tại bởi đã không làm tròn trách nhiệm với nhà nước. Nếu tác giả không sửa thì phải thay sách Tiếng Việt của bộ sách giáo khoa khác”.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì cho rằng, nếu nội dung trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có sai sót thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về hội đồng thẩm định. Bởi đây là hội đồng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ quan trọng mà để xảy ra sai sót thì phải chịu trách nhiệm.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: “Có thể trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có “sạn” chứ không phải toàn bộ cuốn sách đó đều có sai sót, do đó có “sạn” thì cùng nhau chỉnh sửa chứ không nên bỏ cuốn sách này bởi lẽ nếu bỏ sẽ gây thiệt hại cho nhà trường và phụ huynh làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Bởi lẽ, khi nhà trường chọn sách Cánh Diều thì giáo viên đã được tham gia tập huấn sách đó, giờ thay sách khác sẽ gây ảnh hưởng tới công tác giảng dạy của giáo viên bởi chưa qua tập huấn.

Hơn nữa, khi nhà trường chọn sách Cánh Diều nên biết bao gia đình đã mua cuốn sách này cho con cái học hành, giờ bảo không dùng nữa, thay sách thì buộc phụ huynh lại phải mua sách khác, điều này gây tốn kém vô cùng cho phụ huynh và gây ra nhiều hệ lụy khác”.

Có khá nhiều dư luận xã hội cho rằng những câu văn đọc lủng củng, trúc trắc. Ảnh: Tùng Dương

Có khá nhiều dư luận xã hội cho rằng những câu văn đọc lủng củng, trúc trắc. Ảnh: Tùng Dương

Chính vì vậy, theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, hiện nay hàng ngàn, hàng vạn giáo viên đã có sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong tay, thầy cô chính là người trực tiếp sử dụng sách nếu thấy gì không đúng, không chuẩn mực thì gửi góp ý trực tuyến về cho hội đồng thẩm định để hội đồng tập hợp lại và mời nhóm tác giả lên đối thoại. Khi hai bên trao đổi và đi đến thống nhất, nội dung gì cần sửa thì có văn bản hướng dẫn, đính chính gửi các trường để giáo viên dựa vào đó để điều chỉnh.

Được biết, việc đánh giá, thẩm định sách giáo khoa dựa trên 4 tiêu chuẩn với 13 tiêu chí được quy định ở Thông tư 33 năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Cụ thể như sau:

Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa

1. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. 2. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.

Nội dung sách giáo khoa

3. Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

4. Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng.

5. Các thành tựu khoa học mới liên quan đến chương trình môn học, hoạt động giáo dục được cập nhật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

6. Những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được thể hiện hợp lý.

Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa

7. Các bài học trong sách giáo khoa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.

8. Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.

Cấu trúc sách giáo khoa

9. Cấu trúc sách giáo khoa có đủ các thành phần cơ bản sau: phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. 10. Cấu trúc bài học trong sách giáo khoa bao gồm các thành phần cơ bản sau: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.

Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa và hình thức trình bày sách giáo khoa

11. Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa là tiếng Việt (trừ sách giáo khoa ngoại ngữ và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số), bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm, đơn vị đo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

12. Hình thức trình bày sách giáo khoa cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ.

13. Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ trong sách giáo khoa rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mỹ, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi học sinh và chỉ rõ nguồn trích dẫn.

Linh Hương