Siết chặt đầu vào ngành sư phạm là nâng cao chất lượng nền giáo dục

18/09/2021 06:29
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một nhà giáo giỏi không đơn thuần chỉ biết truyền đạt kiến thức giỏi mà phải biết khơi gợi cho học trò tinh thần chủ động khám phá tri thức.

Vài năm gần đây, chúng ta thấy điểm đầu vào của các trường sư phạm trên cả nước đã khả quan hơn 5-10 năm về trước bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định ngưỡng đầu vào đối với việc tuyển sinh sư phạm.

Đặc biệt, một số em đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh cũng đã nộp đơn xét tuyển vào các trường đại học sư phạm. Năm nay có những khoa trong ngành sư phạm công bố lấy điểm chuẩn đầu vào lên đến 30,50 điểm - đây là những tín hiệu tích cực đối với ngành giáo dục.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế chung thì chúng ta thấy chất lượng đầu vào của nhiều trường sư phạm vẫn còn khiêm tốn, không tuyển được nhiều thí sinh giỏi thực sự. Điều đó dẫn tới khó tìm được những nhà giáo giỏi đúng nghĩa để bổ sung nhân lực cho ngành giáo dục.

Giải được bài toán đầu vào, đầu ra và những chính sách ưu đãi cho người học sư phạm và công tác trong ngành giáo dục vẫn đang là một bài toán hóc búa với các cơ quan quản lý.

Trong hội nghị trực tuyến của ngành giáo dục với các địa phương vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu yêu cầu cần có giải pháp thu hút người giỏi vào ngành sư phạm; lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực bên cạnh yêu cầu lấy học trò làm trung tâm.

Ngành giáo dục cần có chính sách thu hút được nhiều người giỏi. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Ngành giáo dục cần có chính sách thu hút được nhiều người giỏi. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Loay hoay bài toán chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm

Chúng ta đều biết, muốn nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà thì việc đầu tiên là ngành giáo dục phải có một đội ngũ nhà giáo giỏi, tâm huyết.

Một nhà giáo giỏi không đơn thuần chỉ biết truyền đạt kiến thức giỏi mà phải biết khơi gợi cho học trò tinh thần tự chủ trong học tập, chủ động khám phá tri thức.

Người thầy giỏi phải biết định hướng, khích lệ cho học trò có ý thức học tập, cầu tiến để trở thành những công dân tốt, biết làm chủ bản thân và cống hiến cho xã hội sau này.

Muốn vậy, nhà giáo không đơn thuần là những người truyền thụ kiến thức mà phải là một chuyên gia giáo dục để hiểu, đồng cảm, sẻ chia, tiếp sức cho học trò trong quá trình học tập ở khi còn học trên ghế nhà trường.

Song, vì nhiều lý do khác nhau nên hiện nay những nhà giáo là chuyên gia giáo dục còn ít mà những nhà giáo là chuyên gia truyền đạt kiến thức lại nhiều hơn. Nói nôm na như mọi người hay nói thì nhiều nhà giáo là những “thợ dạy” ở các nhà trường. Vì sao vậy?

Trước hết, chúng ta thấy rằng đã nhiều năm, có những trường sư phạm có điểm đầu vào khá thấp, thậm chí chỉ tuyển được thí sinh ở mức điểm sàn [1] theo quy định bởi những thí sinh có số điểm cao lại không thiết tha xét tuyển vào khối trường sư phạm.

Đặc biệt, nhiều năm qua thì có các trường sư phạm đã kết hợp rất nhiều hình thức xét tuyển đầu vào khác nhau.

Trong đó, có hình thức xét tuyển bằng học bạ mà xét tuyển bằng học bạ thì độ chính xác về học lực thường không cao bởi cứ nhìn vào điểm số mà các địa phương báo về Bộ sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì chúng ta sẽ hiểu được bản chất của vấn đề. Bởi, có những môn học của một số địa phương chênh lệch đến trên 3 điểm [2].

Điểm trung bình các môn của các tỉnh đa phần toàn là khá, giỏi nhưng so với điểm thi thì nhiều môn lại có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi, kiến thức của các đề thi không phải là quá cao vì đề thi bao giờ cũng hướng tới 2 mục đích là xét tuyển đại học và xét tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm trong những năm qua khá nhiều ở các địa phương. Chẳng hạn như năm 2018 và 2019 con số sinh viên ra trường không có việc làm ngay lên đến 40.000 cử nhân sư phạm [3].

Nhiều người phải đến các tỉnh, thành khác để tìm cơ hội việc làm, hoặc ở lại quê hương thì phải dạy hợp đồng có thời hạn bằng những đồng lương èo uột để chờ cơ hội.

Nhiều người chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề, thậm chí có những cử nhân sư phạm đã đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, hoặc đi học nghề ở các trường nghề để tìm cơ hội việc làm ở một ngành nghề khác.

Nếu may mắn có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo là được đứng lớp thì đồng lương giáo viên những năm đầu lại quá ít ỏi và những áp lực vô hình trong quá trình công tác cũng khiến cho nhiều giáo viên mai một tình yêu đối với nghề dạy học.

Trước thực tế đó, nhiều học sinh lớp 12 không mặn mà với khối ngành sư phạm dù đây là một trong số ít ngành học được miễn học phí (trước đây) và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng (hiện nay).

Làm sao để mỗi nhà giáo là một chuyên gia giáo dục?

Là một nghề được xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” nhưng phải thừa nhận sức hút của khối ngành sư phạm trong khoảng 15 năm qua không còn nữa. Những thí sinh chọn khối ngành sư phạm vì yêu nghề ngày càng ít dần.

Những thí sinh chọn ngành sư phạm vì một phần định hướng nghề nghiệp của cha mẹ hoặc là những thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thấy chi phí học tập cho 4 năm ở trường sư phạm thấp hơn và được cấp tiền sinh hoạt phí nên các em lựa chọn…Tuy nhiên, nhiều cử nhân sư phạm đã vỡ mộng khi ra trường vì không tìm kiếm được cơ hội việc làm.

Vì thế, chúng tôi cho rằng để nâng cao được chất lượng đầu vào, đầu ra của khối ngành sư phạm cũng như phát huy được năng lực, phẩm chất của các nhà giáo khi đã công tác trong ngành giáo dục thì phải giải quyết được những vấn đề cơ bản hiện nay, đó là:

Thứ nhất: Ngành giáo dục cần phải quy hoạch lại hệ thống khối trường sư phạm trên cả nước hiện nay. Phải xác định được những trường sư phạm đào tạo nhân lực trọng điểm, trường sư phạm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ở các địa phương.

Bộ cần thiết đánh giá toàn diện chất lượng từ mô hình đào tạo giáo viên 4 năm và mô hình tiếp nối tại đại học giáo dục và các khoa sư phạm trong đại học đa ngành. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án đào tạo giáo viên phù hợp với từng vùng cụ thể.

Bên cạnh đó, công tác dự báo nhân lực, giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm cần phải khoa học, chính xác để tránh tình trạng cung vượt quá cầu làm lãng phí chất xám của người học và lãng phí kinh phí Nhà nước cấp cho người học và các trường đào tạo khối sư phạm.

Thứ hai: Cần phải nâng cao được chất lượng tuyển sinh đầu vào của khối trường sư phạm để tương xứng với vị thế của một nghề “dạy người”.

Muốn làm được điều này thì các trường sư phạm hạn chế phương án, thậm chí là bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ bởi một khi bệnh thành tích ở các trường phổ thông chưa được chặn lại thì điểm số cũng chỉ là bề nổi hào nhoáng mà thôi.

Thứ ba: Bên cạnh việc cấp sinh hoạt phí hàng năm cho sinh viên thì khâu then chốt nhất, căn cơ nhất là phải giải được bài toán “đầu ra” cho sinh viên sư phạm.

Nếu sinh viên ra trường không có việc làm thì việc cấp sinh hoạt phí khi học sư phạm cũng không có nhiều ý nghĩa mà gây lãng phí cho xã hội. Lãng phí về tiền bạc, lãng phí về công sức học tập, đào tạo mà sức hút của khối ngành sư phạm ngày càng mai một trong mắt nhiều người.

Thứ tư: Các Sở Giáo dục, Sở Nội vụ ở các địa phương phải có những phương án tuyển dụng viên chức ngành giáo dục thật công tâm, khách quan. Tuyệt đối không để tình trạng tiêu cực xảy ra trong quá trình tuyển dụng để những giáo sinh thấy được niềm tin, động lực, lý tưởng đối với ngành ngay ngưỡng cửa họ bước vào công tác ở ngành giáo dục.

Thứ năm: Các chính sách về lương bổng, phụ cấp, chế độ đãi ngộ cho nhà giáo cần phải được xem trọng để những nhà giáo “có thể sống được bằng lương”. Giáo viên trẻ hay giáo viên già không phải canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền để họ chuyên tâm với nghề.

Thứ sáu: Môi trường giáo dục cần trong sáng, cạnh tranh lành mạnh, không bè phái, không nịnh bợ, không ganh ghét, không trù dập nhau để mọi người cùng cộng tác, cống hiến bình đẳng trong một môi trường dân chủ, xem trường học là ngôi nhà lớn thực sự của mình.

Muốn được như vậy, phải có một đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường gương mẫu, có năng lực, tâm huyết với đơn vị, vì đơn vị, vì đồng nghiệp và học trò thân yêu của mình.

Nếu làm được như vậy, chúng tôi tin ngành sư phạm sẽ tuyển được nhiều người giỏi và tất nhiên lúc đó chúng ta sẽ có nhiều chuyên gia giáo dục đúng nghĩa hơn là chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức đơn thuần…

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vi-dau-ma-dau-vao-nganh-su-pham-roi-vao-tham-canh-thap-chua-tung-co-post178773.gd?

[2]https://vtc.vn/chenh-lech-giua-diem-thi-tot-nghiep-2021-va-diem-hoc-ba-ar627206.html

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hien-co-40-000-cu-nhan-su-pham-that-nghiep-post185712.gd

HƯƠNG MAI