Thương lắm! giáo viên cắm bản vùng rốn lũ

11/08/2019 06:23
Vũ Ninh
(GDVN) - Trên con đường cõng chữ lên non của những giáo viên cắm bản vùng rốn lũ phải đối diện với bao vất vả khó khăn không thể nói hết bằng lời.

Gian nan đường đến trường

Con đường lên điểm trường Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) sạt lở chẳng còn gì, bùn đất ngập quá đầu gối. Cô Hậu cùng một số giáo viên cắm bản vừa đi vừa khóc.

Trao điểm trường mơ ước nơi vùng cao mây trắng của huyện Hoàng Su Phì
Trao điểm trường mơ ước nơi vùng cao mây trắng của huyện Hoàng Su Phì

Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp, bản Sa Ná hứng chịu những trận  lũ lớn.

Trời không thương các cô cũng đành chịu. Chỉ mong sớm ngày trở lại điểm trường thu quén lớp học để cho học sinh kịp ngày khai trường.

Cô Hậu quấn quanh người mấy bọc túi vải, vạch cây rừng, lội qua khe suối, đôi chân dính đầy bùn.

Phía sau một số thầy giáo buộc xe máy vào đòn gánh, gánh qua vai. Bùn đất thế này xe máy cũng đành chịu.

Những cảnh này người miền xuôi lấy làm lạ. Nhưng đối với người dân nơi đây đặc biệt là những giáo viên cắm bản thì quá đỗi bình thường.

Phải khó khăn lắm mới có thể liên lạc được với cô Hậu trong những ngày nước lũ tràn về. Cô Hậu thở dài:

“Mất hết rồi, bàn ghế, cửa giả lũ cuốn đi hết. Hôm nay đến trường mà lòng xót xa. Mọi thứ chẳng còn gì, chúng tôi lại phải bắt đầu lại từ đầu. Năm nào cũng vậy”.

Có lẽ cô Hậu cũng chẳng buồn “ôn nghèo kể khổ” bởi cái lẽ “năm nào cũng vậy”. Như trời đầy! điểm trường Sa Ná năm nào cũng là vùng tâm lũ. Có những năm học sinh phải chui trong túi nilon để vượt lũ đến trường.

Thấy thầy cô lên trường, vài đứa học sinh lên thăm cô. 

Em Vũ Thị Dược kể: “Mấy ngày lũ dữ, nhà em mất hết trâu bò lợn gà. Thậm chí  sách vở của em cũng bị nước lũ cuốn trôi. Năm học mới em không có sách vở để học”.

Thầy cô giáo vùng lũ gùi chữ đến đến trường (Ảnh:V.N)
Thầy cô giáo vùng lũ gùi chữ đến đến trường (Ảnh:V.N)

Cô trò nhìn nhau hoảng hốt, ngậm ngùi. Người ta nói “sau cơn mưa trời lại sáng”. Nhưng đối với những giáo viên tại điểm trường Sa Ná, sau cơn mưa chỉ còn lại đổ nát và tan hoang. 

Những ngôi nhà mái tôn đỏ, tường quét ve màu vàng vẫn còn đó những dòng khẩu hiệu. 

Nhưng xung quanh trống không bốn bức tường. Toàn bộ cơ sở vật chất của trường chẳng còn lại gì.

Thầy Vi Văn Thanh ứa nước mắt: “Đối với những giáo viên cắm bản chúng tôi chỉ mong làm sao vận động được nhiều học sinh đến trường. Khó, khổ chúng tôi cũng khắc phục được. 

Mấy ngày sơ tán về nhà, lòng như lửa đốt lo cho trường, lo cho học sinh Sa Ná. Ngày hôm nay lên trường chẳng còn gì, bùn đất đến nửa tường vôi, đồ đạc, bàn ghế bị lũ cuốn trôi hết. Tôi ứa nước mắt”.

Những giáo viên cắm bản vùng rốn lũ như thầy Thanh, cô Hậu bên cạnh nhiệm vụ khơi đèn đom đóm trên nom còn phải đối mặt với sự khốc liệt của thiên tai. 

Cô Hậu vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên nhận công tác ở Sa Ná. Nước lũ lên cao, ồng ộc, gầm gào giận dữ. Cô gần như phát khóc trong sự cô đơn, trống trải cùng cực.

Tại trường Đại học, nào ai dạy giáo viên phải chống lũ, vượt suối như thế nào? Ấy thế mà từ ngày lên Sa Ná nhiều thầy cô phải tự tìm tòi học cách chống lũ, học cách tuyên truyền cho bà con ăn ở, sinh hoạt trong những ngày mưa lũ.

Trong cơn lũ quét ngang qua Sa Ná, người ta lại thấy được một mặt khác của giáo dục vùng cao. Những thầy cô ngày đêm đương đầu với cơn lũ dữ, tự mình học cách sinh tồn.

Có những câu chuyện gần như là điển tích. Ai cũng lè lưỡi nói thầy Đồng Văn Thành liều. 

Thầy Thành cuốn dây thừng, bơi qua dòng suối dữ. Qua đến bờ bên kia thầy hổn hển, quen đầu lại nhìn dòng nước lũ rùng mình: “Có lẽ thần chết bỏ quên tôi”.

Thầy Long phải cho xe lên đòn gánh để vượt những đoạn đường bùn đất (Ảnh: Lang Văn Long)
Thầy Long phải cho xe lên đòn gánh để vượt những đoạn đường bùn đất (Ảnh: Lang Văn Long)

Thầy Nguyễn Văn Diện, hiệu trưởng trường An Lương, khi tiếp chúng tôi vẫn còn sơ mi đóng thùng. Vậy mà vài ngày sau, cơn lũ dữ tràn về. 

Thầy cởi phăng bộ sơ mi đi ủng, gùi gạo, thức ăn lên trên điểm trường, tiếp tế cho học sinh. Câu chuyện của thầy được cả xã hội ghi nhận và thực sự lấy đi nước mắt của nhiều người.

Giữa những ồn ào của ngành giáo dục, những vụ bê bối, tiêu cực. Đâu đó ở những nơi được gọi là vùng rốn núi vẫn hào sảng tinh thần người giáo viên vùng cao. 

Những ngọn đèn đom đóm khơi trên non cao có sức mạnh át đi những cơn lũ. Thương lắm giáo viên vùng rốn lũ!

Nhân tâm sẽ thắng thiên tai

Cách Sa Ná vài chục km, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cũng là một trong những vùng rốn lũ. Cơn lũ quét đi qua, những giáo viên cắm bản lại trở về với ngôi trường của họ.

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ cuối): Đốt trái tim sưởi ấm tình người
Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ cuối): Đốt trái tim sưởi ấm tình người

Thầy Lang Văn Long gửi những hình ảnh cung đường đến trường của nhóm giáo viên cắm bản Trung Thắng. 

Cung đường đến trường từ trung tâm thị trấn Mường Lát đến điểm trường Trung Thắng chỉ khoảng 25km nhưng các thầy cô phải đi mất nửa ngày mới đến nơi.

Thầy Long tâm sự: “Mất nửa ngày chúng tôi mới đến được trường. Đường nhựa bị nước lũ phá hủy hoàn toàn. 

Đường đất thì bùn lội qua gối. Chúng tôi phải khiêng xe máy bằng đòn gánh để vượt qua những khúc đường như vậy”.

Những hình ảnh như vậy chẳng thể nào tái hiện hết những khó khăn, vất vả của thầy cô giáo vùng lũ.

Thầy Trần Văn Thành, giáo viên vùng lũ Mường Lát nói: “Con lũ lần này khiếp quá. Mấy điểm trường vùng cao coi như bị phá hủy hoàn toàn”.

Khi hỏi động lực nào khiến các thầy cô lũ vừa rút đã tất bật đến trường, thầy Thành cười: “Sắp đến đầu năm học rồi, phải lên xem trường lớp như thế nào mà còn dọn dẹp sửa sang. 

Với lại mình không lên cũng sốt ruột học sinh trên đó. Nhiều đứa bám thầy cô như sam vậy. 

Không lên thì chúng nó nhớ. Mà để ở nhà thì cũng không yên tâm với mấy đứa đấy”.

Vậy là lý do để những người giáo viên vượt những cơn lũ dữ đến điểm trường là vì lo cho trường, lo cho học sinh. 

Huyện Mường Lát tan hoang sau cơn lũ dữ (Ảnh: L.L)
Huyện Mường Lát tan hoang sau cơn lũ dữ (Ảnh: L.L)

Tôi từng hỏi thầy Nguyễn Văn Diện, người thầy nổi tiếng với câu chuyện gùi gạo, băng rừng, vượt lũ lên trường: “Nhiều người sẽ hỏi chẳng hạn như gia đình thầy sẽ nói: Mưa gió như thế này sao không ở nhà mà lên đó làm gì”.

Thầy Diện trả lời như thế này: “Tôi là một hiệu trưởng lại là hiệu trưởng của  ngôi trường gần 700 học sinh. 700 học sinh đó đều như con của mình, không bỏ được đứa nào. 

Những ngày mưa lũ chúng nó càng cần thầy cô nhiều hơn. Cho nên khó khăn như thế nào, nguy hiểm như thế nào thì mình cũng phải lên trên trường”.

Giáo viên vất vả trở lại trường sau cơn lũ (Ảnh: Lang Văn Long)
Giáo viên vất vả trở lại trường sau cơn lũ (Ảnh: Lang Văn Long)

Trong cơn lũ dữ quét qua những điểm trường mới thấy được hết những tấm lòng vì học sinh của các thầy cô cắm bản. 

Thầy Long, cô Hậu vừa đến điểm trường đã bắt tay ngay vào dọn dẹp, mua quà bánh phát cho học sinh. Thầy Diện thì vẫn nơm nớp nỗi lo mùa lũ đến.

Thế nhưng tôi tin rằng dù con lũ có lớn đến thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn vẫn không thể thắng được sức mạnh của những thầy cô cắm bản. Bởi, nhân tâm sẽ thắng thiên tai!.

Vũ Ninh