Thầy Tùng Lâm đề xuất bỏ cách tính xét tốt nghiệp có cộng điểm lớp 12

24/04/2020 06:11
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nếu sử dụng điểm của lớp 12 vào xét tốt nghiệp, số lượng học sinh khá giỏi tăng lên nhanh chóng do được nâng điểm.

Do bối cảnh của dịch bệnh COVID-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh.

Theo đó, kỳ thi trung học phổ thông sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8 năm 2020; thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 01/7/2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 01/7/2020). 

Thời gian để thực hiện chương trình học kỳ II tinh giản ra sao? 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, năm nay không tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như mọi năm mà tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp  trung học phổ thông.

Mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. 

Ngoài ra, kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nghiên cứu phương án kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nhận định: “Phương án của Bộ là hoàn toàn đúng đắn, tôi rất hoan nghênh”. 

Thầy Tùng Lâm đề xuất bỏ cách tính xét tốt nghiệp có cộng điểm lớp 12 (Ảnh: Thùy Linh)
Thầy Tùng Lâm đề xuất bỏ cách tính xét tốt nghiệp có cộng điểm lớp 12 (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Lâm cho rằng, chúng ta không lo cho các trường đại học vì họ tự chủ và có cách tuyển sinh được. Họ có thể dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, học bạ, xét tốt nghiệp của học sinh hay tổ chức phỏng vấn, thi online.

Tuy nhiên, để học sinh thật sự có trách nhiệm với việc học của mình thì thầy Lâm đề xuất thay vì điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông bao gồm 70% điểm 4 bài thi tốt nghiệp cộng với 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 (theo cách tính năm 2019) thì Bộ nên bỏ cách tính xét tốt nghiệp có cộng điểm lớp 12 thì học sinh mới lo học. 

Thủ tướng đồng ý với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020

Bởi lẽ, theo thầy Lâm, chương trình đã được tinh giản, đề thi cũng được Bộ tinh giản, nếu sử dụng điểm của lớp 12 vào xét tốt nghiệp, số lượng học sinh khá giỏi tăng lên nhanh chóng do được nâng điểm. 

Việc đánh giá không thực chất khiến học sinh không tích cực học tập, ôn luyện cho kỳ thi mà có tâm lý ỉ lại, trông chờ đồng thời khiến các trường đại học tuyển sinh bằng học bạ không thực chất. 

Trước sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp năm 2020, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đai học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường cũng có thay đổi trong phương thức tuyển sinh năm 2020. 

Thầy Dũng thông tin, năm nay trường tuyển 6.000 chỉ tiêu với 3 phương thức. 

Theo đó, nếu mọi năm tỷ lệ tuyển thẳng chỉ chiếm 2-5% thì năm nay nhà trường tăng chỉ tiêu này lên 30% và mở rộng đối tượng tuyển thẳng bao gồm: học sinh đạt giải Khoa học kỹ thuật hoặc kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, học sinh đạt loại giỏi của các trường trung học phổ thông chuyên và trường trung học phổ thông top 200 cả nước.

Đồng thời, năm nay nhà trường vẫn xét tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 30% chỉ tiêu. 

Còn lại 40% là xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ trong 5 học kỳ trung học phổ thông. 




Thùy Linh