Sinh viên ở Sài Gòn than hay bị mất đồ, dọa nạt khi đi xe buýt

19/04/2016 14:38
Phương Linh
(GDVN) - Nhiều sinh viên ở TP.Hồ Chí Minh than hay bị mất đồ, nhưng không có cách nào lấy lại được khi đi xe buýt, nhất là ở tuyến số 104 và 33.

Sáng ngày 19/4, Sở Giao thông Vận tải và Hội Sinh viên TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi đối thoại với sinh viên hiện đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn về chất lượng, dịch vụ xe buýt.

Buổi đối thoại này có chủ đề “Buýt đến trường – buýt thân thiện”, nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ những khó khăn của sinh viên khi sử dụng dịch vụ này.

Phát biểu tại buổi đối thoại này, siinh viên Phùng Thị Diệu Hương (trường Đại học Kinh tế Luật TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, mối quan tâm lớn nhất của Hương cũng như nhiều bạn sinh viên khác, chính là vấn đề an ninh khi sử dụng dịch vụ xe buýt.

Rất nhiều sinh viên khi sử dụng dịch vụ của tuyến xe số 104 và 33 đã bị mất đồ đạc, tư trang cá nhân mà không có cách gì lấy lại được.

Diệu Hương đề nghị, ngay trong thời gian sắp tới, cơ quan quản lý cần phải có một giải pháp thật mạnh mẽ, để giải quyết triệt để tình trạng này.

Một sinh viên đang than phiền về chất lượng dịch vụ xe buýt tại TP.HCM còn nhiều điều đáng bàn (Ảnh: P.L)
Một sinh viên đang than phiền về chất lượng dịch vụ xe buýt tại TP.HCM còn nhiều điều đáng bàn (Ảnh: P.L)

Ngoài ra, Hương cũng chia sẻ với các thành viên tham dự buổi đối thoại là việc một bạn học cùng trường của mình lên xe buýt, trả tiền mua vé, nhưng không được xé vé.

Khi phản ánh tới tổng đài quản lý xe buýt của thành phố, bạn sinh viên này được mời tới cơ quan để trực tiếp xử lý.

Khi sinh viên này chưa kịp gặp tài xế, tiếp viên hay các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết vụ việc, thì bất ngờ có những cuộc gọi điện đến từ những số máy lạ gọi hay nhắn tin tới để đe dọa, trấn áp sự việc.

Nhiều sinh viên khác cũng góp ý, thành phố cần thực hiện việc lắp đặt hoàn chỉnh, đồng bộ hơn hệ thống camera giám sát trên toàn bộ xe buýt hiện có, nhằm thực hiện việc giám sát chặt chẽ, sử dụng màn hình sẵn có trên xe để phổ biến các kiến thức, tin tức về thời sự xã hội, kinh tế thời hội nhập.

Lãnh đạo các cơ quan quản lý lắng nghe những phản ánh của sinh viên về xe buýt TP.HCM (ảnh: P.L)
Lãnh đạo các cơ quan quản lý lắng nghe những phản ánh của sinh viên về xe buýt TP.HCM (ảnh: P.L)

Một số ý kiến khác của các bạn sinh viên thì đề xuất, TP.Hồ Chí Minh cần tăng cường sử dụng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, thường xuyên tổ chức tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho tài xế, tiếp viên hay có một hệ thống bình chọn những nhân viên tốt trên xe buýt.

Giái đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên, ông Đậu An Phúc – Giám đốc Trung tâm điều hành và quản lý vận tải hành khách công cộng cho biết, những kiến nghị, đề xuất của sinh viên nêu trong buổi đối thoại về chất lượng, dịch vụ của xe buýt là hoàn toàn chính xác.

Ông Phúc khẳng định, những thắc mắc nào thỏa đáng của sinh viên, sẽ được các cơ quan quản lý về xe buýt nghiêm túc tiếp thu, chấn chỉnh kịp thời, nhằm phục vụ tốt nhất cho sinh viên khi sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, khi mà hiện sinh viên chiếm đến 50% sản lượng hành khách của thành phố mà xe buýt hiện phục vụ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường kết luận buổi đối thoại (Ảnh: P.L)
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường kết luận buổi đối thoại (Ảnh: P.L)

Về việc lắp đặt camera và hệ thống thông báo trạm dừng sắp tới trên xe buýt, ông Đậu An Phúc chia sẻ, từ nay tới cuối năm 2016, toàn bộ các xe buýt trên địa bàn đều sẽ được lắp đặt camera giám sát, hệ thống thông báo trạm tự động để người đi nắm rõ.

Kết luận buổi đối thoại, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu: Toàn bộ những ý kiến đóng góp của sinh viên về chất lượng, dịch vụ của xe buýt thành phố, nếu điểm nào tiếp thu được ngay, thì cũng phải sửa ngay lập tức.

Đây là việc làm nhằm đưa xe buýt trở nên gần gũi, thân thiện hơn đối với người dân, nhất là với sinh viên, xây dựng TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, và cũng để thực hiện tốt 1 trong 7 chương trình đột phá của thành phố là giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Phương Linh