Xếp hạng đại học không nên là công cụ để đè bẹp nhau

13/10/2014 06:50
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Giáo dục đại học không thể nằm ngoài sự vận hành của cơ chế thị trường, mà cạnh tranh lành mạnh là cốt lõi”.

Đây là một trong những quan điểm của ông Trần Đức Cảnh, nguyên là Thành viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc bang Massaschusetts (Hoa Kỳ), nhân bàn về việc xếp hạng và phân tầng đại học ở Việt Nam hiện nay.

Xếp hạng là cần thiết

PV: Theo ông, ở thời điểm này Việt Nam cần thiết có các hạng và tầng đại học không?

Ông Trần Đức Cảnh: Đánh giá và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học một cách công bình và khách quan luôn cần thiết. Các trường cũng cần biết mình đang đứng ở đâu trong bản so sánh chất lượng đào tạo. Xã hội, bao gồm sinh viên tương lai và gia đình, cần có thông tin hữu ích để chọn lựa trường, ngành học phù hợp. 

Không riêng gì ngành giáo dục, bệnh viện, khách sạn .. luôn được đánh giá và xếp hạng trên thế giới, và thu hút sự quan tâm của giới chức và quần chúng. Tuy nhiên, không phải mục đích xếp hạng nào trên thế giới cũng công bình và đầy đủ, không ít báo cáo xếp hạng công bố đi xa hơn mục tiêu của nó là cung cấp thông tin giáo dục cho xã hội.

Xếp hạng đại học không nên là công cụ để đè bẹp nhau ảnh 1

Ông Trần Đức Cảnh. Ảnh NVCC

Nếu mục tiêu của bảng xếp hạng là để phục vụ 2 mệnh đề nêu trên thì các tiêu chí thăm dò, nghiên cứu cần đặc ra và phương pháp đánh giá phải dựa trên các dữ kiện thu thập điển hình như: bản đánh giá từ các hiệu trưởng/ trưởng khoa các trường, sinh viên/cựu sinh viên nhận xét về ngôi trường mình học, các tổ chức/công ty sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp. 

Các dữ liệu thu thập như tiêu chuẩn đầu vào của trường, nguồn lực giảng dạy (trình độ, thành tích của lực lượng giảng viên, và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo), mức học phí và khả năng cung cấp nguồn tài chính cho sinh viên, khả năng hỗ trợ sinh viên, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng sống, môi trường sống của sinh viên (ăn, ở, sinh hoạt xã hội, TDTT và cộng đồng chung quanh), đầu ra như khả năng có việc làm, mức lương, thăng tiến và thành tích trong học thuật cũng như công việc … 

Tỷ trọng (%) của từng tiêu chí cần được phân tích rất kỹ lưỡng, trước khi tổng hợp bảng đánh giá, xếp hạng. Đây là đề tài tranh cãi gần như bất tận trong giới nghiên cứu, xếp hạng đại học. Do đó, các báo cáo xếp hạng đại học công bố trên thế giới cũng chỉ ở mức từ rất tương đối đến tương đối thôi.

Việc phân tầng đại học sẽ dẫn đến hậu quả gì, có thực sự để các trường cạnh tranh và nâng cao chất lượng?

Ông Trần Đức Cảnh: Theo tôi thì việc đánh giá và xếp hạng hệ thống trường đại học và cao đẳng một cách đầy đủ và  tin cậy, trong thời điểm khởi động hiện nay rất khó. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ đây là việc nên làm, nếu chưa có được một bản đánh giá xếp hạng hoàn chỉnh lúc này, thì ít ra cũng có một  đánh giá “rất tương đối”. 

Quan trọng là các trường xem bản xếp hạng có sự công bình, không thiên vị.  Tỷ lệ “chọi” ở các trường hàng đầu có thể là 1/10 và trường ở hạng thấp có thể là 10/10, là chuyện bình thường. Một số trường nếu muốn tồn tại thì phải nâng cao chất lượng đào tạo và khắc phục các yếu kém, nếu không thì sẽ bị đào thải.

Xếp hạng đại học không nên là công cụ để đè bẹp nhau ảnh 2

Giáo sư Hoàng Tụy: Biên soạn sách giáo khoa, không cần tiền

(GDVN) - Thời điểm năm 55, 56 làm cả chương trình, cả bộ sách giáo khoa trong mấy tháng, vậy mà bây giờ đổi mới giáo dục gần năm rồi

Thưa ông, khi chúng ta có tiêu chuẩn để đánh giá, xếp hạng hay phân tầng đại học thì có xảy ra mâu thuẫn nào không?

Ông Trần Đức Cảnh: Mâu thuẫn lớn nhất trong bản đánh giá và xếp hạng sẽ là đem so sánh hệ thống cao đẳng, đại học công lập hiện nay với hệ thống CĐ/ĐH ngoài công lập non trẻ và phần lớn còn “thiếu dinh dưỡng”, tỷ lệ sinh viên trường NCL/CL đang loay hoay không vượt nổi 15% tổng số sinh viên chứ nói chi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 40%. Sự lo ngại của các trường NCL bị đè bẹp ngay từ “hiệp đầu” trong bảng xếp hạng là có cơ sở. Tuy nhiên, khi so sánh là phải so sánh tất cả, từng loại trường với nhau, và cũng phải so sánh các loại trường NCL với nhau. 

Hy vọng mục tiêu bản so sánh, xếp hạng không phải để đè bẹp .. mà là mạnh để phát huy, yếu để khắc phục, đặc biệt là hệ thống trường NCL cần có cơ chế hỗ trợ để phát triển bền vững, mục tiêu 40% số sinh viên trường NCL, trên tổng số sinh viên sẽ không đạt được năm 2020, thì ít ra cũng năm 2030, nếu muốn giáo dục đại học phát triển cân đối và bền vững.       

Giáo dục đại học không thể nằm ngoài sự vận hành của cơ chế thị trường, mà cạnh tranh lành mạnh là cốt lõi. Tuy nhiên, nên phân biệt rõ cơ chế thị trường với thương mại hóa giáo dục. Nếu biết tận dụng cơ chế thị trường, thì các đại học chắc chắn sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín để thu hút khách hàng là sinh viên.  

Không nên “phân tầng”, chỉ nên “phân loại trường”

Ông nghĩ hợp lí không nếu giáo dục đại học chúng ta chỉ có hai hạng và tinh hoa và ứng dụng, vừa đơn giản, vừa dễ nhận biết?

Ông Trần Đức Cảnh: Nên so sánh thì phải cam với cam, táo với táo. Thay vì dùng chữ “phân tầng”, ta nên “phân loại trường” cao đẳng và đại học, thì chính xác hơn. Với số lượng trường cao đẳng và đại học hiện nay, nên phân ra ít nhất 3 loại trường khác nhau: loại trường lớn (đào tạo từ Cử nhân đến Tiến sĩ), loại trường cấp trung (từ Cử nhân lên Thạc sĩ và vài trường đào tạo Tiến sĩ ), và trường cao đẳng. 

Xếp hạng từ 1 đến 20 .. 100, cho từng loại trường với nhau thì hợp lý hơn là phân tầng. Lâu dài, rất khó phân biệt rõ ràng trường tinh hoa hay ứng dụng, vì chương trình đào tạo của các trường sẽ thay đổi, cập nhật và phát triển liên tục, và đó là điều tốt. Không nhất thiết là cứ mỗi 10 năm phần tầng lại theo như Dự thảo.

Xếp hạng đại học không nên là công cụ để đè bẹp nhau ảnh 3

Ông Cảnh cùng với GS Sheldon L. Glashow, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979 (lúc 47 tuổi).

Đồng thời nên áp dụng các phân loại so sánh khác không kém phần quan trọng như: Đại học công lập và ngoài công lập, đại học ở từng vùng miền (Nam, Bắc, Trung), ngành học của các loại trường. Như vậy xã hội sẽ có thông tin chi tiết và đầy đủ hơn để học sinh dễ dàng chọn lựa.

Theo tôi thì bảng đánh giá nên uyển chuyển hơn, nhưng cần có đầy đủ các tiêu chí xếp hạng để đáp ứng nhu cầu thông tin cho xã hội về hệ thống trường, thay vì quá máy móc và mang tính hành chính. 

Đối với hoàn cảnh của giáo dục Việt Nam, theo ông việc xếp hạng cần được thực hiện như thế nào?

Ông Trần Đức Cảnh: Nếu Dự thảo chỉ là một báo cáo của Bộ GD & ĐT 2 năm/lần nặng về các phần cứng và để đo lường các chỉ tiêu cơ bản, thì không có gì để bàn. Còn thật sự đánh giá chất lượng đại học để xếp hạng, thì các chỉ tiêu đưa ra còn thiếu rất nhiều, và ngay cả như thế vẫn phải tranh luận, liệu các chỉ tiêu đề xuất như thế có áp dụng phù hợp cho từng loại trường khác nhau.  

Để có một bản đánh giá, xếp hạng các trường, tiêu chí nghiên cứu và phương pháp đánh giá, đo lường như tôi đề cập trên rất quan trọng.  Ai cũng biết là tiêu chí mềm tác động vào chất lượng giáo dục rất lớn, nhưng không quan tâm nhiều trong Dự thảo.

Hiện nay các cơ quan giáo dục nào có thể đảm nhận việc xếp hạng đại học, theo ông?

Ông Trần Đức Cảnh: Tôi không nghĩ việc đánh giá, xếp hạng cao đẳng, đại học là việc của một, hai nhóm, tổ chức thực hiện, mà nên có sự tham gia của nhiều nhóm nghiên cứu các trung tâm, trường đại học và cá nhân. Các nghiên cứu có thể trình bày trong các diễn đàn, hội thảo, cần đạt được mức độ tin cậy cần thiết trước khi công bố ra xã hội. Đây là những nghiên cứu tôi cho là rất thú vị về cả mặt học thuật và ứng dụng, và rất cần thiết cho xã hội. Xã hội hiện nay không có nhiều thông tin về các trường, để hướng dẫn học sinh trong việc chọn trường, chọn ngành cho phù hợp. Đây là đề tài rất hấp dẫn cho các nghiên cứu sinh tương lai. 

Ngân sách để nghiên cứu đề tài này đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có nghiên cứu chính thức dùng để báo cáo cho Chính phủ, có nghiên cứu mang tính tham khảo, hướng dẫn và dự báo. Lâu dài, xã hội sẽ là trọng tài quan trọng nhất trong việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học. 

Theo ông, việc đưa ra Dự thảo xếp hạng, phân tầng đại học lần này có phải là mục đích để chúng ta hướng tới nền giáo dục đại học ngang bằng thế giới?

Ông Trần Đức Cảnh: Trước mắt Dự thảo xếp hạng đại học và việc hướng nền giáo dục của ta ngang bằng thế giới là hai chuyện khác nhau. Tuy nhiên muốn được thế giới so sánh và xếp hạng trong tương lai thì trước tiên ta phải so sánh ta với ta và định vị ta với thế giới bên ngoài. 

Xếp hạng đại học không nên là công cụ để đè bẹp nhau ảnh 4

Phân tầng trường dùng ngân sách, còn xếp hạng là việc của thị trường

(GDVN) - Đây là câu hỏi có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh bản Dự thảo “Phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học” đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến xã hội.

Nếu mục tiêu của ta chỉ đề “lọt” một, hai trường vào trong top 100 Châu Á và top 300 của thế giới trong vòng 20 năm tới. Một số tiêu chí đề xuất để có thể lọt vào trong 2 nhóm trên như tiêu chuẩn đầu vào, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, giảng viên có bằng Tiến sĩ, nghiên cứu khoa học công bố trên các tập san thế giới, số học sinh/giảng viên quốc tế, số giảng viên đoạt các giải thưởng danh giá như Fields, Nobel .. xây dựng cơ sở giáo dục, nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế .. Nếu có sự chuẩn bị tốt thì trong 20 năm tới, 1-2 trường lọt vào trong 2 nhóm trên là hoàn toàn có thể. 

Vậy thì muốn trở thành một trường đại học tốt cần phải làm gì?

Ông Trần Đức Cảnh: Muốn trở thành một trường đại học tốt các yếu tố giảng dạy, phát triển tư duy, sự sáng tạo, tính nhân văn và môi trường sống và học tập ở bậc cử nhân là nền tảng của một trường đại học tốt, những yếu tố này ít được đề cập trong một số báo cáo xếp hạng quốc tế, là một sai lầm.  

Để hướng tới nền giáo dục đại học ngang bằng thế giới mới là mục tiêu cơ bản để đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước, trước tiên là ta phải xem xét triết lý giáo dục hướng tới, tái cấu trúc mô hình quản lý giáo dục đại học lỗi thời, và gỡ bỏ các Quy định bất hợp lý làm cản trở việc vận hành hệ thống giáo dục, tiếp đến là đánh giá lại việc đào tạo, tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân sự các cấp trong ngành giáo dục phù hợp với hướng phát triển hội nhập, song song với đầu tư thêm phần cứng phù hợp thì mới mong hướng đến mục tiêu hội nhập giáo dục thế giới trong vài thập nên tới.     

Trân trọng cảm ơn ông. 

Xuân Trung (thực hiện)