Thủ khoa ĐH KHXH & NV chia sẻ bí quyết giành 9 điểm Sử

08/07/2012 06:02
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Trước một ngày bước vào kỳ thi ĐH đợt 2, Trần Thị Bích Hường - Thủ khoa khối C Trường ĐH KHXH & NV chia sẻ bí quyết giúp thí sinh giành điểm 9 môn Sử.
Bố mất sớm từ năm Hường học lớp 9, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn, gánh nặng “cơm áo” đè lên vai mẹ và Hường. Thời gian sau đó, Hường bị ảnh hưởng nhiều tới học tập, thi trượt lớp chuyên văn THPT chuyên Thái Nguyên vì thiếu 0,25 điểm. Cũng bởi lần thi trượt đó nên Hường chuyển sang lớp chuyên sử, dần dần yêu thích môn sử.
Cô Phạm Thị Bích Hương (mẹ của Hường) tâm sự: "Từ nhỏ sức khoẻ Hường vốn không được tốt vì bệnh viêm đường ruột, có đợt mẹ phải đưa em xuống viện K để xét nghiệm. May mắn là em không sao. Điều kiện vật chất khó khăn, gia đình em cũng chỉ biết động viên, khích lệ tinh thần để em cố gắng học tập, tất cả do sức học của em là chính".

Mẹ bận kiếm sống nuôi cả gia đình, một tay Hường vừa trông em vừa chăm bà nội già yếu, bệnh tật thường xuyên nhưng vẫn học tốt. Năm lớp 10, Hường đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi sử cấp tỉnh. Năm học lớp 11, Hường giành giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia. Lớp 12, Hường gặt hái được khá nhiều thành công như giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn sử.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011, Hường xuất sắc giành được 25,5 điểm, trở thành Thủ khoa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hường cũng là thí sinh duy nhất đạt 9 điểm môn Lịch sử, số điểm cao nhất trong toàn Đại học quốc gia Hà Nội. 

Thủ khoa Trần Thị Bích Hường muốn học sử để thay đổi quan niệm của nhiều người.
Thủ khoa Trần Thị Bích Hường muốn học sử để thay đổi quan niệm của nhiều người.
Trần Thị Bích Hường tâm sự: “Muốn học sử phải thực sự yêu sử”. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, điểm môn lịch sử thường rất thấp, đó là bởi học sinh chưa quan tâm và thực sự yêu thích môn sử.

Nhớ lại kỳ thi đại học năm ngoái, Hường chia sẻ: Khi vào phòng thi, Hường thường hít thở sâu để bình tĩnh hơn vì theo em tinh thần thoải mái sẽ giúp mình làm bài thi tốt. Khi nhận đề thi việc đầu tiên Hường làm là đọc lướt qua một lượt để biết đề có bao nhiêu câu, từ đó phân phối thời gian cho từng câu. Đề Văn, Sử, Địa đều thi theo hình thức tự luận nên Hường dành thời gian luyện viết và trình bày bài. Sau đó lựa chọn câu nào làm trước câu nào làm sau theo khả năng của mình. Hường thường chú ý đến biểu điểm cho từng câu để phân phối thời gian, câu nào nhiều điểm em sẽ dành nhiều thời gian hơn. Trước khi viết bài vào giấy thi, Hường viết ra nháp những ý quan trọng để lúc viết bài từng ý mạch lạc, rõ ràng và không bị trùng lặp. Em trình bày mỗi ý thành từng đoạn và viết bài có 3 phần mở bài, thân bài, kết bài đối với 2 môn Văn, Sử.

Hường cho biết: “Tài liệu chính của em vẫn là sách giáo khoa, đi kèm với nó là cuốn tư liệu lịch sử, bởi cuốn sách này là nhưng tư liệu giải thích thêm sự kiện mà sách giáo khoa chưa có. Ngoài ra, tùy vào từng bài học cụ thể mà em chọn tài liệu thêm, hoặc xem phim lịch sử cũng là một cách giúp em học tốt môn này".
Bích Hường ấp ủ ước mơ trở thành một giảng viên ĐH để truyền cho học trò niềm đam mê môn Lịch sử, có thể thay đổi quan điểm của mọi người về môn sử.
Đỗ Quyên Quyên