Sân khấu hóa văn học rất cần thiết, kỷ luật sẽ làm thầy trò sợ hãi

31/03/2019 06:07
Trinh Phúc
(GDVN) - Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: "Nếu gặp trường hợp chưa phù hợp thì chỉ nên khuyến cáo, nên khuyên để học sinh điều chỉnh và tự tìm ranh giới phù hợp".

Thầy Phạm Quốc Đạt – giáo viên Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật không được giảng dạy vì để học trò sân khấu hóa một số trích đoạn trong các tác phẩm văn học đang trở thành đề tài tranh luận.

Trong khi có nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ thầy Đạt thì cũng không ít ý kiến phản đối cho rằng giáo viên để học trò sân khấu hóa một số tình tiết nhạy cảm trong văn học là không nên.

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vụ việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Giáo sư, nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử cho rằng: "Dùng hành chính để mà gây một sự đã kích, khó khăn làm cho học sinh sợ hãi và thầy giáo sợ hãi không làm nữa sẽ có tác hại đối với giáo dục".
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử cho rằng: "Dùng hành chính để mà gây một sự đã kích, khó khăn làm cho học sinh sợ hãi và thầy giáo sợ hãi không làm nữa sẽ có tác hại đối với giáo dục".

Bày tỏ quan điểm của mình, thầy Trần Đình Sử cho rằng: "Để học sinh phát huy tính tích cực, trực quan, sáng tạo thì việc sân khấu hóa để các em tham gia hoạt động là điều tốt.

Điều này hoàn toàn tích cực không có gì phải bàn".

Thầy Sử cũng cho rằng: "Trong quá trình thực hiện sân khấu hóa nhất định các em phải sáng tạo.

Trong việc này cũng có thể có những hình ảnh, những biểu hiện chưa phù hợp. Khi gặp như vậy thì tìm cách điều chỉnh".

Lý giải thêm, thầy Trần Đình Sử nói: "Trong mọi việc làm đều luôn có những ranh giới giữa cái tốt đẹp và cái chưa phù hợp và ranh giới ấy là ranh giới thực tế, không có văn bản, không có quy luật.

Cái đó, người ta chỉ xử lý bằng cảm giác, hợp lý hoặc không hợp lý.

Cho nên, đối với hiện tượng như vậy thì nhà trường nên khuyến cáo nên thế nào, nên thế kia chứ không thể dùng hành chính để mà gây một sự đã kích khó khăn làm cho học sinh sợ hãi và thầy giáo sợ hãi không làm nữa.

Điều này tác hại đối với giáo dục".

Học sinh trường Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đang sân khấu hóa trích đoạn Tám Bính bị hãm hiếp trong giờ học văn ngoại khóa (ảnh chụp từ VTV 24h).
Học sinh trường Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đang sân khấu hóa trích đoạn Tám Bính bị hãm hiếp trong giờ học văn ngoại khóa (ảnh chụp từ VTV 24h).

Giáo sư Trần Đình Sử còn cho rằng: "Nếu gặp trường hợp chưa phù hợp thì chỉ nên khuyến cáo, nên khuyên để học sinh điều chỉnh và tự tìm ranh giới phù hợp.

Cái ranh giới này không ai quy định được cả. Ranh giới giữa cái có thể làm, chưa nên làm hoặc không nên làm.

Đó là những ranh giới rất tinh tế, tế nhị mà không có bất cứ quy định nào cả. Đã không có quy định thì không có quyền kỷ luật hay xử lý.

Ta chỉ có quyền khuyên cái đó hơi quá, cái đó không đẹp, hơi thô thiển, nên sửa lại thế này hay thế kia.

Còn nếu kỷ luật khiến học sinh và giáo viên sợ không làm nữa vì sợ thì cuối cùng không dám sáng tạo".

Sân khấu hóa văn học rất cần thiết, kỷ luật sẽ làm thầy trò sợ hãi  ảnh 3Đừng vội vàng quy kết dung tục, khi học sinh sân khấu hóa trích đoạn văn học

Thầy Trần Đình Sử nhấn mạnh: "Ranh giới này là ranh giới nhạy cảm nhưng cũng rất là tinh tế, rất mong manh, không ai quy định. Không quy định thì dựa vào đâu mà kỷ luật người ta.

Có nhiều dư luận tỏ ra mình đạo đức một cách cứng nhắc, cái đó là một sai lầm. Cái đó là có hại cho giáo dục".

Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng đưa tin, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc sáng tạo của nhà giáo rất cần thiết, phải được ủng hộ.

Việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học thì nhiều người đã làm chứ không phải thầy giáo Phạm Quốc Đạt đầu tiên.

Tuy nhiên, thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, tính sáng tạo phải đảm bảo được tính giáo dục, tính thẩm mỹ.

Đi sâu vào vụ việc của thầy Phạm Quốc Đạt, thầy Tùng Lâm cho rằng, phải cần một hội đồng chuyên môn để thầy Đạt trình bày, và học sinh diễn thử để người làm văn học, nghệ thuật có trình độ xem và đánh giá có phản cảm hay không.

Thầy Tùng Lâm nhấn mạnh: “Nếu chỉ dùng hình ảnh thôi thì chấp nhận được” và cho rằng, khi có một hội đồng thẩm định thì sẽ khách quan.

Việc thầy Đạt làm đúng hay làm sai phải có hội đồng nghệ thuật, sư phạm đánh giá còn nếu một mình hiệu trưởng cảm nhận đánh giá là không khách quan.

Sân khấu hóa văn học rất cần thiết, kỷ luật sẽ làm thầy trò sợ hãi  ảnh 4Thầy giáo kiện trường Võ Trường Toản ra tòa nộp đơn xin ra khỏi Công đoàn

Cuối cùng thầy Tùng Lâm khẳng định: “Không được áp đặt ý chí cá nhân làm thui chột sáng tạo nhưng cũng không được làm bừa bãi, sáng tạo một cách thái quá phản giáo dục”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 28/1/2019, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản – ông Lương Văn Định đã có các thông tin cung cấp cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về trường hợp thầy Phạm Quốc Đạt bị kỷ luật cảnh cáo.

Có rất nhiều nguyên nhân mà thầy Đạt bị kỷ luật, nhưng việc mới nhất là thầy Đạt tổ chức chương trình sân khấu hóa các tác phẩm Văn học, nhưng không có đơn, kế hoạch gửi Ban Giám hiệu nhà trường đúng như quy định.

Thầy Phạm Quốc Đạt chỉ giải thích, do các đời Hiệu trưởng cũ không yêu cầu làm việc này (ông Định mới về làm Hiệu trưởng từ đầu năm học này), nên thầy Đạt chỉ báo miệng, và tự ý đưa học sinh ra ngoài học ngoại khóa.

Các tiết mục sân khấu hóa tác phẩm Văn học, thầy Đạt không kiểm tra kỹ, dẫn đến việc học sinh thể hiện, đóng các cảnh nhạy cảm, có cả video clip chứng minh, lọt ra bên ngoài, khiến cho phụ huynh và giáo viên của trường bức xúc.

Trong khi đó, thầy Phạm Quốc Đạt cho biết, ngày 18/3/2019, sau một thời gian nhà trường không thay đổi quyết định kỷ luật mình, thầy Đạt đã quyết định nộp đơn kiện nhà trường, đại diện là ông Lương Văn Định – Hiệu trưởng ra Tòa.

Trinh Phúc