Tết của thầy Quý với học trò là bánh chưng tự gói, ít kẹo và chai nước ngọt

01/02/2019 06:29
Trần Phương
(GDVN) - Những chiếc bánh chưng thầy trò tự gói, một ít kẹo, một chai nước ngọt, thầy Quý và đám học trò nghèo có cái tết đầy ý nghĩa giữa điểm cao mù sương.

Điểm trường nơi thầy Lương Văn Quý gắn bó là ở bản Xao Va (thuộc Trường phổ thông cơ sở Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 50km. Điểm trường này có 100% học sinh người Khơ Mú.

Các em học sinh người Khơ Mú có lẽ chẳng bao giờ biết đến Tết là gì cho đến khi thầy Quý về đây. Khi thầy giáo hỏi, các em chỉ biết rằng đó là một ngày mà người ta bảo là Tết. Những ngày đó các em không đi học, thầy giáo về xuôi để đón Tết với gia đình.  

Bữa cơm Tết có bánh chưng, có nước ngọt, có kẹo và có sữa của thầy giáo Lương Văn Quý.
Bữa cơm Tết có bánh chưng, có nước ngọt, có kẹo và có sữa của thầy giáo Lương Văn Quý.

Nói về việc tổ chức ăn Tết cho các em, thầy giáo Quý cho biết cũng xuất phát từ ngày còn là sinh viên đã tham gia tình nguyện và có rất nhiều sự sẻ chia trong các đoàn thiện nguyện.

Từ khi được tuyển dụng làm giáo viên hợp đồng, thầy Quý sẵn sàng đến với các em ở vùng sâu, vùng xa của huyện.

Về với “thủ phủ” của người Khơ Mú, để lên được lớp, thầy Quý phải học thêm tiếng của bà con dân tộc mới có thể đứng lớp và giảng dạy, vận động cho các em.

Đến bây giờ các em ở Xao Va đã biết thế nào là Tết. Để có được cái tết đầm ấm sẻ chia của thầy Quý và học trò, thầy Quý đã phải chuẩn bị rất nhiều ngày.

“Ngay cả kẹo, nước ngọt mình cũng phải đặt 2 ngày mới đến được đến nơi. Còn bánh chưng, mình vận động mỗi em cầm một ít gạo để thầy gói bánh. Năm ngoái ở điểm trường thầy với trò còn có thời gian ngồi gói, luộc với nhau. Nhưng năm nay mưa quá mình phải mang về ký túc để gói, luộc rồi cầm lên cho các em”, thầy giáo Quý chia sẻ.

Được biết, các em chỉ cầm gạo nếp, còn đỗ, thịt thầy tự bỏ tiền ra mua. Khi được hỏi lương giáo viên hợp đồng mà bỏ tiền ra mua thịt, đỗ thì thầy ăn tết thế nào? Thầy Quý chỉ cười trừ.

Tết của thầy Quý với học trò là bánh chưng tự gói, ít kẹo và chai nước ngọt ảnh 2Xót lòng tiếng khóc khát sữa của những em bé theo chị đi học 

Có lẽ thầy chẳng nó ra nhưng với lương hợp đồng từ trung tâm huyện đến với Xao Va thì tiền xăng xe còn chẳng đủ. Năm nay, thầy Quý được nhà trường thưởng 200 ngàn đồng.

Tuy lớp học nghèo, đơn sơ nhưng theo thầy Quý chia sẻ, bây giờ các em thích Tết rồi.

Bữa cơm Tết của thầy trò nghèo giữa vùng khó là bánh chưng thầy luộc ăn với kẹo và chai nước ngọt.

“Tụi hắn thích kẹo với bánh chưng thôi, nước ngọt có ga tụi hắn không thích lắm, năm sau sẽ dùng nước khác”. Thầy Quý hài hước chia sẻ về “tai nạn” nho nhỏ trong bữa cơm Tết của thầy và trò.

Với nhiều cô cậu học trò người Khơ Mú, có lẽ từ nhỏ đến giờ chúng chưa bao giờ được ăn món ngon như bánh chưng của thầy Quý, cái Tết mà thầy Quý tổ chức vui vô cùng.

Ngoài bánh chưng được ăn ở trên lớp, 9 cô cậu học trò, mỗi người sẽ cầm một cái về nhà để ăn Tết.

Hình ảnh thầy trò ăn tết trên lớp ở bản Xao Va:

Đây là tất cả những gì cho bữa tiệc cuối năm. Đơn sơ thôi nhưng ấm áp vô cùng.
Đây là tất cả những gì cho bữa tiệc cuối năm. Đơn sơ thôi nhưng ấm áp vô cùng.
"Tụi hắn không thích nước ngọt có ga". Thầy Quý chia sẻ về cảm giác của học sinh khi lần đầu tiên uống nước ngọt có ga.
"Tụi hắn không thích nước ngọt có ga". Thầy Quý chia sẻ về cảm giác của học sinh khi lần đầu tiên uống nước ngọt có ga.
Vừa được ăn, các em học sinh vừa được nghe thầy giáo kể về Tết là gì.
Vừa được ăn, các em học sinh vừa được nghe thầy giáo kể về Tết là gì.
Đường đến trường của thầy giáo Quý.
Đường đến trường của thầy giáo Quý.
Trời mưa, đường không còn là đường nữa nhưng các thầy vẫn đến.
Trời mưa, đường không còn là đường nữa nhưng các thầy vẫn đến.

Xã Bảo Thắng từ lâu được biết đến là một trong những xã vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn.

Nơi đây còn được xem là một trong những “thủ phủ” của người Khơ mú, vì dân tộc này chiếm 100% dân số của xã.

Bảo Thắng có 5 bản với 385 hộ (gần 2.050 khẩu), tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (khoảng 80%).

Bản xa nhất của Bảo Thắng là Xao Va, phải mất 6 tiếng đi bộ.

Tiếp đến là các bản Thà Lạng, Ca Da, mất 4 tiếng đi bộ.

Hiện tại, Bảo Thắng vẫn chưa có nguồn điện lưới, chưa có sóng điện thoại, đời sống người dân cơ bản vẫn tự cung tự cấp.

Trần Phương