Tôi muốn được bàn thêm, tranh luận về triết lí giáo dục ​

02/12/2018 06:45
PHẠM ANH TUẤN
(GDVN) - Hầu hết tranh luận về triết lí giáo dục hiện nay đều trật khấc ngay từ đầu. Các tranh luận đều thực sự đã hoặc dễ sa vào sự tranh luận về “chính sách” giáo dục

Hầu hết các tranh luận về triết lí giáo dục hiện nay đều trật khấc ngay từ đầu. Các tranh luận đều thực sự đã sa vào hoặc rất dễ sa vào sự tranh luận về “chính sách” giáo dục.

Mặt khác, trong hầu hết các trường hợp thì tư duy về triết lí giáo dục là tư duy theo lối “tổng kết”.

Tranh luận theo hướng chính sách giáo dục đem lại sự an toàn. Sự tranh luận vì thế chỉ là theo lối tranh luận “dựa theo” cái này, cái kia và lặp đi lặp lại những điều ang áng với những gì đã được đề ra, đã được “thừa nhận là đúng” qua các chính sách giáo dục.

Vì thế, sự tranh luận là hết sức vô bổ. Nó không đem lại bất kì giải pháp nào mới.

Triết lý giáo dục(Ảnh chưa rõ tên tác giả).
Triết lý giáo dục(Ảnh chưa rõ tên tác giả).

Tư duy theo lối tổng kết là tư duy kiểu “qui nạp”, nếu muốn nói rộng ra và theo lối lập luận lôgic nhị phân, đúng - sai.

Điểm chết người của lối tư duy này là nó chỉ nói lại một lần nữa, “suy ra” lại một lần nữa những cái đã biết, những cái đã quen. Nó không nói được cái mới. Với tính chất như thế sự tranh luận chỉ là tranh luận suông.

Đó chính là lí do giải thích vì sao từ bao lâu nay đến giờ các cuộc tranh luận về triết lí giáo dục đều mơ hồ, lan man, thậm chí bừa phứa.

Triết lí giáo dục hẹp hơn, cụ thể hơn Triết học giáo dục. Triết lí giáo dục hẹp hơn, cụ thể hơn bởi vì nó chính là hoạt động thực tiễn (praxis) xét như đối lập lại với Triết học giáo dục là “lí luận” (theory).

Triết lí giáo dục nhiều khi có thể xung đột với Triết học giáo dục. Nhưng, không có Triết học giáo dục (Triết học viết hoa) thì Triết lí giáo dục trở thành tầm thường, thậm chí ngô nghê.

Nói Triết lí giáo dục là hành động thực tiễn tức là nói Triết lí giáo dục là triết lí vận dụng vào nhà trường.

Và “miếng đất” nuôi dưỡng Triết lí giáo dục là nơi Triết lí giáo dục phải cày ải, không gì khác chính là Tâm lí học, là trình độ về Tâm lí học.

Đem Tâm lí học vận dụng vào Nhà trường thì ta có Tâm lí học Trẻ em, Tâm lí học Sư phạm.

Người khai sơn phá thạch cho Triết lí giáo dục theo hướng này là một người được đào tạo về sinh vật học rồi chuyển sang nghiên cứu hoạt động tâm lí ở trẻ em.

Ông tên là Jean Piaget (sinh 1896, mất 1980). Trước Piaget Triết học đã có bàn đến, đã tranh luận nhiều vấn đề quan trọng về trí khôn ở Người, song Triết học như bản tính của nó không đưa lại các câu trả lời cụ thể.

Jean Piaget, bằng sự quan sát và phương pháp được ông gọi là “clinique” (phương pháp “lâm sàng”) đã “trực quan hóa” được những quan niệm chỉ được bàn tới một cách triết học.

Các thực nghiệm trên trẻ em của ông cực kì giản dị song đem lại những kết quả tuyệt vời vận dụng vào thực tiễn giáo dục. Piaget đã lí giải được sự phát sinh - phát triển của Trí khôn Người.

Chỉ trong vòng mấy năm đầu đời trẻ em đã trải qua một cách tự nhiên các giai đoạn đặc thù, ôn lại (recapitulation) chính chặng đường phát triển của Trí khôn Người, được tóm tắt bằng khái niệm Triết học: quá trình của sự phát sinh cá thể (ontogenèse) và phát sinh loài (phylogenèse).

Tôi muốn được bàn thêm, tranh luận về triết lí giáo dục  ​ ảnh 2Rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa mục tiêu và triết lý giáo dục

Một trong những thực nghiệm giản dị mà lẫy lừng nhất, “đẹp” nhất là thực nghiệm lí giải trẻ nhỏ bắt đầu có tư duy biểu tượng (représentation) khi nào: thực nghiệm về sự tồn tại thường xuyên của vật (la permanence de l’objet).

Thiên tài Einstein chính là người đã “gà” cho Piaget làm thực nghiệm này và sau này Einstein đã có lời ngợi ca về Piaget “Chỉ có thiên tài mới nghĩ ra một điều giản dị đến vậy”.

Trước khi trẻ em có tư duy biểu tượng, trí khôn ở trẻ em có bản tính là cảm giác - vận động (sensorimoteur). Trẻ em chỉ thực sự là người đúng nghĩa kể từ lúc có tư duy biểu tượng.

Trí khôn cảm giác - vận động là trí khôn trực nhận, nhờ trí khôn này mà trẻ em với tư cách cá thể loài mới có thể “sống sót”, cho nên trí khôn này là trí khôn thực tiễn, thực dụng.

Một kết luận được rút ra từ Tâm lí học Piaget là cho tới trước tuổi đi học thì trí tuệ của mỗi đứa trẻ chủ yếu là thành tựu của cá nhân mỗi em: các em đã “tự học” lấy cho mình các quan niệm (conception) về sự vật vật lí và không gian (mà sau này môn Vật lí trong Nhà trường sẽ dạy) như sự bảo toàn về lượng, vật đứng trước, đứng sau, quan hệ nhân quả...

Và cả những quan niệm “bậc cao” như quan niệm về sự công bằng, về luật lệ, về phán xét, về đánh giá, về bầu ra thủ lĩnh… (các trò chơi dân gian của trẻ em).

Rồi những quan niệm về “đạo đức” như tình đoàn kết, sự chia sẻ, sự “tận hiến” (Trẻ em không biết “phân phối” thời gian và sức lực như thường thấy ở Người Lớn).

Nếu dừng lại ở Piaget thì Nhà trường sẽ thế nào? Ở Mĩ hiện tại có một nhà giáo dục, ông chưa theo học Piaget một ngày nào song đã tôn Piaget là bậc Thầy của mình, thậm chí là Thầy duy nhất.

Ông tên là Howard Gardner, sinh năm 1943. Gardner đã chỉ ra những sai lầm có tính căn bản của Piaget.

Thứ nhất, Piaget tin rằng sự phát triển phải trải qua một loạt những sự biến đổi về chất về tư duy biểu trưng và nhận thức. Điều này không hoàn toàn đúng.

Thứ hai, Piaget xem các mốc giai đoạn phát triển giống như những cái “ách”, chúng khóa chặt tại chỗ tựa như các bộ phận gài khớp nhau của một chiếc đồng hồ.

Thứ ba, chân dung trí khôn của đứa trẻ do Piaget miêu tả là gồm những năng lực của nhà khoa học, thực chất là “hình ảnh” nhà khoa học Âu châu da trắng điển hình.

Thứ tư, Piaget dường như cho rằng tư duy về số, tư duy lôgic là trung tâm của trí tuệ.

Cuối cùng, Piaget đã sai lầm khi cho rằng trẻ càng lớn thì các cách nhận thức càng phức tạp lên và các dạng nhận thức có sau bao giờ cũng xóa bỏ các dạng nhận thức có trước.

Howard Gardner không phải phủ nhận Piaget mà phủ định Piaget, là thắng - vượt (depassment), tức tiếp thu và vượt qua Piaget.

Cơ sở của sự thắng - vượt ấy là lí thuyết về nhiều dạng trí khôn được Gardner công bố lần đầu năm 1983 trong  Frame of Mind: Theory of Multiple Intelligences (Bản dịch tiếng Việt Cơ cấu trí khôn: Lí thuyết về nhiều dạng trí khôn năm 1995 của Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập Nhóm Cánh Buồm, được tái bản rất nhiều lần) và sau đó là lí thuyết về trí khôn phi học đường (the unschooled mind) được công bố lần đầu năm 1991 trong The Unschooled Mind (bản dịch tiếng Việt Trí khôn phi học đường của Phạm Anh Tuấn sắp ra mắt nay mai).

Lí thuyết thứ nhất đã được nói tới nhiều, đã thành rất quen thuộc, với ngay cả độc giả bình thường (và đã được chính dịch giả cuốn sách vận dụng vào biên soạn sách giáo khoa và dạy học trên lớp từ nhiều năm nay) nên chỉ xin cùng nhắc lại vài điểm cốt yếu: Trí khôn Người là một sản phẩm của tiến hóa và sự sống sót qua hàng ngàn vạn năm của loài người.

Tôi muốn được bàn thêm, tranh luận về triết lí giáo dục  ​ ảnh 3Muốn có Triết lý giáo dục, thực sự rất đơn giản

Tại mỗi giai đoạn tiến hóa, ở mỗi địa điểm tiến hóa lại có sự trội - sinh (emergence: sự “ra mắt” theo cách trội lên của một cái này so với cái khác) rồi được đề cao của một dạng trí khôn nào đó.

Và sau này còn có sự góp phần của văn hóa và cả của chính nhà trường cũng là một định chế văn hóa sinh sau đẻ muộn).

Như vậy là không chỉ có một “dạng” trí khôn, mà có nhiều dạng trí khôn ở trong Trí năng con người.

Lí thuyết thứ hai bảo rằng trẻ em trước tuổi đến trường có các dạng nhận thức tự nhiên. Các dạng nhận thức ấy không biến mất (như Piaget nghĩ) khi chúng bước vào môi trường học đường.

Nhiều nhận thức và điều này mới đáng để Nhà trường lưu ý, nhiều nhận thức sai hay sự “ngộ nhận” (misconception) và nhiều sự lí giải sai hay “ngộ giải” (tức kì thực trẻ em vẫn coi cái “sai” của chúng đó là “đúng”: misinterpretation) không biến mất khi trẻ em bắt đầu đi học, thậm chí theo đuổi chúng cho tới khi là người trưởng thành.

Tức là trong người học hay hễ khi học tập là có các “dạng người học” khác nhau: người học “tự nhiên” (trực giác), người học “hợp” với lối học trong môi trường “học đường”, người học hợp với “bộ môn” nào đó trong học đường.

Vấn đề là cả ba dạng này tồn tại song hành, ảnh hưởng có tính “cưỡng chế” của mỗi dạng mạnh yếu tùy theo mỗi cá nhân.

Và điều này làm thay đổi sự nhận thức về cách học tập ở trong nhà trường nói chung và ở trong các môi trường học tập khác không mang tính “học đường” thuần túy (ví dụ trẻ em đi tham quan viện bảo tàng, học nghề...).

Sự hiểu biết, cả về bề rộng lẫn bề sâu, của thế hệ các nhà nghiên cứu hậu - Piaget về trí thông minh như Howard Gardner đã gián tiếp ảnh hưởng tới trạng thái nhận thức của nhiều nhà trường trên thế giới.

Đơn cử, tuy không nói ra một cách hiển ngôn, song Nhà trường Mĩ hiện nay không còn cuồng sốt với việc xếp hạng trí thông minh, xếp hạng học sinh, xếp hạng nhà trường, trắc nghiệm I.Q hay kiểm tra đánh giá học sinh bằng trắc nghiệm đúng - sai…

Dòng nghiên cứu Gardner cũng không ngả theo một hướng nghiên cứu lớn về khả năng nhận thức đang chịu ảnh hưởng khá lớn của Piaget đó là coi trí thông minh như một bộ vi xử lí của chiếc máy điện toán. 

Cũng không quá “duy sinh học” như nơi Noam Chomski chẳng hạn khi coi trí thông minh người cũng là một “bộ phận cơ thể” như bao bộ phận khác: ta đâu có thể dạy quả tim biết đập, lá gan biết lọc độc tố.

Howard Gardner công khai thừa nhận Piaget là Thầy, song có lẽ ông chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ Vygotski người Nga (sinh cùng thời với Piaget, song mất rất sớm), một người vốn được đào tạo về Luật song chuyển sang nghiên cứu Tâm lí học, chủ yếu là tâm lí học nghệ thuật. Howard Gardner còn nhìn thấy yếu tố văn hóa, xã hội của trí thông minh.

Tôi muốn được bàn thêm, tranh luận về triết lí giáo dục  ​ ảnh 4Triết lý giáo dục Việt Nam phải đề cao pháp trị và sự tử tế

Mỗi nền văn hóa, mỗi xã hội lại đề cao, ưu tiên một dạng trí thông minh nào đó. Có một dạo xã hội rất đề cao các kĩ năng lãnh đạo, các kĩ năng của một “CEO”, thì đó cũng là một biểu hiện của điều nói trên.

Hiện nay Howard Gardner vẫn đang theo đuổi dự án giáo dục của Đại học Harvard (Project Zero) và một số dự án riêng khác (ví dụ dự án có tên Good Work).

Như bản thân tôi thấy, qua đọc “giữa hai hàng chữ” một số cuốn sách mới nhất của ông (Truth, Beauty and Goodness; The Disciplined Mind) Howard Gardner có tham vọng lớn hơn nhiều chứ không chỉ giới hạn ở nghiên cứu về trí khôn và nhận thức.

Cao vọng của ông tiến gần hơn tới một thứ Triết học giáo dục, có thể là thuần tư biện, ít có điều kiện thực nghiệm.

Song, như một nhà nghiên cứu có tính cải cách, Howard Gardner lại vô tình rơi vào một cái bẫy tự nhiên mà ông từng phê phán.

Về “trọng tâm” âm nhạc, ông đã chọn nhạc Mozart, một nhà soạn nhạc Tây phương điển hình và ông tỏ ra lúng túng khi giải thích việc lựa chọn này.

Nghiên cứu triết lí giáo dục nhất thiết phải học hỏi cách người ta dạy con em họ như thế nào, song cũng bắt buộc phải tìm hiểu con em của chính mình. Từ nay cần phải giải tán thói quen nhập khẩu theo lối sao chép cái của người ngoài.

PHẠM ANH TUẤN