Trường công nội thành Hà Nội xây theo chuẩn cũ đã quá tải và lạc hậu từ lâu

07/03/2020 08:36
Tùng Dương
(GDVN) - Các trường học được xây dựng theo quy chuẩn cũ với chiều cao từ 2 - 3 tầng, trong khi thiết kế về hành lang và đặc biệt là nhà vệ sinh đã quá lạc hậu rồi.

Thời điểm hiện nay tất cả các trường công lập trong nội thành việc quá tải sĩ số vẫn đang diễn ra, mặc dù trong vài năm gần đây các các trường ngoài công lập đã được dây dựng nhiều hơn, tuy nhiên tăng dân số cơ học ở các đô thị lớn vẫn tiếp tục khiến tình trạng quá tải vẫn không được cải thiện.

Bên cạnh đó thì nhiều tòa chung cư mọc lên nhưng lại không thấy xây thêm trường học, vấn đề ở đây việc được học tập là nhu cầu chính đáng của người dân, họ phải được đi học.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường: "Nếu được thiết kế từ thực địa cụ thể thì ngôi trường sẽ hợp lý hơn, trường sẽ có nhiều không gian rộng, những khu phòng học hoặc khu chức năng sẽ được sử dụng hết, không lãng phí công năng trong khi quỹ đất quá eo hẹp. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường: "Nếu được thiết kế từ thực địa cụ thể thì ngôi trường sẽ hợp lý hơn, trường sẽ có nhiều không gian rộng, những khu phòng học hoặc khu chức năng sẽ được sử dụng hết, không lãng phí công năng trong khi quỹ đất quá eo hẹp. Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết:

“Trong khi quỹ đất không thay đổi, theo quy chuẩn cũ thì có những quy định là chỉ được xây 3 tầng. Vậy nếu xây theo kiến trúc mới thì cần có những thiết kế phù hợp với thực tế và theo kịp sự phát triển của xã hội.

Ví dụ đối với nhà xe của học sinh thì hoàn toàn có thể để xuống tầng hầm, toàn bộ tầng 1 không xây tường ngăn để thoáng làm không gian chung vui chơi cho học sinh, có thể đổ trụ cao và xây các phòng học từ tầng 2 trở lên.

Toàn bộ tầng 1 chỉ đổ trụ, để thoáng sẽ tạo ra rất nhiều không gian cho học sinh, làm sân bóng rổ, sân cầu lông, bóng bàn…thư viện thân thiện. Tôi thấy nếu tầng 1 làm được như vậy thì nhìn sẽ rất thoáng và rộng.

Còn việc nâng tầng lên cao đến bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào độ an toàn của thiết kế, nhưng điều quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh.

Khi nâng tầng trường học thì độ an toàn cho các em học sinh ở tầng cao phải được đặt lên hàng đầu, và độ an toàn đó như thế nào thì các nhà thiết kế sẽ có lời giải và theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng.

Những trường xây theo quy chuẩn mới, có thang máy thì tôi thấy nên đưa những khu chức năng, phòng làm việc của giáo viên lên trên tầng cao, còn học sinh sẽ học từ tầng 6 trở xuống.

Theo tôi thì những nhà chuyên thiết kế trường học họ sẽ có nhiều giải pháp, giúp cho trường học vừa cao tầng và cũng vừa an toàn cho học sinh. Thực chất về vật liệu xây dựng cũng như công nghệ xây dựng hiện nay đã phát triển rất tốt với nhiều công nghệ mới, hiện đại.

Theo tôi ở trong nội đô thì một ngôi trường 6 -7 tầng là có thể khả thi, cộng với 1 tầng hầm thì rất tuyệt vời. Không gian rộng, trường cũng có nhiều điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở ngay trong khuôn viên trường, việc đó cũng góp phần làm tăng thể chất của học sinh.

Hầu hết những ngôi trường hiện nay khi nhìn vào chỉ thấy toàn nhà là nhà, nhưng nếu để thông thoáng toàn bộ không gian tầng 1 thì sẽ có nhiều không gian hơn. Khi một ngôi trường đẹp, hiện đại thì không chỉ cuốn hút với người lớn, mà trẻ em cũng sẽ thấy yêu ngôi trường hơn. Từ việc yêu trường sẽ dẫn đến các hoạt động học tập khác cũng sẽ tốt lên”.

Nhà rèn luyện thể chất của Trường Trung học cơ sở Thái Thinh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà rèn luyện thể chất của Trường Trung học cơ sở Thái Thinh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Về vấn đề an toàn cho học sinh cấp tiểu học, thầy Cường cho biết: “Cấp tiểu học có từ lớp 1 đến lớp 5, vậy những lớp nào các em đã lớn, hình thành được ý thức tốt cùng với sự quản lý nề nếp của giáo viên thì hoàn toàn có thể để các lớp đó học trên tầng cao. Còn những lớp bé hơn, các em đang hiếu động thì sẽ bố trí học từ tầng 1 đến tầng 2.

Còn với tầng cao thì có nhiều phương án đảm bảo an toàn như dùng lan can cao, nhiều lớp lan can, hoặc có những phương án như ở nước ngoài là họ dùng lan can bằng dây cáp, vừa an toàn cho học sinh nhưng khi có tình huống khẩn cấp xảy ra thì việc cắt các lan can cáp đó lại rất dễ dàng.

Tôi nghĩ các nhà thiết kế về xây dựng họ sẽ có nhiều giải pháp an toàn, thậm chí hay hơn rất nhiều so với những người quản trị nhà trường như chúng tôi.

Theo những thiết kế cách đây tầm 20 năm thì các trường học được xây dựng theo quy chuẩn cũ, mỗi một dãy phòng học chỉ được xây cao 3 tầng thôi, trong khi thiết kế về hành lang và đặc biệt là nhà vệ sinh đã quá lạc hậu rồi.

Có rất nhiều bất hợp lý về mặt quy hoạch, ví dụ thiết kế trước đây là làm chung một bản thiết kế rồi đặt vào cho tất cả các ô đất xây trường học, hoàn toàn không thiết kế từ thực địa của từng ô đất.

Vậy nên đã dẫn đến sự kết nối các dãy nhà với nhau và các công năng của tòa nhà rất bất cập với học sinh, ngay như trong trường có nhiều chỗ đất để trống nhưng công năng sử dụng lại thấp, thậm chí bỏ không trong suốt thời gian dài trong khi học sinh lại thiếu không gian dành cho vui chơi, học tập.

Nếu được thiết kế từ thực địa cụ thể thì ngôi trường sẽ hợp lý hơn, trường sẽ có nhiều không gian rộng, những khu phòng học hoặc khu chức năng sẽ được sử dụng hết, không lãng phí công năng trong khi quỹ đất quá eo hẹp.

Hiện nay có rất nhiều ngôi trường đã được xây từ lâu, thiết kế cũ không còn phù hợp, xuống cấp nhưng vẫn có tình trạng sửa chữa chắp vá, dẫn đến việc vừa tốn ngân sách nhưng lại không đồng bộ.

Chính sự quy hoạch không đồng bộ, chắp vá dẫn đến những khu nhà xây mới khập khiễng với những cái đã cũ, như vậy là tổng thể cả công trình đều không đạt được hiệu quả về công năng cũng như về mặt thẩm mỹ. Đó là điều bất cập hiện nay”.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Xây cao tầng sẽ dành ra được quỹ đất bên dưới để tạo thêm các khu hoạt động thể chất cho học sinh như bể bơi, sân bóng… đó là điều nên làm. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Xây cao tầng sẽ dành ra được quỹ đất bên dưới để tạo thêm các khu hoạt động thể chất cho học sinh như bể bơi, sân bóng… đó là điều nên làm. Ảnh: Tùng Dương.

Xây cao tầng sẽ giảm quá tải học sinh

Cũng về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội, chia sẻ:

“Thực ra ý kiến này không phải bây giờ mới có, mà nhiều trường cũng đã có ý kiến từ mấy năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do quỹ đất ở trong nội đô ít quá nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến mặt bằng sử dụng cho học sinh và đặc biệt là ở trường chuẩn.

Đối với học sinh trung học phổ thông thì các con cũng lớn rồi, nên nếu để tạo điều kiện cho các nhà trường thì tôi thấy việc cho phép xây lên 6 - 7 tầng và 1 tầng hầm thì hoàn toàn không có vấn đề gì.

Hiện nay kỹ thuật về xây dựng đã tốt hơn trước rất nhiều với công nghệ mới nên việc xây cao tầng cũng không có gì đáng lo lắng, và đối với trường trung học phổ thông các con cũng lớn rồi nên tôi nghĩ hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trường công nội thành Hà Nội xây theo chuẩn cũ đã quá tải và lạc hậu từ lâu ảnh 4

Bộ Xây dựng đang soát xét quy chuẩn kỹ thuật liên quan chiều cao trường học

Tầng hầm sẽ làm nơi để xe và tầng 7 sẽ làm khu hiệu bộ và các phòng làm việc của giáo viên.

Các con nên học từ tầng 6 trở xuống hoặc trường trung học cơ sở các con học từ tầng 5 trở xuống. Tôi cũng đã tham khảo thì thấy ở nước ngoài họ còn đưa bể bơi của học sinh lên tầng 7 mà vẫn đảm bảo an toàn.

Vấn đề nếu được xây 7 tầng thì trường học sẽ giảm được rất nhiều việc quá tải sĩ số học sinh trong một lớp, hơn nữa xây cao tầng sẽ dành ra được quỹ đất bên dưới để tạo thêm các khu hoạt động thể chất cho học sinh như bể bơi, sân bóng… đó là điều nên làm.

Tôi cũng không quá lo về vấn đề thang máy trong nhà trường, vì trường nào cũng đã có thang bộ rất rộng. Hơn nữa chúng ta phải giáo dục để các em hiểu được khi vào thang máy mà nghịch ngợm thì sẽ dẫn đến những việc không hay, có thể nguy hiểm đến tính mạng của chính các con trước.

Còn vấn đề ý thức thì giáo viên phải rèn ý thức cho các con, đây cũng là một cái để mà rèn ý thức chung, các con phải xếp hàng. Tôi đã đến Học viện Ngoại giao và thực sự tôi rất ấn tượng trước cảnh sinh viên xếp hàng vào thang máy một cách rất trật tự.

Đây cũng là một cách mình rèn các con xếp hàng, tiếp cận những điều văn minh khi các con ra ngoài đời. Còn nếu bây giờ chúng ta cứ vin vào việc sợ các con không an toàn khi di chuyển bằng thang máy thì chúng ta mãi mãi không làm được. Chúng ta phải coi đây là một cơ hội để giáo dục học sinh đạt được những điều đó với ý thức chung cao hơn”.

Tùng Dương