Tôi nghĩ 20/3 giáo viên chưa thể hưởng bảng lương mới, thầy cô chớ vội mừng

07/02/2021 06:42
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên hạng I cấp tiểu học đến trung học phổ thông có hệ số lương lên đến 6.78 nên nhiều giáo viên hy vọng từ ngày 20/03/2021 tới đây sẽ được thực hiện.

Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin về việc Bộ Giáo dục ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.

Trên các trang mạng xã hội thì nhiều thầy cô cũng hân hoan chia sẻ lại các bài viết này vì từ tháng 3 tới đây giáo viên không còn phải lo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và ai cũng thấy mừng khi các Thông tư này hướng dẫn cách xếp lương hạng II, hạng I cao hơn rất nhiều hiện nay.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên chỉ nên mừng về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, còn chuyện xếp lương theo hạng II và hạng I như các Thông tư này thì còn phải… chờ đợi vì nó liên quan đến chính sách tiền lương nói chung.

Việc trả lương theo vị trí việc làm đã được lùi lại đến năm 2022 (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Việc trả lương theo vị trí việc làm đã được lùi lại đến năm 2022 (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Giáo viên chưa nên vội mừng về chuyện…tăng lương theo hạng vào tháng 3/2021

Ngay sau khi Bộ ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập thì ngoài việc mừng Bộ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên còn mừng vì các Thông tư này hướng dẫn xếp hệ số lương mới rất cao.

Cụ thể: đối với giáo viên mầm non thì lương giáo viên mầm non hạng III - Mã số V.07.02.26 có hệ số lương từ 2.1 đến 4.89; giáo viên mầm non hạng II - Mã số V.07.02.25 có hệ số lương từ 2.34 đến 4.98; giáo viên mầm non hạng I - Mã số V.07.02.24 có hệ số lương từ 4.0 đến 6.38.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học có hệ số lương như sau: Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số V.07.03.29 có hệ số lương từ 2.34 đến 4.98; giáo viên tiểu học hạng II - Mã số V.07.03.28 có hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên tiểu học hạng I - Mã số V.07.03.27 có hệ số lương từ 4.4 đến 6.78.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở có các mức lương: Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số V.07.04.32 có hệ số lương từ 2.34 đến 4.98; giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31 có hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số V.07.04.30 có hệ số lương từ 4.4 đến 6.78.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông được hướng dẫn xếp lương như sau: Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15 có hệ số lương từ 2.34 đến 4.98; giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số V.07.05.14 có hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13 có hệ số lương từ 4.4 đến 6.78.

Nhìn vào bảng xếp lương giáo viên hạng II, hạng I từ cấp mầm non lên đến trung học phổ thông quả là cao hơn hiện tại rất nhiều.

Bởi, theo cách trả lương hiện nay đang dựa theo thâm niên công tác, bằng cấp, phụ cấp và được tính trên hệ số lương x (nhân) với lương cơ sở và hệ số 4.98 là kịch khung đối với giáo viên các cấp học này.

Bây giờ, theo cách xếp lương mới thì lương giáo viên hạng I từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông có hệ số lên đến 6.78 nên nhiều giáo viên hy vọng từ ngày 20/03/2021 tới đây sẽ được thực hiện.

Nhất là đa phần giáo viên đã được xếp hạng giáo viên hạng II từ mấy năm nay theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015.

Mong ước của giáo viên được xếp lương theo hướng dẫn của các Thông tư mà Bộ mới ban hành liệu có thành hiện thực?

Tham khảo các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập mà Bộ vừa ban hành, chúng tôi nghĩ mọi việc không giản đơn như vậy.

Giáo viên sẽ chưa được xếp lương theo hạng mà các Thông tư Bộ vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/03/2021 tới đây bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất: chiều 20/10/2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021…

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu. [1]

Như vậy, cho dù theo lộ trình, việc điều chỉnh lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu từ 1/7/2020 nhưng năm 2021 này vẫn chưa có thể thực hiện được.

Việc chưa tăng lương cơ sở thì mọi cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước đều có thể nhìn thấy những khó khăn về kinh tế đang hiện hữu vì suốt năm 2020 và đến giai đoạn này là những tháng đầu năm 2021 nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp.

Các hoạt động về kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, có được sự tăng trưởng dương trong bối cảnh năm 2020 là sự nỗ lực tối đa của toàn hệ thống chính trị trên cả nước.

Nhưng, rõ ràng việc tăng lương cho gần chục triệu người đang công tác, nghỉ hưu và hưởng các chế độ chính sách quả là quá tải đối với ngân sách nhà nước hiện nay.

Thứ hai: theo Nghị quyết 27/NQ/TW đã nêu rõ: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương 13 vào ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 01/7/2022 thay vì từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW. [2]

Thứ ba: ở cuối các Thông tư mà Bộ vừa ban hành đều có phần Tổ chức thực hiện, chẳng hạn như Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn ở Điều 11 như sau:

“1. Thông tư này là căn cứ để xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở và thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên trung học cơ sở trong các trường trung học cơ sở công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Người đứng đầu các trường trung học cơ sở công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm: Xây dựng Đề án vị trí việc làm; xác định cụ thể cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở phù hợp với điều kiện của nhà trường và bảo đảm thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển đội ngũ của nhà trường;

Rà soát Đề án vị trí việc làm, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên trung học cơ sở trong trường trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp…”.[3]

Nhưng, hiện nay Bộ mới ban hành Thông tư, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chưa hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện Thông tư này và người đứng đầu các đơn vị cũng chưa thể xây dựng đề án. Vì thế, mọi chuyện mới tạm gọi là…bắt đầu cho một lộ trình mà thôi.

Thứ tư: việc xếp lương giáo viên theo hạng mới chỉ là Bộ Giáo dục thông qua nhưng trong thời gian qua thì chúng ta thấy chỉ việc tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên sau ngày 1/7/2020 mà Bộ cũng đã phải trình Chính phủ mới có thể duy trì phụ cấp thâm niên như hiện nay.

Trong khi, việc tăng lương cho giáo viên- khoảng một nửa biên chế cả nước thì nó còn liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, cơ quan khác chứ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chưa thể quyết được việc xếp lương theo hạng của giáo viên.

Chính vì những lý do trên nên giáo viên cả nước cứ “tạm yên tâm” với hệ số lương, phụ cấp hiện hành cho đến khi Nhà nước cải cách tiền lương đồng bộ như tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-de-nghi-chua-tang-luong-co-so-trong-nam-2021-847066.ldo

[2] https://tuoitre.vn/trung-uong-dong-y-lui-thoi-diem-cai-cach-tien-luong-1-nam-20201009221004772.htm

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-03-2021-TT-BGDDT-ma-so-tieu-chuan-vien-chuc-giang-day-truong-trung-hoc-co-so-cong-lap-464399.aspx

LÊ VĂN MINH