Thầy cô đã làm gì để "bảo vệ đạo đức nhà giáo"?

08/03/2019 07:02
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Những người đang công tác trong ngành giáo dục thì ngoài chuyên môn, người thầy cần nêu cao phẩm chất, đạo đức của mình trước học trò.

Khái niệm về đạo đức rất rộng và tất nhiên dù làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào thì đạo đức con người vẫn luôn được xem trọng.

Nhất là đối với những người đang công tác trong ngành giáo dục thì ngoài chuyên môn, người thầy cần nêu cao phẩm chất, đạo đức của mình trước học trò.

Thầy cô như tấm gương sáng thì học sinh sẽ học được những điều hay, lẽ phải. Thầy cô tự đánh mất mình trước học trò không chỉ là tự làm xấu mình mà đó sẽ thành những "tấm gương mờ" không đáng để soi.

Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức  nhà giáo khiến cho dư luận xã hội có cái nhìn hoang mang trước hình ảnh người thầy.  

Mỗi thầy cô phải thực sự là tấm gương sáng trước học trò (Ảnh minh họa: TTXVN)
Mỗi thầy cô phải thực sự là tấm gương sáng trước học trò  (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chúng ta luôn mong đợi, hy vọng về sự thay đổi của ngành giáo dục. Ai cũng biết, giáo dục là gốc rễ của sự phát triển đất nước. Giáo dục tốt, người thầy tốt xã hội sẽ giáo dục nhiều con người tốt.

Muốn có nhiều thầy tốt, trước tiên mỗi thầy cô giáo phải không ngừng nghỉ trau dồi kiến thức chuyên môn và đạo đức của mình.

Thời đại ngày nay, người thầy không chịu học hỏi sẽ tự đào thải mình và không bao giờ nhận được sự kính trọng của học trò.

Xét về khía cạnh đạo đức nhà giáo, chúng ta thấy đa phần những giáo viên vẫn làm tốt vai trò, trọng trách của mình dù xã hội có thay đổi.

Nhưng, cũng đã có nhiều thầy cô đang tự làm xấu mình, làm mất đi hình ảnh người thầy trước học trò và xã hội. Những năm gần đây, ta thấy giáo dục nước nhà liên tục xảy ra những sự cố đau lòng.

Có phải ngành giáo dục không có hướng dẫn, quy định về đạo đức nhà giáo không ? Có, có rất nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ, của Sở, của Phòng Giáo dục.

Chẳng hạn trong Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, Quyết định ban hành về đạo đức nhà giáo được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã ký ngày 16/4/2008.

Chúng ta cũng thấy những quy định về đạo đức nhà giáo rất rõ ràng, đặc biệt là tại Điều 6. Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo được quy định như sau :

Thầy cô đã làm gì để "bảo vệ đạo đức nhà giáo"? ảnh 2Cô giáo vào khách sạn với nam sinh dưới 16 tuổi bị đình chỉ công tác

1. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân. 

2. Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.

3. Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.

4. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, ngư­ời khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.

5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.

6. Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.

7. Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.

8. Không gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.

9. Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.

10. Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.

11. Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như : cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại.

Tuy nhiên, nếu chiếu vào những quy định này, chúng ta thấy thời gian qua vẫn liên tục xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Thầy cô đã làm gì để "bảo vệ đạo đức nhà giáo"? ảnh 3Khởi tố, bắt tạm giam một Hiệu trưởng lừa chạy việc

Đó là tình trạng gian lận, thiếu trung thực trong giảng dạy, học tập. Hiện tượng trù dập người trung thực, bao che người vi phạm, gây mất đoàn kết đơn vị.

Tình trạng xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự người học. Tình trạng dạy thêm tràn lan cả ở nhà trường, nhà giáo viên.

Tình trạng bè phái, cục bộ, vi phạm quy chế chuyên môn.Tình trạng đánh học trò, hiệu trưởng chạy việc cho giáo viên…

Rõ ràng những việc làm của một số giáo viên đã không thực hiện đúng những chỉ đạo của ngành và làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành giáo dục.

Đặc biệt, hình ảnh người thầy có những lúc đã dần mai một trong mắt phụ huynh. Những ngày gần đây, ngành giáo dục có nhiều sự cố nghiêm trọng về đạo đức người thầy.

Đó là tình trạng nhắn tin "gạ tình" nữ sinh lớp 10 của một thầy giáo ở Thái Bình; Giáo viên chủ nhiệm có những hành động không phù hợp với nhiều học sinh lớp 5 ở Bắc Giang ;

Nữ giáo viên vào sách sạn với nam sinh dưới 16 tuổi ở Bình Thuận…khiến dư luận xót xa, mai một niềm tin.

Bảo vệ đạo đức nhà giáo không phải ai khác mà chính thầy cô giáo phải tự bảo vệ hình ảnh của mình. Khi đã theo đuổi và công tác trong ngành giáo dục, người thầy phải biết giữ hình ảnh của mình.

Những cám dỗ, những bực tức trong quá trình đứng lớp, công tác phải biết kiềm chế đừng tự buông trôi, đừng tự làm xấu đi hình ảnh của người thầy.

Quy định của ngành đã có, đạo đức truyền thống của người thầy đã hình thành từ xưa xa nên những ai không xứng đáng xin đừng đứng vào hàng ngũ của người thầy. Buồn lắm, xót xa lắm!

NGUYỄN CAO