Hơn 15 năm phải “sống chung” với dây shunt thông từ đầu xuống ổ bụng (ống thông chuyển hướng dịch não tủy ra khỏi não), phải học chậm hơn so với bạn trang lứa nhưng không vì thế mà sinh viên Trần Minh Đức (Lớp DH20SU, Trường Đại học An Giang) từ bỏ ước mơ trở thành thầy giáo dạy Sử.
Một tinh thần thép hiếu học
Sau lần té ngã nặng phải cấp cứu, khi ấy mới 5 tuổi, Minh Đức chưa thể hình dung được những khó khăn mà căn bệnh bẩm sinh ngặt nghèo - não úng thủy - mà mình đang mang.
Từ nhỏ, Đức cứ phải ra vào bệnh viện “như cơm bữa” vì những ca phẫu thuật não, phẫu thuật thận,...
Số tiền ba mẹ Đức kiếm được từ cái nghề làm thuê mướn theo thời vụ (xẻ cá phơi khô cho các tàu đánh bắt) đều dồn hết vào những khoản phí phẫu thuật, tái khám và thuốc men cho Đức.
Bạn bộc bạch tâm sự: “Đến cả bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy cũng bất ngờ với khả năng của mình. Trước đây, bác sĩ bảo rằng mình sẽ không học nổi đâu, rồi khuyên ba mẹ cho mình ở nhà để tiện bề chăm sóc. Nhưng ở nhà như vậy thì chẳng lẽ “ăn không ngồi rồi” cả đời này sao?
Thấy mình ham học quá nên ba mẹ cũng không nỡ ép buộc. Chỉ thương cho em trai mình phải nghỉ học sớm để phụ giúp ba mẹ lo cho mình và đứa em gái đang học lớp 7”.
Chàng sinh viên ham học Trần Minh Đức (Lớp DH20SU, Trường Đại học An Giang) |
Bằng chính tinh thần hiếu học và nghị lực, Đức đã chinh phục quãng đường 12 năm đèn sách và kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, để giấc mơ trở thành giáo viên dạy Sử đến gần với mình hơn.
Quê ở thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, Minh Đức đến Long Xuyên trọ học. Không có ba mẹ ở cạnh, những khi trái gió trở trời, những món ăn hàng quán không hợp khẩu vị cũng là thử thách không nhỏ đối với Đức.
Mỗi ngày bạn phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cắt cơn đau đầu dai dẳng. Lắm lúc do tác dụng phụ của thuốc khiến bạn ăn không được, ngủ cũng không tròn giấc.
Những lúc như thế chính những bài học Sử nơi giảng đường, tình cảm nồng hậu sẻ chia của thầy cô, bạn bè đã mang lại niềm vui, động lực để Đức vượt qua khó khăn.
Với thân hình ốm yếu, xanh xao và nụ cười của sự lạc quan, hồn hậu, Đức đã trải qua một học kỳ học tập với nhiều thử thách.
Bạn chia sẻ: “Mình thường nhức đầu mỗi khi bài vở nhiều, biết thân mình vậy nên mình chuẩn bị chu đáo từ sớm. Ngày thường mình ghi chép cẩn thận và chia nhỏ thời gian ôn thi từ rất sớm. Nếu như bạn bè mình chỉ cần đôi ba ngày để ôn một môn; còn mình thì phải dành hơn tuần lễ”.
Nói về tinh thần vượt khó học tập của Đức, cô Nguyễn Thị Hoàng Phượng – Giáo viên chủ nhiệm lớp DH20SU cho biết:
“Sức khỏe Minh Đức kém, em thường xuyên nóng lạnh, đau đầu, nôn ói…. Nhưng qua một học kỳ học tập, mình thấy được ở em đức tính ngoan hiền, hòa nhã, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và đặc biệt là rất chăm chỉ, chịu khó trong học tập.
Em có niềm đam mê đối với Lịch sử và nghề sư phạm. Những mong em có thể lạc quan và chiến thắng bệnh tật để viết tiếp ước mơ cho mình”.
Hiện tại Đức đã xin tạm bảo lưu kết quả học tập một năm để điều trị bệnh. |
Xin tạm hoãn lại ước mơ
Càng trưởng thành, Đức càng ý thức được căn bệnh của mình nên bạn luôn biết trân trọng từng phút giây được sống.
"Mình biết bệnh tình của mình khó mà trị dứt hẳn, mỗi ngày trôi qua mình phải sống chung với sợi dây shunt này. Mọi chuyển động phải hết sức chú ý nhẹ nhàng. Lắm lúc cũng bứt rứt muốn bứt nó ra một phát để khỏi phải vướng víu, nhưng nghĩ lại thấy mình dại dột nên thôi.
Mỗi khi cơn đau ập đến, mình lại nhớ đến cảnh ba mẹ quần quật lao động bất kể ngày đêm hay mưa nắng, đó là động lực thôi thúc mình phải mạnh mẽ sống thật tốt. Mình cố gắng sống vui, sống khỏe để ba mẹ đỡ lo lắng là cách báo hiếu cho ba mẹ ngay lúc này", Đức chia sẻ.
Cậu học trò ăn, ngủ cùng Toán học là chủ nhân của nhiều huy chương |
Cũng nhờ tình yêu với môn Lịch sử, đam mê nghề gắn với bảng đen phấn trắng mà Đức vượt qua trở ngại bệnh tật, đến với giảng đường trong học kỳ đầu tiên của năm nhất.
Hiện tại Đức đã xin tạm bảo lưu kết quả học tập một năm để điều trị bệnh. Điều Đức mong mỏi nhất ngay lúc này là làm sao để mình bớt những cơn đau đầu. Khát vọng được khoác lên mình chiếc áo tân cử nhân dưới mái trường Đại học An Giang sẽ trở thành hiện thực đối với Đức.
Vừa qua, Nhà trường đã xét trao học bổng Agribank cho Đức, tuy nhiên để có thể giúp Đức cùng gia đình vượt qua khó khăn phía trước rất cần những tấm lòng nhân ái cùng chung tay giúp đỡ để chặng đường 4 năm đại học đối với Đức không còn quá chông chênh, vất vả.
Hãy cùng Minh Đức “viết tiếp ước mơ đến trường”!