Thầy Tiến, đã nửa đời người khơi đèn đom đóm trên non

18/07/2019 07:19
Vũ Ninh
(GDVN) - Những đêm co ro trong cái lạnh giữa non cao, thầy Tiến vẫn mơ về một ngày có những ngôi trường khang trang, học sinh được ăn uống đầy đủ.

33 năm nguyện dành tất cả cho sự nghiệp giáo dục vùng cao

Tuổi 19, chàng thanh niên Nguyễn Duy Tiến tốt nghiệp ngành sư phạm và được phân công làm giáo viên tại huyện Trạm Tấu (huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái).

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn
Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn

Trong ký ức xa xăm của thầy vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên lên Trạm Tấu nhận công tác.

Một ngày hè cách đây 33 năm, chàng trai Nguyễn Duy Tiến cùng cha đạp xe từ thị xã Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu. 

Con đường chỉ dài khoảng 30km nhưng mất cả ngày trời mới có thể vào đến nơi.

Đường xấu, những viên đá to bằng nắm tay, ổ voi, ổ gà không thể làm nhụt chí chàng trai trẻ. Hai cha con cơm nắm muối vừng đi gieo con chữ.

Thế nhưng chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết đó lại bật khóc khi bóng người cha khuất dần sau những ngọn núi. Thầy Tiến phải ở lại một mình, đối diện với sự cô đơn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nhấp một hụm trà, thầy Tiến bồi hồi nhớ lại:

“Thời trẻ mình đâu có nghĩ nhiều đến cơm, áo , gạo, tiền, đâu màng công danh. Cái khó khăn nhất đối với tôi lúc bấy giờ đó là sự cô đơn.

Thời đó huyện Trạm Tấu đến đường điện còn chưa có. Một thân một mình ở lại cắm bản, sống cùng bà con người Mông.

Lúc đầu còn chưa biết tiếng của họ. Tôi mất gần 1 tháng mới có thể nói được nhưng câu cơ bản bằng tiếng người Mông”.

Bữa cơm có thịt của học sinh trường Dân tộc nội trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Công (Ảnh: V.N)
Bữa cơm có thịt của học sinh trường Dân tộc nội trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Công (Ảnh: V.N)

33 năm công tác trong ngành giáo dục, từ một anh giáo trẻ đứng khóc tu tu khi bố trở về nhà. Đến nay thầy Tiến đã kinh qua chức vụ hiệu trưởng của nhiều ngôi trường.

Thầy ví mình như một kẻ thích lang bạt, một đôn-ki-hô-tê không hề biết sợ. Cứ nơi nào, trường nào khó khăn nhất thì thầy xung phong nhận nhiệm vụ.

Thầy Tiến tâm sự: “Đến năm nay tôi đã trải qua công tác 6 trường. Đều là những trường khó khăn.

Không phải mình tự đề cao mình nhưng cái máu của người làm giáo dục là chỗ nào khó nhất thì mình đến.

Có những trường tôi công tác lâu năm. Cán bộ trong Huyện bây giờ đều là học trò cũ của mình.

Làm giáo dục nhất là giáo dục vùng cao có nhiều niềm vui lắm. Đặc biệt cái mình nhận được ở đây đó là tình cảm và sự tôn trọng của phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp”.

Nhắc đến thầy Tiến, không một ai trong ngành giáo dục của huyện Trạm Tấu và các huyện lân cận là không biết tên. 

Thầy không chỉ là người nổi tiếng với thâm niên công tác qua 6 trường mà còn được coi là người đã manh nha khai sinh ra mô hình trường Bán trú vùng cao.

Đời sống của học sinh vùng cao ngày càng được cải thiện (Ảnh:V.N)
Đời sống của học sinh vùng cao ngày càng được cải thiện (Ảnh:V.N)

Một ngày mưa tháng 8 năm 1991, thầy Tiến xúc động nhìn những đứa trẻ thổi lửa nấu cơm. Thời đó học sinh ở lại trường, mỗi nhóm khoảng 5-6 em được chia cho một khoảng đất nhỏ để đắp bếp nấu cơm.

Ngày nắng không sao, những ngày mưa thì trời giận, khổ không hết khổ. Bếp cứ nhóm lại tắt. Những đứa trẻ tíu tít như bầy chim non, đứa che bếp, đứa ôm gạo vào lòng cho khỏi ướt.

Thức ăn đạm bạc ngoài cơm gạo, phụ huynh chuẩn bị cho con em một ít măng cay ăn lót lòng. Chứng kiến cảnh tượng đó, thầy Tiến không cầm nổi nước mắt. 

Thầy vẫn mơ về một ngôi trường mà ở nơi đó học sinh được ăn cơm có thịt, được ngủ trong chăn ấm đệm êm.

Nghĩ là làm, sau nhiều đêm vò võ suy nghĩ, thầy giao cho các giáo viên tổ chức gom gạo rồi hướng dẫn phân công học sinh nấu cơm, trồng rau. 

Cứ thế trải qua từng ấy năm, học sinh không còn phải chịu cảnh đắp bếp nấu cơm nữa.

Thầy Tiến trao những suất quà Tết dành cho học sinh nghèo (Ảnh: V.N)
Thầy Tiến trao những suất quà Tết dành cho học sinh nghèo (Ảnh: V.N)

Đến năm 2011 mô hình này được gọi với cái tên Trường Dân tộc Bán trú. Nhờ có mô hình bán trú đã giải quyết được chuyện ăn uống, sinh hoạt của hàng trăm ngàn học sinh dân tộc, học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Thành công của mô hình bán trú là động lực cho thầy Tiến tiếp tục hành trình khơi đèn đom đóm trên non.

Thầy nói: “Đến thời điểm này về cơ bản các trường học đều được nhà nước và xã hội quan tâm. Các cháu mỗi tháng được trợ cấp hơn 500.000 đồng tiền ăn.

Với số tiền này bữa ăn của học sinh rất đầy đủ. Phụ huynh giao gửi con cho trường cũng yên tâm hơn. 

Nhiều em còn thích ở trường hơn ở nhà vì đến trường được các cô chăm, cho ăn uống đầy đủ”.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Tại ngôi trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản công - nơi mà thầy Tiến đang làm hiệu trưởng có 45 thầy cô giáo đảm nhiệm công tác chuyên môn.

Những thầy cô gieo con chữ trên cao nguyên đá
Những thầy cô gieo con chữ trên cao nguyên đá

Người công tác lâu năm như thầy Tiến hơn 30 năm, người ít tuổi cũng có 5-10 năm gắn bó với nơi đây.

Chặng đường 33 năm đủ dài, đi hết nửa cuộc đời.

Thầy Tiến luôn trăn trở: Làm thế nào để kéo học sinh đến lớp? làm thế nào để học sinh cảm thấy thoải mái như ở nhà, từ đó không có chuyện mù chữ hay bỏ học?

Nửa đời người, chàng thanh niên còm nhom ngày nào lang thang khắp các đỉnh núi, con đèo, đến những bản xa xôi nhất trong mây trắng, sống và lao động cùng bà con.

Cuối cùng như vỡ òa khi tìm được chân lý, thầy nói: “Làm giáo dục nhất là giáo dục vùng cao điều cần thiết nhất đó là cái tâm, nhiệt huyết với công việc và tình yêu thương học sinh.

Nếu thiếu đi những cái đó sẽ không thể nào một giáo viên có thể ở lại nơi đây, bám trụ với nghề”.

Sự thay đổi của giáo dục huyện Trạm Tấu có phần đóng góp không nhỏ của thầy Tiến (Ảnh:V.N)
Sự thay đổi của giáo dục huyện Trạm Tấu có phần đóng góp không nhỏ của thầy Tiến (Ảnh:V.N)

Nghĩ đến đây, thầy Tiến bật cười khi nhắc lại một câu chuyện: 

“Làm giáo viên vùng cao, giáo viên cắm bản mà không chịu được khổ, không có nghị lực thì không làm được đâu.

Cách đây mấy năm, có cậu thanh niên từ Thái Bình lên đây đi dạy. Chiều đến vẫn cơm nước vui vẻ. 

Nhưng đến đêm 3-4 giờ sáng, cậu ấy khăn gói quả mướp bắt xe về thẳng xuôi.

Cho nên để làm được giáo viên cắm bản, giáo viên vùng cao thì phải chịu được khổ, phải đặt tâm huyết và tình yêu thương học sinh lên tất cả.

Hiện nay chế độ dành cho các giáo viên vùng cao rất tốt, Nhà nước và xã hội rất quan tâm. Nhưng điều khó khăn nhất mà các thầy cô phải đối mặt đó chính là sự cô đơn. Ở đây có tiền cũng chẳng tiêu và biết tiêu cái gì”.

Những ngôi trường nằm trên những ngọn đồi cao, người ta phải đánh nửa quả đồi để lấy mặt bằng xây dựng trường. 

Có những đêm trời mưa tầm tã, trong sự cô đơn tột cùng, người giáo viên lòng nóng như lửa đốt khi nghe tin ở nhà bố ốm, mẹ đâu, con cái đòi mẹ.

Chân dung người thầy giáo 33 năm khơi đèn đom đóm trên non (Ảnh: V.N)
Chân dung người thầy giáo 33 năm khơi đèn đom đóm trên non (Ảnh: V.N)

Thế mới thấy được sự vất vả và hi sinh của những giáo viên vùng cao. Từng ấy năm công tác, thầy Tiến vẫn nhớ như in những đêm giật mình thon thót khi nhận được cuộc điện thoại từ trường:

“Nhận được điện thoại nửa đêm là biết ở trường có chuyện gì rồi. Những lúc đó là phải đi đến trường thật nhanh. 

Nhưng cũng may là học sinh ở đây rất đoàn kết vì tính cộng đồng của người Mông rất cao, 

Cho nên học sinh hiếm khi cãi nhau còn chuyện đánh nhau là gần như không có. Đó cũng là một trong những thuận lợi ở đây. 

Chúng tôi ngày nào cũng cắt cứ giáo viên ở lại trực trường. Nhưng mình cũng tính sao cho phù hợp. 

Chẳng hạn những giáo viên có con nhỏ hay mới sinh con thì chúng tôi ưu tiên không phải trực trường”.

Chăm học sinh hơn chăm con. Đó là tư tưởng thấm nhuần của giáo viên cùng cao. 

Quả thật có nhiều đêm nhớ con vò võ, người giáo viên phải ở lại trường để “chăm con người khác”. Trong tình thương còn có cả tinh thần trách nhiệm.

Thầy Tiến cười: “Nhiều khi nói đúng là bỏ con ở nhà chăm con người khác. Nhưng chúng tôi nghĩ con mình ở nhà còn được bố/ mẹ, ông bà chăm.

Còn học sinh ở đây không có giáo viên không biết nương tựa vào ai. Cho nên trong tình thương yêu cũng có trách nhiệm của người làm giáo dục”.

Từng đấy năm công tác, thầy Tiến vẫn nhớ như in từng kỷ niệm. Có những đứa trẻ người Mông ngày đầu xuống trường da còn đen, tóc còn vàng, sống bản năng. Ngay đến cả việc đi vệ sinh đúng cách cũng không biết cách. 

Thầy cô phải hướng dẫn từng chút, từng chút một. Tấm lòng giáo viên như cha mẹ. Đau với nỗi đau của học sinh, buồn với nỗi buồn của học sinh. Có như thế các em mới thực sự cảm nhận trường học là ngôi nhà thứ 2.

Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, nhiều năm làm công tác hiệu trường, thầy Tiến cho rằng: Người lãnh đạo cần phải có tầm nhìn, có cách tổ chức phù hợp:

“Tôi cũng tham khảo nhiều mô hình trường học ở tỉnh Sơn La hoặc huyện Mù Cang Chải. Từ đó mình tìm ra được phương pháp hợp lý áp dụng cho trường mình. 

Người lãnh đạo trường cần có tình yêu với ngôi trường mình gắn bó, sự cảm thông với giáo viên và có cách tổ chức phù hợp”.

Tháng 8/ 2019, bước sang năm 34, người thầy Nguyễn Duy Tiến vẫn lang bạt trên những con đường, ngọn núi của những huyện vùng cao, khơi đèn đom đóm trên non.

Vũ Ninh