Trước làn sóng chỉ trích những sai sót trong cuốn sách giáo khoa tiếng Việt Cánh Diều, không ít phụ huynh quê tôi đặt câu hỏi, sách sai nhiều như thế làm sao các thầy cô vẫn chọn? Lẽ nào các thầy cô không biết?
Bộ sách Cánh Diều được nhiều trường học chọn (Ảnh: Báo người Lao động) |
Câu hỏi quá đúng, giáo viên trả lời sao đây?
Nếu đúng như câu hỏi của một số phụ huynh “Lẽ nào các thầy cô không biết những hạt sạn đã được công chúng chỉ ra?” thì thật buồn và xấu hổ.
Thế nhưng vẫn phải công tâm nói ra rằng, có giáo viên chọn sách Cánh Diều vì chưa đọc kỹ nên không thấy được những hạt sạn ấy.
Có giáo viên biết sách chưa ổn nhưng không muốn nói (kiểu sống bàng quan như không liên quan đến mình, làm sao cũng được) và một bộ phận giáo viên khác là biết mà không dám nói (luôn mang suy nghĩ, nói cũng không được gì và chọn cách im lặng là vàng).
Nhưng vẫn còn không ít những giáo viên thật sự không biết đó là những “hạt sạn” để có ý kiến nên chọn bừa, chọn ẩu.
Vì sao chọn sách mà chưa đọc kỹ?
5 bộ sách được chọn trong một buổi sáng thì bạn có đọc kỹ được không? Nhiều trường học đã chọn sách như thế.
Họ thành lập Hội đồng bình chọn sách đúng như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là có ít nhất 11 thành viên gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, 5 tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, đại diện phụ huynh và giáo viên dạy lớp 1 năm học tới.
Cả trường cũng chỉ có 5 bộ sách, Hội đồng bình chọn phân nhóm để đọc, rồi từng nhóm lại phân chia cho các thành viên người đọc sách tiếng Việt, người xem sách Toán, người phụ trách sách nghệ thuật…
Thế nên, nhóm này đọc bộ sách này, nhóm kia sẽ tham khảo bộ sách khác. Các thành viên chỉ có khoảng 3 tiếng để đọc hết dăm chục cuốn sách giáo khoa.
Vì thế, giáo viên chủ yếu dở sách xem qua loa chủ yếu nhìn hình, nhìn chữ (chứ sao đủ thời gian để đọc và suy ngẫm?) rồi ghi đôi ba lời nhận xét của cá nhân mình vào giấy.
Vì sao hơn 2/3 thành viên Hội đồng thẩm định của chúng tôi lại chọn bộ sách “Cánh Diều”?
Nơi nào thì không biết, hội đồng bình chọn sách của chúng tôi tuyệt đối không có sự chỉ đạo ngầm cũng như những gợi ý xa gần về bộ sách nào đó. Cả hội đồng thống nhất ý kiến thiểu số phải phục tùng đa số.
Buổi bình chọn hôm ấy, có 11 thành viên mà tới 8 thành viên chọn bộ sách “Cánh Diều”.
Mặc dù lúc ấy cũng có ý kiến cho rằng, những ngữ liệu trong sách tiếng Việt Cánh Diều không hay, nhiều vần bị ép dạy nên câu từ trúc trắc, khó hiểu.
Cả 2 tập của sách phần nhiều là truyện ngụ ngôn và phỏng theo của một số nhà văn nước ngoài nổi tiếng. Cách xé nội dung truyện ra làm 2 phần để dạy vào các tiết khác nhau khó mang tính giáo dục.
Dù thế, nhiều giáo viên vẫn cứ muốn chọn bộ sách này để dạy vì một lý do vô cùng đơn giản: Nhìn chung, bộ sách Cánh Diều phần kiến thức dạy cho học sinh là nhẹ nhất so với 4 bộ sách còn lại, điều này phù hợp với học sinh vùng thôn quê ít có điều kiện và thói quen học tiền lớp 1.
Những bộ sách còn lại dạy quá nhanh nên mới đến tuần 15 các em đã phải đọc thông viết thạo. Một số bài tập đọc của lớp 2 được đưa vào sách để dạy cho học sinh lớp 1…
Và thế là, thiểu số phải phục tùng đa số nên bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã được trường tôi và một số trường đồng nghiệp chọn như thế.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để những bộ sách đầy sạn lọt vào nhà trường như thế này trước hết trách nhiệm lớn nhất thuộc về Hội đồng thẩm định quốc gia và Hội đồng thẩm định của chính trường học ấy.
Bởi, tác giả viết sách kiểu gì là quyền của họ nhưng không lọt qua khâu kiểm định những bộ sách ấy cũng chỉ là những bản thảo được xếp xó, nằm chờ.
Và nếu, có cách nào đó những bộ sách chưa đạt chất lượng lọt qua Hội đồng thẩm định quốc gia nhưng các trường học nhất quyết không chọn thì sách cũng chẳng có cơ hội được đến tay người tiêu dùng.