Tuyển sinh 2012: Hồ sơ ĐKDT do các Sở phát hành có giá trị toàn quốc

07/02/2012 06:00
Xuân Trung (lược ghi)
(GDVN) - Bộ GD&ĐT sẽ thiết kế hồ sơ ĐKTS và giao cho các Sở GD&ĐT tại các địa phương in ấn, phát hành. Hồ sơ ĐKDT do các Sở phát hành có giá trị trên toàn quốc. 
Đó là thông tin được ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết trong buổi tư vấn tuyển sinh do Đài THVN tổ chức.
Với câu hỏi của một thí sinh tự do năm nay dự thi ĐH, CĐ: “Em là một thí sinh tự do thì nộp hồ sơ ở đâu, hồ sơ của thí sinh tự do có khác gì với hồ sơ của những học sinh đang học lớp 12 hay không?”
Ông Ngôi Kim Khôi cho biết: Đối với thí sinh tự do sẽ nộp hồ sơ tại những địa điểm mà Sở giáo dục tỉnh đó quy định. Khi khai hồ sơ đăng ký dự thi các em khai bình thường như những thí sinh khác, không khác nhau. Mỗi một bộ hồ sơ Bộ GD&ĐT sẽ thiết kế và giao cho các Sở GD&ĐT tại các địa phương in ấn và phát hành. Hồ sơ ĐKDT do các Sở phát hành có giá trị trên toàn quốc, không phân biệt hồ sơ đó được in ấn ở Sở nào. 
Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung
Một phụ huynh có con năm nay bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lo lắng trước thông tin, con vị phụ huynh này đang ôn thi khối H (Toán, Vật lý, Vẽ), nhưng có nghe thông tin chuyển môn Vật lý thành môn Văn. Vậy, thông tin này có chính xác? 
Ông Ngô Kim Khôi trấn an: “Đây là thông tin chưa chính thức, những năm vừa qua chúng ta đã ổn định những khối thi: A, B, C, D và các khối năng khiếu, trong đó có khối V, đây là khối các em học sinh sẽ thi cùng đợt với khối A”. 
Theo ông Khôi, năm nay trên cơ sở đề xuất của các nhà trường, bộ, ngành và với nhu cầu nguồn nhân lực Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, xem xét có thể sẽ bổ sung thêm một vài khối thi để đáp ứng nhu cầu của xã hội và nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu các em thí sinh. Ông Khôi cũng thông tin, giả sử nếu có bổ sung thêm khối thi thì các trường ĐH, CĐ vẫn phải tổ chức thi các khối thi truyền thống, điều đó giúp các em ôn tập cũng như học tập 3 năm qua ổn đinh về tâm lý.
Trước kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng trường ĐH FPT có thống kê về lượng thí sinh cũng như xu thế những năm qua học sinh lựa chọn ngành nghề. Cụ thể, theo một nghiên cứu mới đây của trường ĐH FPT khảo sát trên 20.000 học sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc, năm nay dự thi ĐH, CĐ cho thấy, trong những năm qua các em học sinh lựa chọn những nhóm ngành liên quan tới Kinh tế, tài chính và Quản trị kinh doanh chiếm phần lớn.
Nên tìm hiểu các ngành nghề trước khi làm hồ sơ
“Trước khi thi việc chuẩn bị tâm lý vô cùng quan trọng, nhưng đó chỉ là việc cần nhưng chưa đủ. Quan  trọng hơn, các em cùng với gia đình nên có thời gian tìm hiểu các ngành nghề, trực tiếp là những người đang công tác trong ngành đó để có những dự báo về xu thế 5-10 năm nữa”. 
Ông Nguyễn Xuân Phong – Phó hiệu trưởng Trường đại học FPT
Ông Phong cho biết, thay đổi lớn nhất phải ở khối ngành kinh tế, ngoại thương. Hai ngành này vẫn chiếm áp đảo khoảng 60% số học sinh được hỏi muốn học hai ngành này. Đáng chú ý, ngành Tài chính ngân hàng giảm số lượng học sinh lựa chọn. Cụ thể, năm 2011 con số này là 37% các em được hỏi muốn học ngành này, nhưng năm 2012 tụt xuống chỉ còn 23%.

“Theo quan niệm của tôi, cũng như theo nhiều số liệu của các cơ quan tuyển dụng, các định chế tài chính liên quan thì con số này vẫn là quá lớn, thực tế con số thất nghiệp vẫn rất cao ở nhóm ngành này trong những năm tới. Học sinh cũng cần phải cân nhắc tới con số này” ông Phong lưu ý.
Năm nay, khối ngành có sức hút mạnh nhất là nhóm ngành Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng. Năm trước tỉ lệ chỉ dưới 10%, nhưng năm nay có tới 15% các em được hỏi thích ngành này. Các khối ngành liên quan tới công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có tăng nhẹ so với năm trước. Nhóm ngành liên quan tới khoa học cơ bản vẫn tiếp tục sụt giảm, năm nay xuống dưới 1%. 
Đánh giá về tiềm năng ngành CNTT năm nay, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain – Aptech cho biết, thế giới đã khẳng định và công nhận khả năng tiếp thu công nghệ của giới trẻ Việt Nam thông qua những cuộc thi mang tầm quốc tế. Nếu một vài năm trước đây CNTT chỉ là một nhu cầu tùy chọn (có thể dùng hoặc không), nhưng hiện CNTT đã bám sâu trong đời sống và trở thành nhu cầu cần thiết với con người.

“Điều đó cho thấy nhu cầu của ngành CNTT ngày càng cao và càng ổn định, để theo được ngành  này rõ ràng nhân lực phải có trình độ, công nghệ phải bắt kịp với quốc tế thì mới có khả năng tham gia ngành này” ông Anh cho biết.
Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cho biết, những năm trước đó Quốc hội giao cho mỗi năm phải tuyền được 1,4 triệu lao động. Năm 2011 tuyển sinh được 1,6 triệu lao động vào học các trường dạy nghề trên cả nước.

“Nhu cầu học nghề của học sinh, sinh viên chúng ta ngày càng tăng, cơ bản học nghề đã gắn với việc giải quyết việc làm. Năm 2011, số học sinh học nghề có việc làm là 80%, trong đó có những nghề đạt 90%, thậm chí 100%. Đặc biệt, số học sinh học ở trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề sau khi ra trường đã có thu nhập cao hơn so với những năm trước đây. Những nghề thị trường đang có nhu cầu lớn như CNTT, số em có lương trên 5 triệu/tháng là khá phổ biến” ông Sâm thông tin.
Nghề nào cũng đáng quý!
“Đối với các em học sinh, dù các em học ở cấp độ nào, nghề nào trong thị trường lao động cũng rất quý, các em học sinh nếu đã có nguyện vọng học nghề thì cố gắng làm sao trong quá trình học tiếp thu kiến thức, đặc biệt rèn luyện kĩ năng làm việc và có thái độ làm việc đúng đắn thì bất cứ thị trường nào dù trong hay ngoài nước đều có thể làm được việc”. 
Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Xuân Trung (lược ghi)