Xếp loại chuẩn giáo viên xong cả tháng Bộ hướng dẫn tạm dừng, sao không bỏ hẳn?

16/06/2021 06:30
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ hoàn thành việc xếp chuẩn nghề nghiệp mà nhiều địa phương đã chỉ đạo giáo viên tự đánh giá, tải minh chứng lên hệ thống TEMIS của phần mềm tập huấn.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông trong những năm gần đây đang được thực hiện theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí và thường được tổ chức thực hiện vào thời điểm cuối năm học.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì giáo viên từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông phải có trình độ đại học. Những giáo viên cấp trung học cơ sở, tiểu học mà mới có trình độ cao đẳng thì không đạt chuẩn trình độ theo qui định hiện hành.

Trong khi, hướng dẫn xếp chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thì chỉ cần một tiêu chí “chưa đạt” là phải xếp loại chung là “chưa đạt” nên nhiều giáo viên dù đang trong quá trình học đại học để hoàn thiện chuẩn trình độ theo quy định hiện hành cũng bị xếp loại …chưa đạt chuẩn nghề nghiệp trong năm học 2020-2021.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Trước những bất cập này, giáo viên dưới cơ sở lên tiếng, báo chí vào cuộc phản ánh và ngày 11/6/2021 thì Bộ đã ban hành văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD hướng dẫn tạm dừng đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, năm học 2020-2021.

Thực ra, việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã thực hiện từ hàng chục năm qua nhưng chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận của giáo viên vì chẳng có ngành nào đã tuyển dụng xong rồi mà năm nào cũng phải xếp chuẩn nghề nghiệp.

Quanh đi, quẩn lại cũng chừng ấy tiêu chuẩn, tiêu chí mà giáo viên cứ phải phô tô các văn bằng, chứng chỉ, kế hoạch…để minh chứng cho các tiêu chí theo quy định.

Chính vì thế mà ngay sau khi Bộ ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và nhất là từ khi Bộ triển khai việc cập nhật chuẩn nghề nghiệp, tải minh chứng lên phần mềm tập huấn trực tuyến thì trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng chục bài viết phản ánh về những bất cập trong quá trình thực hiện.

Bất cập ở chỗ giáo viên đã tự đánh giá chuẩn, đã được tổ chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường góp ý, nhận xét, đánh giá, xếp loại và lưu trong hồ sơ cá nhân nhưng rồi họ lại phải chụp lại các minh chứng này để cập nhật lên phần mềm TEMIS. Công việc này vừa mất công và thực ra chẳng có tác dụng gì nhưng giáo viên cứ phải làm đi, làm lại.

Nó còn bất cập ở chỗ là trong số hàng trăm ngàn giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo Điều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 và Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên từ năm 2021 đến năm 2030, các trường đã lập danh sách đưa giáo viên đi học nâng chuẩn.

Thế nhưng, trong năm học 2020-2021 này thì nhiều giáo viên ở cơ sở bị xếp loại “chưa đạt” chuẩn nghề nghiệp vì căn cứ theo hướng dẫn của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT bắt buộc các nhà trường phải làm như thế.

Bởi, chỉ cần 1 trong số 15 tiêu chí mà xếp loại “chưa đạt” thì sẽ phải xếp loại chung là chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Trước những bất cập này, ngày 11/6/2020, Bộ ban hành văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD về việc hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ sở mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-202.

Trong văn bản này, Bộ đã yêu cầu: “Các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng việc đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn cho đến khi có quy định mới ban hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019”.

Lý do tạm ngưng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được Bộ đưa ra là: “Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành xây dựng văn bản tạm ngưng hiệu lực của quy định của quy định về đạt chuẩn trình độ giáo viên, cán bộ quản lý trong Chuẩn nghề nghiệp, Chuẩn hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm ngưng đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là hợp lý với tình hình thực tế. Phù hợp lộ trình nâng chuẩn giáo viên, giai đoạn 2021- 2030 theo hướng dẫn của Chính phủ.

Thế nhưng, giá như Bộ ban hành văn bản này sớm hơn thì hàng triệu giáo viên và các nhà trường đỡ biết bao nhiêu công sức. Bởi, tính đến thời điểm này, gần như giáo viên và các nhà trường đã thực hiện xong việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng ở các đơn vị vì công việc này thường làm trước thời điểm kết thúc năm học.

Không chỉ hoàn thành việc xếp chuẩn nghề nghiệp mà nhiều địa phương đã chỉ đạo giáo viên tự đánh giá, tải minh chứng, tổ chuyên môn, thủ trưởng đơn vị cập nhật việc đánh giá trên hệ thống TEMIS của phần mềm tập huấn trực tuyến.

Khi mọi chuyện gần như đã hoàn tất thì Bộ mới ban hành văn bản hướng dẫn tạm ngưng việc đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng.

Văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD cho thấy lãnh đạo Bộ Giáo dục đã cầu thị, tiếp thu những bất cập mà giáo viên phản ánh nhưng nó cũng cho thấy cả sự lúng túng, bị động trong khâu chỉ đạo, điều hành.

Bởi, ngay từ khi Bộ triển khai tải minh chứng lên phần mềm tập huấn trực tuyến vào thời điểm đầu năm 2021, khi xếp chuẩn nghề nghiệp cho năm học 2020-2021, năm đầu tiên mà Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực quy định về chuẩn trình độ giáo viên...

Hơn nữa, Luật Giáo dục năm 2019 được ban hành ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020; Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/8/2018…mà từ đó cho đến nay Bộ không thấy bất cập và cũng không có một chỉ đạo nào về sự việc này.

Mãi đến bây giờ, khi mà giáo viên cả nước đã hoàn tất việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cho năm học 2020-2021 thì Bộ mới hướng dẫn tạm ngưng công việc này.

Trong khi, khung thời gian năm học 2020-2021 được Bộ ấn định kết thúc vào ngày 31/5/2021 nên chỉ có những địa phương có dịch bệnh Co-vid 19 bùng phát mới phải lui thời gian kết thúc năm học, còn lại thì đa phần các địa phương đã tổng kết năm học vào tuần cuối của tháng 5 vừa qua.

Trước khi đã tổng kết năm học thì các trường đã triển khai thực hiện việc đánh giá chuẩn, xếp loại viên chức, xếp thi đua cho giáo viên luôn chứ ai đợi đến bây giờ mới…xếp chuẩn?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN