Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu

20/02/2019 06:43
Hồng Thủy
(GDVN) - Áp lực từ cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh với các trường tư thục rất lớn, có lẽ chỉ cụ Nguyễn Du mới có thể hiểu được, đoạn trường ai có qua cầu mới hay!

Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán là bắt đầu mùa tuyển sinh đầu cấp. Cũng như mọi năm, câu chuyện áp lực thi tuyển sinh đầu cấp lại được xới xáo và thu hút sự quan tâm không nhỏ của cha mẹ học sinh.

Ngày 24/1/2019 Báo Kinh tế và Đô thị có bài "Cuộc đua ngầm" vào lớp 1, bài viết miêu tả:

"Mặc dù 8 tháng nữa lứa trẻ sinh năm 2013 mới bước vào lớp 1 nhưng thời điểm này nhiều phụ huynh đã phải “cân não” trong việc chọn trường cho con, nhất là những gia đình muốn cho con học tại các trường dân lập chất lượng cao.

Không ít phụ huynh đã phải choáng ngợp về đợt xét tuyển khó hơn thi đại học của một số trường này."

Áp lực tuyển sinh đầu cấp đối với học sinh và cha mẹ rất lớn, bãi bỏ cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh với các trường tư thục sẽ giảm đáng kể áp lực này. Ảnh minh họa: VTV.vn.
Áp lực tuyển sinh đầu cấp đối với học sinh và cha mẹ rất lớn, bãi bỏ cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh với các trường tư thục sẽ giảm đáng kể áp lực này. Ảnh minh họa: VTV.vn.

"Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiêm cấm các trường không được phép tổ chức thi tuyển dưới bất kỳ hình thức nào, song để sàng lọc học sinh đầu vào, nhiều trường đã tổ chức các câu lạc bộ làm quen với lớp 1.

Thông qua các hoạt động của câu lạc bộ, những cuộc thi phân loại chất lượng học sinh vẫn âm thầm diễn ra." [1]

Đối với kỳ tuyển sinh đầu cấp trung học cơ sở, ngày 19/2/2019, Báo Kinh tế và Đô thị có bài Chạy đua luyện thi vào lớp 6 trường điểm, bức tranh tuyển sinh cũng tương tự lớp 1. [2]

Thấy cây, không thấy rừng

Mô tả và bình luận trên Báo Kinh tế và Đô thị về việc tuyển sinh đầu cấp của các trường tư thục ở Hà Nội không có gì mới. Trong bài Nhiều trường ngoài công lập công khai tuyển sinh sớm, đăng ngày 21/3/2018, tác giả cho biết:

"Còn gần 3 tháng nữa mới đến thời gian các trường phát hành hồ sơ tuyển sinh đầu cấp, nhưng hiện tại, nhiều trường đã "phớt lờ" quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển sinh trước thời hạn. Thậm chí, nhiều trường còn tuyên bố đã nhận đủ hồ sơ." [3]

Qua ba bài viết này chúng tôi nhận thấy một xu thế, không ít người làm truyền thông về giáo dục lẫn cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đều không thấy việc cho con em theo học các trường tư thục có thương hiệu là một nhu cầu chính đáng của dân;

Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu ảnh 2

Giám đốc sở Chử Xuân Dũng làm thế nào để cải thiện tín nhiệm, lấy lại niềm tin?

Trách nhiệm của Nhà nước, trong trường hợp này là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, là phải xây dựng cơ chế giúp người dân thực hiện được nguyện vọng của mình.

Hơn nữa, đây là một giải pháp chính sách khả thi và không hề tốn kém, để giảm áp lực sĩ số trường công, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và gánh nặng biên chế cho trường công, tăng cơ hội vào trường công lập cho con em nhân dân lao động còn khó khăn về kinh tế.

Tác giả bài viết "Cuộc đua ngầm" vào lớp 1 dẫn lời Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết cho rằng:

Việc đầu tư cho con em học là việc nên làm, tuy nhiên những năm gần đây hệ thống trường công lập đã được Nhà nước đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nên chất lượng đào tạo không thua kém các trường ngoài công lập. 

Đặc biệt, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng, trẻ sẽ được đào tạo để phát triển cả về năng lực và phẩm chất tại các trường công lập. Do vậy, phụ huynh không cần thiết bằng mọi cách cho con học các trường dân lập chất lượng cao. [1]

Thực tế khác xa những nhận xét được cho là của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong bài viết trên, cũng như điều tác giả bài viết trên muốn nói.

Theo Báo điện tử Zing.vn, năm học 2018-2019, Hà Nội có 130.000 học sinh vào lớp một, tăng 30.000 em so với năm học trước. Lứa học sinh "rồng vàng" 2012 tăng mạnh đã khiến các trường quá tải.

Trong khi điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp có không quá 35 học sinh, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thừa nhận việc quá tải đã khiến sĩ số ở không ít trường tiểu học các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân... lên tới 60 học sinh/lớp.

Đặc biệt, có trường lên đến 69 học sinh/lớp như trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Trường này có 9 lớp một thì 7 lớp có sĩ số 69 học sinh, 2 lớp sĩ số 68 học sinh. 

Ba em phải chen chúc một bàn, trong khi bàn chỉ thiết kế tối đa cho 2 em. [4]

Quá tải sĩ số trường phổ thông công lập từ mầm non đến phổ thông trung học ở Hà Nội là vấn nạn kéo dài hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết. Ảnh minh họa: VTV.vn.
Quá tải sĩ số trường phổ thông công lập từ mầm non đến phổ thông trung học ở Hà Nội là vấn nạn kéo dài hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết. Ảnh minh họa: VTV.vn.

Bởi vậy, thiết nghĩ trước khi phàn nàn cha mẹ học sinh "sính thành tích" và gây áp lực cho con, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nên xem lại mình.

Thực trạng quá tải sĩ số trường công, vấn nạn lạm thu và chất lượng giáo dục, yêu cầu tinh giản biên chế...chính là những việc các cơ quan này cần làm và phải chịu trách nhiệm.

Đừng nhận xét bát phở ngon hay dở thay cho người ăn phở, không ai yêu trẻ em hơn cha mẹ và gia đình của chúng!

Thay vì chỉ đạo, yêu cầu "chấm dứt tình trạng tuyển sinh sai quy định của các trường ngoài công lập" [3], Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên bãi bỏ việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tư thục;

Hãy để các trường tự chủ và để cha mẹ học sinh làm người giám sát tối cao.

Công bằng mà nói, năm học 2018-2019 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã bỏ được một giấy phép con, là Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10, các trường tư thục và cha mẹ học sinh đỡ được một gánh nặng.

Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu ảnh 4

Cứ "thỏa thuận" được với phụ huynh là thoải mái thu tiền, Bộ chỉ đạo vô nghĩa?

Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục nới thời gian tổ chức tuyển sinh của các trường ngoài công lập.

Theo đó, các trường ngoài công lập có thể bắt đầu từ ngày 26/5 đến ngày 12/7/2019, trong khi đó, thời gian tổ chức tuyển sinh vào các trường công lập bắt đầu từ ngày 1/7/2019. 

Đây rõ ràng là những động thái rất đáng hoan nghênh, nhưng chỉ dừng lại ở đây thì e rằng chưa đủ và giáo dục Thủ đô vẫn không thể bứt phá, chừng nào cái vòng kim cô mang tên "chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp" vẫn ngự trị trên đầu các trường tư.

Còn cơ chế xin - cho sẽ còn tiêu cực, những cuộc "chạy" chỉ tiêu không dứt

Mẹ của một học sinh có con chuẩn bị vào lớp 1 năm học này, nói với Báo Kinh tế và Đô thị:

"Tôi tìm hiểu có khoảng hơn 700 trẻ học khóa trải nhiệm ở Archimedes nhưng chỉ tiêu lớp 1 của nhà trường chỉ 320 học sinh. Nếu vượt qua đợt đánh giá của khóa trải nghiệm, các con sẽ phải học tiếp một khóa tiền tiểu học trước khi chính thức vào năm học". [1]

Báo Kinh tế và Đô thị cũng lật lại câu chuyện tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016 khi Hà Nội ra lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6:

Chỉ tiêu chỉ có 400 em nhưng lượng hồ sơ lên tới hơn 4.000 và hồ sơ nào cũng “đẹp như tranh vẽ”. Giai đoạn này, tình trạng “chạy” giải thưởng để còn có thêm điểm cộng đã khiến dư luận bức xúc. [2]

Chúng tôi đã đem câu chuyện này trao đổi với một số lãnh đạo trường phổ thông tư thục có tên tuổi ở Hà Nội với câu hỏi, tại sao nhu cầu cho con em học các trường tư thục có thương hiệu cao như vậy, các trường không mở thêm cơ sở để đáp ứng nhu cầu của dân?

Câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được là, ở Hà Nội có luật bất thành văn, các trường tư thục không được phép mở quá 2 cơ sở.

Kỳ lạ, các trường tư thục càng phát triển thì gánh nặng ngân sách và biên chế cho nhà nước càng giảm, cơ hội học các trường công lập chi phí thấp cho con em nhân dân lao động có mức thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, sẽ càng cao, tại sao Hà Nội không khuyến khích, lại còn kiềm chế các trường tư thục?

Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu ảnh 5

Trường chất lượng cao chỉ biết xin ngân sách, thu tiền, Hà Nội còn giữ làm gì?

Biết là những rào cản phi lý, nhưng không trường nào công khai lên tiếng phản ánh, kiến nghị, bởi "thanh kiếm" chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp luôn lơ lửng trên đầu, cắt chỉ tiêu là các trường "chết"!

Không những thế, duy trì chế độ chỉ tiêu tuyển sinh còn dẫn đến cơ chế xin - cho, có nhiều kiểu lạm quyền ban phát chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp người ta sử dụng để buộc các trường phải "chạy".

Trường đủ tiêu chuẩn cơ sở vật chất, giáo viên, uy tín thương hiệu cũng phải chạy, trường không đủ các tiêu chuẩn càng phải chạy.

Chính Báo Kinh tế và Đô thị, cơ quan ngôn luận của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cũng từng phản ánh, dù khá nhẹ nhàng:

Năm học 2018-2019, một trường phổ thông quốc tế có phí dự tuyển là 600.000 đồng; phí nhập học là 8 triệu đồng. 

Theo nhà trường, khoản phí 8 triệu đồng là dành cho công tác quản lý học sinh và để “làm thủ tục” với phòng và với Sở Giáo dục và Đào tạo trong suốt quá trình con học. [3]

Còn chúng tôi trong quá trình tìm hiểu, được một số thầy cô lãnh đạo trường tư thục cho biết, thực tế còn phức tạp hơn nhiều.

Trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp trường của họ thường phải tiếp đoàn thanh tra / kiểm tra điều kiện tuyển sinh trước khi cấp chỉ tiêu. Sau các cuộc thanh tra kiểm tra như vậy, mỗi thành viên mang về một phong bì.

Vẫn chưa yên, "còn lái xe ngoài cổng và sếp ở nhà", lãnh đạo nhà trường được người ta nhắc nhở thẳng băng như vậy, chứ không có gì phải gợi ý một cách tế nhị, kín đáo.

Trong khuôn khổ loạt bài phân tích này, chúng tôi xin dẫn lại câu chuyện nói trên từ lãnh đạo một cơ sở giáo dục tư thục như một tình huống chính sách, ngõ hầu làm rõ các lỗ hổng và kiến nghị giải pháp, góp phần thúc đẩy đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Thủ đô.

Bởi áp lực từ cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường tư thục là rất lớn, mà có lẽ chỉ cụ Nguyễn Du mới có thể hiểu được, đoạn trường ai có qua cầu mới hay!

Chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp là gì mà có sức kìm hãm giáo dục lớn như vậy, chúng tôi xin phân tích trong những bài tới.

LTS: Tình trạng quá tải sĩ số các trường công lập nội đô Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, các trường tư thục đã chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, chấp nhận bỏ rất nhiều tiền của và công sức để đầu tư vào giáo dục thay vì các ngành nghề khác dễ sinh lời, làm giảm biên chế, giảm đầu tư ngân sách và đáp ứng nhu cầu rất đa dạng của nhân dân về chỗ học của con em.

Những nhà đầu tư giáo dục, những cơ sở giáo dục tư thục có đóng góp như vậy rất cần được bảo vệ, tạo môi trường phát triển lành mạnh và tôn vinh xứng đáng.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ rõ:

Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao. [1]

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng các rào cản hành chính và tệ sách nhiễu các trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tỏ ra rất dè dặt vì lo sợ bị cắt chỉ tiêu nên không dám cung cấp thông tin cho báo chí.

Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội không bao giờ bao che, dung túng cho những hành vi sách nhiễu các trường tư thục làm ăn chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cam kết kiên trì đóng góp sức mình vào việc làm trong sạch môi trường quản lý giáo dục, để giáo dục nước nhà nói chung, giáo dục Thủ đô nói riêng có thể đổi mới căn bản, toàn diện và bứt phá.

Vì vậy chúng tôi hy vọng nhận được sự cộng tác, chia sẻ thông tin và bằng chứng về các giấy phép con, các thủ đoạn hành vi sách nhiễu từ một số cá nhân nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, để cùng đưa ra ánh sáng và loại khỏi bộ máy những con sâu làm rầu nồi canh giáo dục Thủ đô.

Mọi thông tin, bằng chứng về các vấn đề nói trên, mong quý thầy cô, quý lãnh đạo các trường tư thục cùng tất cả những ai quan tâm đến giải pháp chính sách cho giáo dục Thủ đô, giáo dục nước nhà, xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ:

toasoan@giaoduc.net.vn.

Tất cả các thông tin liên quan đến cá nhân quý vị, Tòa soạn cam kết bảo mật tuyệt đối. Trân trọng!

[1]http://dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/chi-tiet-van-ban/id/3635.html

Tài liệu tham khảo:

[1]http://kinhtedothi.vn/cuoc-dua-ngam-vao-lop-1-334964.html

[2]http://kinhtedothi.vn/chay-dua-luyen-thi-vao-lop-6-truong-diem-336467.html

[3]http://kinhtedothi.vn/nhieu-truong-ngoai-cong-lap-cong-khai-tuyen-sinh-som-312333.html

[4]https://news.zing.vn/suc-ep-khung-khiep-vi-qua-tai-hoc-sinh-post869547.html

Hồng Thủy