Tôi cho rằng, đi xuất khẩu lao động cũng là một nghề

15/02/2019 09:19
Thạc sĩ Trần Nguyên Hào
(GDVN) - Ngành giáo dục cần có sự nhìn nhận con đường xuất khẩu lao động/đi ra nước ngoài làm ăn như một nghề thực sự để có nội dung và các biện pháp tư vấn cần thiết.

LTS: Thạc sĩ Trần Nguyên Hào cho rằng, hiện nay, việc tư vấn hướng nghiệp ở nhiều trường trung học phổ thông chưa được chú trọng.

Từ đó, Thạc sĩ Trần Nguyên Hào đã có bài viết chia sẻ về vấn đề tư vấn hướng nghiệp ở các trường trung học phổ thông khi học sinh đi xuất khẩu lao động.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều năm trước, trong những lần đến các trường trung học phổ thông ở các vùng nông thôn, rất nhiều em cho biết không chọn nghề nào để học, không chọn ngành nào để thi vào các trường đại học, cao đẳng. Hỏi ra tôi mới biết các em chọn con đường đi xuất khẩu lao động.

Lao động Việt Nam tại phân xưởng may tại Đài Loan (Ảnh minh họa: laodongngoainuoc.vn).
Lao động Việt Nam tại phân xưởng may tại Đài Loan (Ảnh minh họa: laodongngoainuoc.vn).

Đến bây giờ thì tôi chính thức gọi con đường đi xuất khẩu lao động hay nói đơn giản là đi ra nước ngoài tìm việc làm ăn là một nghề, bởi lẽ:

Thứ nhất, trong những năm gần đây, tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông lựa chọn con đường này ngày một tăng, trong khi tỉ lệ học sinh chọn học nghề và thi vào các trường đại học, cao đẳng trong nước ngày càng giảm.

Thứ hai, những học sinh đã đi ra nước ngoài làm ăn sau khi kết thúc hợp đồng làm việc tại một công ty từ 3 đến 5 năm đã tiếp tục tìm cách ở lại sống chui, làm chui hoặc tìm cách đi sang nước khác có chính sách quản lý người nhập cư “dễ thở” hơn.

Nhiều trường hợp về quê sau khi hết hợp đồng xuất khẩu lao động, do không có việc làm, không được đào tạo một nghề chuyên môn rõ ràng nên lại tìm đường sang lại nước cũ hay sang các nước khác làm ăn theo một chu kỳ mới.

Việc tư vấn nghề, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho học sinh hiện nay đang được ngành giáo dục chú trọng bởi sự cần thiết của nó.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều tài liệu, nhiều cẩm nang về tư vấn hướng nghiệp dành cho đội ngũ tư vấn viên của các tổ chức, hội tổ chức nghề nghiệp cùng đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn của các trường trung học phổ thông.

Tôi cho rằng, đi xuất khẩu lao động cũng là một nghề ảnh 2Hướng nghiệp, phân luồng tốt sẽ giúp học sinh định hướng tương lai

Công tác này cũng đang dần được triển khai thường xuyên hơn, có chủ đích hơn và có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên nếu chưa quan tâm đến đội ngũ ngày càng đông học sinh lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để lập nghiệp hay tự xuất cảnh sang các nước láng giềng để mưu sinh thì công tác tư vấn hướng nghiệp, tư vấn nghề tại các trường trung học phổ thông sẽ không phát huy hết ý nghĩa, tác dụng của nó.

Hiện nay, việc tư vấn hướng nghiệp ở nhiều trường trung học phổ thông chưa được chú trọng thực hiện vì thiếu đội ngũ tư vấn viên độc lập và Đoàn thanh niên cũng chưa thực sự quan tâm triển khai các diễn dàn, các hoạt động thực sự lôi cuốn và có nội dung thiết thực.

Vì vậy các công ty tư vấn và tuyển sinh du học, các công ty tư vấn tuyển lao động đi nước ngoài đã gần như nắm lấy “ngọn cờ” này bằng các chương trình tài trợ hoặc hỗ trợ ban giám hiệu nhà trường, Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động ngoại khóa đào tạo kỹ năng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Mục đích của các công ty này là giới thiệu, quảng bá các chương trình du học, xuất khẩu lao động của mình để thu hút được càng nhiều học sinh tham gia sau khi có sự đồng ý của gia đình.

Phải ghi nhận rằng nhiều gia đình đã đổi đời, nâng cao được chất lượng cuộc sống như có nhà lầu, xe hơi và các phương tiện sống hiện đại nhờ có con em xuất khẩu lao động, làm ăn ở nước ngoài.

Các em học sinh khi đang học phổ thông đã nhìn thấy được điều đó, mơ tưởng đến những mức lương cao hơn rất nhiều so với ở Việt Nam, những phương tiện vật chất mà mình sẽ mua sắm được nếu chọn con đường đi ra nước ngoài như các bậc cha anh, bạn bè và hàng xóm đang làm.

Tuy nhiên nghề xuất khẩu lao động như chúng ta thấy chưa thật sự bền vững và còn nhiều hệ lụy đối với bản thân người lao động cùng vợ/chồng, con cái của họ chưa có thể khắc phục được.

Đó là tình trạng người lao động lựa chọn công ty xuất khẩu lao động chưa thực sự tốt với kinh phí xuất cảnh cao, điều kiện sống, làm việc, chế độ lương chưa được bảo đảm, ngành nghề làm việc ở nước ngoài chưa phù hợp; người lao động phải sống chui, làm chui trong tình trạng ngoài vòng pháp luật, thiếu điều kiện về bảo hiểm, an ninh…

Tôi cho rằng, đi xuất khẩu lao động cũng là một nghề ảnh 3Đóng góp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng trong chương trình phổ thông

Đó là tình trạng vợ chồng, cha con, mẹ con thiếu thốn tình cảm do phải xa cách rất nhiều năm trời; con cái thiếu sự quan tâm, giáo dục, chăm sóc của bố hoặc mẹ, thậm chí là của cả bố và mẹ - tạo ra sự đứt gãy về giáo dục gia đình, về văn hóa, đạo đức gia đình.

Chưa kể tới những tiêu cực có thể nảy sinh ở chồng/vợ do xa cách, thiếu sự “cân bằng” như tiêu xài lãng phí, ngoại tình…những tệ nạn có thể nảy sinh ở con cái như ăn chơi đua đòi, rượu chè, ma túy... do thiếu sự quản lý, giáo dục đầy đủ từ bố và mẹ.

Vì vậy, theo người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông thống kê số lượng học sinh đã lựa chọn con đường xuất khẩu lao động và làm việc ở nước ngoài.

Ngành giáo dục cần có sự nhìn nhận con đường xuất khẩu lao động/đi ra nước ngoài làm ăn như một nghề thực sự để có nội dung và các biện pháp tư vấn cần thiết và phù hợp.

Cần nắm vững bức tranh tổng quan về các chương trình du học, xuất khẩu lao động của các bộ ngành và các công ty để có thể cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho học sinh trước khi các em đồng ý lựa chọn theo sự tư vấn của các công ty du học, xuất khẩu lao động.

Cần hình thành và đào tạo một đội ngũ tư vấn viên không chỉ làm công tác hướng nghiệp cho học sinh mà còn tư vấn về tâm lý, về vốn sống cho các em để giúp các em có một nghề nghiệp lâu dài với thu nhập tốt, đồng thời xây dựng, vun đắp được một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống tốt đẹp và bền vững.

Thạc sĩ Trần Nguyên Hào