Giáo dục là thị trường của niềm tin, nên không vì lợi nhuận

20/09/2016 07:02
GS. Phạm Phụ
(GDVN) - Dịch vụ giáo dục nói chung vốn được xem là một “hàng hoá công”, hơn nữa thị trường dịch vụ giáo dục là loại thị trường có “thông tin bất đối xứng”

LTS: Phần lớn các cơ sở giáo dục trên thế giới là không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng có một số cơ sở giáo dục từ không vì lợi nhuận đến vì lợi nhuận, và đôi khi có sự đan xen: trong cơ sở không vì lợi nhuận có bộ phận vì lợi nhuận. 

Theo GS. Phạm Phụ việc xác định rõ các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận ở nước ta là rất quan trọng để khuyến khích loại hình này, do đó sự ngập ngừng trong việc xây dựng chính sách đối với loại cơ sở giáo dục này làm cản trở sự phát triển lành mạnh của giáo dục.  

Tiếp nối các bài viết trước, hôm nay, GS. Phạm Phụ chỉ ra tầm quan trọng của cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 


Dịch vụ giáo dục nói chung vốn được xem là một “hàng hoá công”, hơn nữa thị trường dịch vụ giáo dục là loại thị trường có “thông tin bất đối xứng”, chỉ là “thị trường của niềm tin”. 

Vì vậy, phần lớn các cơ sở giáo dục trên thế giới là không vì lợi nhuận, kể cả nhiều cơ sở giáo dục tư. 

Đặc trưng cơ bản về mặt pháp lý và kinh tế của một tổ chức không vì lợi nhuận là: “không được chia lợi nhuận cho một ai” [“non – distribution constraint” – Hansmann, 1980 (Yeager, 2001)]. 

Vì ở đây, hoặc là không có chủ sở hữu, hay nói cách khác, nó sở hữu chính nó (has no owners – it owns itself), hoặc chỉ là chủ sở hữu “danh nghĩa” như ở các cơ sở giáo dục công lập, ở các cơ sở giáo dục của tôn giáo, … 

Điều đó cũng có nghĩa, tổ chức không vì lợi nhuận được phép tạo ra lợi nhuận, và thường là như vậy. Không vì lợi nhuận không có nghĩa là thu nhập không bao giờ được vượt quá chi phí.

Hơn nữa, về dài hạn cũng như tính trên toàn bộ các hoạt động của tổ chức, tổng chi phí không thể vượt quá tổng thu nhập (kể cả nguồn tài trợ) để duy trì sự tồn tại của tổ chức. 

Hiện nay, nhiều nước ở Châu Á vẫn không mở cửa hoàn toàn cho giáo dục tư thục vì lợi nhuận. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Hiện nay, nhiều nước ở Châu Á vẫn không mở cửa hoàn toàn cho giáo dục tư thục vì lợi nhuận. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Còn giữa các hoạt động của tổ chức, người quản lý hoàn toàn có quyền chuyển lợi nhuận từ một hoạt động này sang cho một hoạt động khác phù hợp hơn với mục tiêu của tổ chức. 

Ví dụ, một trường đại học có thể chuyển lợi nhuận từ đào tạo bậc đại học sang bổ sung cho đào tạo ở bậc sau đại học.

Một điều đáng lưu ý nữa là, một tổ chức không vì lợi nhuận có thể có một bộ phận vì lợi nhuận. Có trường đại học hàng đầu không vì lợi nhuận ở Mỹ có một bệnh viện tư vì lợi nhuận đem lại đến 50% doanh thu cho nhà trường. 

Về nguồn thu, người ta chia tổ chức không vì lợi nhuận thành 2 loại, loại có nguồn thu từ cho tặng và loại có nguồn thu từ việc bán các loại hàng hoá hay dịch vụ. 

Thu của các cơ sở giáo dục nói chung là từ cả 2 nguồn, vì vậy người ta gọi đây là “Donative – commercial nonprofits”.

Giáo dục là thị trường của niềm tin, nên không vì lợi nhuận  ảnh 2

Đại học Mỹ, trường phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam sẽ dạy nghề gì?

(GDVN) - Đại học Fulbright Việt Nam được kỳ vọng là trường đại học hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, chương trình học theo hình thức tiên tiến n

Như vậy, “không vì lợi nhuận” trong “thị trường của niềm tin” như đã có tác dụng làm giảm đi được những tác động xấu của cơ chế thị trường [hay của chủ nghĩa tư bản nói chung – “prop up capitalism” – (Alexander, 2007)]. 

Nhưng cơ chế này vẫn còn có rất nhiều tồn tại. Có thể nêu lên một số tồn tại đó như: 

(1) Tổ chức này không thể đưa ra thị trường vốn để “kiểm nghiệm” cái giá trị thật của nó; 

(2) Việc quản trị ở đây là sự kết hợp giữa quy tắc/luật lệ và cơ chế kích thích tạo ra thu nhập rất phức tạp, thường là thiếu “động cơ lợi nhuận”; 

(3) Các cơ sở này cũng khá dễ “bất cẩn”, dễ trở thành “sa đọa” hơn là “đoan chính” (“more vicious than virtuous”, Roger, 2007); 

(4) Vấn đề miễn và giảm thuế;

(5) Khi quy mô của lĩnh vực không vì lợi nhuận quá lớn  thì động cơ tạo ra lợi nhuận của quốc gia sẽ bị giảm sút, … 

Chính vì vậy, xu thế chung gần đây ở các cơ sở không vì lợi nhuận là phải vận hành “gần như kinh doanh” (more business like), phải “giả vì lợi nhuận” (pseudo for profit).

Tuy nhiên, trên thế giới khoảng vài mươi năm qua, đặc biệt là dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và của trường phái kinh tế “tân tự do” gần đây, nhiều cơ sở không vì lợi nhuận đã tìm cách kinh doanh trong các lĩnh vực “béo bở” (trước hết là ở 2 lĩnh vực y tế và giáo dục), thậm chí chuyển sang cơ chế vì lợi nhuận. 

Ở Mỹ, vào giữa thế kỷ 20, các bệnh viện không vì lợi nhuận đã qua mặt các đối thủ cạnh tranh vì lợi nhuận. Nhưng khi các cơ sở này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn vốn tư nhân, một số cơ sở đã chuyển sang cơ chế vì lợi nhuận trong những năm 80 và 90. 

Từ năm 1975 đến 2003, bộ phận vì lợi nhuận đã tăng từ 7,8% lên đến 14% tính theo số giường bệnh ở các bệnh viện phục vụ cộng đồng.

Giáo dục là thị trường của niềm tin, nên không vì lợi nhuận  ảnh 3

Đào tạo đại học ở Việt Nam, biết chưa tốt mà không làm gì được

(GDVN)-Sinh viên thường rơi vào bị động khi không tìm được việc đúng với chuyên môn mà mình được học, trong khi đó sinh viên nước ngoài luôn chủ động tìm công việc.

Ở giáo dục đại học, hiện nay Mỹ đã có 7 công ty lớn  đào tạo khoảng 750.000  sinh viên các loại, các công ty này đều đã lên sàn chứng khoán (cả Nasdad và NYSE) và đang cạnh tranh trực tiếp với các trường cao đẳng cộng đồng (công lập). 

Ở giáo dục phổ thông, công ty giáo dục tư “Edision Schools” cũng có đến 108 trường ở trên 21 Bang.

Ở Châu Á, giáo dục đại học tư cũng đã phát triển rất nhanh trong vài ba chục năm qua. 

Ở Nhật, sinh viên cao đẳng tư thục (Junior Colleges) chiếm đến 92%. 

Ở Indonesia, sinh viên tư thục đã tăng lên rất nhanh trong những năm qua và nay đã chiếm trên 80%. Ở Philippines có cả trường đại học tư thuộc gia đình.

Nhưng khác với tư thục không vì lợi nhuận ở Mỹ, (chiếm khoảng 90% sinh viên đại học tư thục), nơi có truyền thống cho tặng (cho giáo dục) lâu đời, và một phần nào đó ở Nhật, một tỷ lệ lớn đại học tư ở Châu Á là “vì lợi nhuận” hoặc “nửa vì lợi nhuận” (semi–for–profit) hay, chí có “mức lợi nhuận thích hợp” (appropriate profit) (Altbach & Umakoski, 2004). 

Khi một cơ sở giáo dục là “vì lợi nhuận”, cơ sở đó cần ở cơ chế của một công ty. Triết lý nói chung của một công ty là “cực đại của cải hay sự giàu có” (Wealth maximization), nó bao gồm 2 mảng, một là “Cực đại lợi nhuận kỳ vọng” và hai là “Cực tiểu rủi ro”. 

Thông thường, hai mảng này có quan hệ “đánh đổi” với nhau. Nói cách khác, muốn có lợi nhuận cao, phải chấp nhận rủi ro lớn. 

Nhưng nhiều nước ở Châu Á vẫn không mở cửa hoàn toàn cho giáo dục tư thục vì lợi nhuận. 

Vì vậy mà còn có loại đại học “nửa vì lợi nhuận”, ví dụ ở đây có mức khống chế lợi nhuận trần bằng 150% lãi suất của ngân hàng chẳng hạn.

Phần 100% lãi suất được xem là “Giá sử dụng vốn” (Cost of capital), phần thêm 50% lãi suất được xem là phần “Bù đắp rủi ro” (Risk premium).

Giáo dục là thị trường của niềm tin, nên không vì lợi nhuận  ảnh 4

Đại học phi lợi nhuận ở Việt Nam, hiểu thế nào cho đúng?

(GDVN) - Những lùm xùm trong cung cách quản lý của nhiều trường ĐH thời gian vừa qua, khiến không ít ý kiến lo ngại tới đây sẽ là thời “mạt vận” của giáo dục Đại học?

Phần này có thể quy định theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào mức độ rủi ro của việc đầu tư vào cơ sở giáo dục.

Ở Việt Nam, tư thục dưới dạng “dân lập” hoặc “ngoài công lập” đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước (Đại học Thăng Long thành lập năm 1988). 

Đến nay (2006), cả nước có 3.155.000 học sinh, sinh viên tư thục ở tất cả các cấp, chiếm tỷ lệ 13,73% trong tổng số. Trong đó, tỷ lệ cao nhất là Nhà trẻ (75%), Mầm non (57%), Mẫu giáo (54%), Trung học phổ thông (30%)…, còn ở đại học và sau đại học mới chỉ có 13,8%.

Nhưng từ năm 1997, chính phủ đã có Nghị quyết 90/CP đưa ra hướng dẫn mang tính định hướng về phát triển tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn là:

“Đại bộ phận giáo dục mầm non, 10–15% đối với tiểu học, 25% đối với trung học cơ sở, 50% đối với trung học phổ thông
”. 

Nhà nước cũng đã có kế hoạch đưa tỷ lệ sinh viên ở các đại học tư thục lên khoảng 30–40% vào năm 2020. 

So sánh các con số nói trên, có thể nói rằng, sự phát triển tư thục trong hơn một thập niên qua còn chưa thể hiện được những định hướng của Nhà nuớc. 

Nguyên nhân của thực trạng này có lẽ có nhiều, nhưng nếu nhìn riêng ở khía cạnh “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận”, có thể thấy được những tồn tại sau đây:

Thứ nhất, từ trước 2005, hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý cho cơ chế “không vì lợi nhuận”. 

Sau đó, một văn bản pháp luật viết: “Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để bảo đảm lợi ích hợp lý của nhà đầu tư, phần để tham gia các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển”. 

Một dự thảo văn bản pháp luật khác: Cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận gọi là “Cơ sở cổ phần”. Rõ ràng, có nhà đầu tư, có chia lợi nhuận và có cổ phần thì không thể là không vì lợi nhuận.

Thứ hai, một số cơ sở giáo dục dân lập có mức chia lợi nhuận lên đến 20–25% nhưng vẫn tuyên bố: “Chúng tôi là không vì lợi nhuận”.

Kế hoạch chuyển các cơ sở giáo dục dân lập sang tư thục đã nhiều năm rồi vẫn chưa thực hiện được.

Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo thì băn khoăn, các nhà đầu tư thì ngập ngừng, một số người lại tranh thủ lợi dụng, một số viên chức lại gây khó dễ cho việc mở trường, cuối cùng công chúng thì hoài nghi và nhìn chung còn thiếu sự đồng thuận.

GS. Phạm Phụ