LTS: Sau vụ việc giáo viên bị bắt quỳ gối xin lỗi phụ huynh tại Trường tiểu học Bình Chánh (Long An) đã khiến dư luận và đặc biệt làcác thầy cô rất bức xúc.
Lên tiếng về cách hành xử trong môi trường giáo dục, thầy giáo Nguyễn Văn Nhượng, đến từ Nam Định đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Những ngày này dư luận đang xôn xao, bất bình về việc phụ huynh bắt một giáo viên quỳ gối xin lỗi tại Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Sau rất nhiều vụ việc bạo hành ở trường học diễn ra trong những năm qua, thì có lẽ đây là một sự việc hi hữu từ trước đến nay.
Một chấn thương tâm lý làm đau lòng, gây ra nhiều mất mát về niềm tin và tổn thất tinh thần rất lớn cho nhiều phía cả gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, nó thực sự làm trọng thương lòng tự trọng của mỗi chúng ta!
Trường tiểu học Bình Chánh (Ảnh minh họa: Văn Bình) |
Từ hành xử của nhà trường…
Đồng nghiệp tâm sự với tôi rằng “Thú thật hồi mới vào nghề, bởi nóng lòng muốn học sinh mình nhanh tiến bộ, bởi cái hồ hởi, sốc nổi thường có ở tuổi trẻ (cho dù đã là thầy), tôi cũng đã từng không nhẫn nhịn được mà xách tai những học trò ngỗ nghịch, không chịu vâng lời, để gọi là cảnh cáo những em đó.
Nhưng theo thời gian trầm lắng lại, tôi nhận ra rằng làm như vậy chẳng ích gì, mình cần kiên trì nhẫn nại, lấy lòng yêu thương, sự khoan dung để vừa dạy vừa dỗ vừa nhẹ nhàng răn bảo, bằng không em đó không tiến bộ thì cũng đành phải…bó tay “đầu hàng”.
Nhưng “đầu hàng” ở đây không có nghĩa là để phó mặc cho em học sinh đó quậy phá gây ảnh hưởng đến lớp, mà mình phải tìm ra nguyên nhân”.
Và tôi hiểu giáo dục là một quá trình, giáo viên cũng là người chứ không phải thánh nhân, đào tạo một cử nhân sư phạm cũng chỉ ba, bốn năm thôi, đâu có nhiều mà đòi hỏi quá lớn, phải từ từ dần dần sẽ thấm.
Khi có học sinh chưa ngoan, chưa tiến bộ thì hoặc là trình độ phương pháp của ông thầy có vấn đề nào đó chưa phù hợp, cách tiếp cận và giáo dục chưa đủ công năng để tác động, mang lại hiệu quả; hoặc là giáo viên gắng sức dạy dỗ nhưng chưa được cha mẹ học sinh thấu hiểu, chưa nhận được sự hợp tác của phụ huynh.
Thầy có nói trăm ngàn điều hay lẽ phải, thầy có nghiêm khắc trách nhiệm đến đâu đi chăng nữa, nhưng ra khỏi cánh cổng trường là cả một xã hội, vốn chất chứa nhiều cám dỗ, ra khỏi nhà trường là giáo dục gia đình, mà không một nền tảng nào có thể thay thế và tốt hơn thế.
Tất cả các đoàn thể nhà trường đi đâu mà để giáo viên quỳ gối 40 phút? |
Giáo dục gia đình một khi đã mất gốc, mất căn bản thì giáo dục nhà trường đừng kì vọng quá nhiều vào việc thay đổi một con người.
Vợ chồng tôi cùng làm nghề dạy học, tôi luôn dặn chính mình và vợ phải cố gắng hết sức để làm đúng luật, mà đã đúng luật thì không được đánh đập chửi bới, nhục mạ học sinh v.v…
Khi mình nóng nảy, thiếu kiềm chế rất có thể tai họa sẽ ập xuống đầu lúc nào không biết, vì vậy một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng giáo dục là một nghề nguy hiểm và độc hại.
Ai cũng muốn tốt cho trò mình, ai cũng muốn trò mình tiến bộ, đó là nguyện vọng chính đáng nhưng đôi khi quên đi giới hạn nghề nghiệp cho phép là giáo viên lãnh đủ.
Nhìn vào những vụ việc, những tai họa của nghề dạy học mà lần nào gia đình, cả nội lẫn ngoại cũng dặn chúng tôi “chớ có đánh hay trừng phạt gì học sinh, dạy hết trách nhiệm là được.
Rồi lo mà dạy dỗ mấy đứa con chúng mày ở nhà ấy, niềm hi vọng đặt ở hai đứa con chứ không phải ở mấy chục đứa trên lớp đâu, không khéo rồi, dạy cho con người thì đỗ còn con mình thì hỏng.
“Giáo đa dễ thành oán”, giờ họ nuông chiều con họ lắm, có đứa bố mẹ hiểu chân tơ kẽ tóc con mình mà còn không quản được, nó đi chơi điện tử, thì chúng mày tưởng dễ giáo dục à”.
Vâng, đấy chỉ là một quan điểm, một cách nhìn, một lời nhắc nhở nhưng phân tích không phải không có cái lý của nó.
Người càng có trách nhiệm đôi khi thiếu kiềm chế thì hay gặp tai họa, nhưng người dạy chỉ lo giữ thân mình cho an toàn không cần róng riết gì sẽ thờ ơ bỏ mặc học sinh hư thì chẳng bao giờ bị sao.
Trở lại vụ việc của cô giáo ở Trường tiểu học Bình Chánh, ta thấy cách hành xử của cô như vậy là nóng nảy và khó có thể ủng hộ cách giáo dục đó, nhưng phải đặt sự việc trong hoàn cảnh, hệ thống của nó mới có thể “thông cảm”, “khấu trừ” cho cô.
Nếu phạt quỳ thường xuyên dẫn đến việc học sinh sợ không đến lớp thì buộc phải xem xét và lên án hành vi đó của cô giáo, nhưng nếu chỉ là dọa nạt một chút cho học sinh…chừa, vừa đủ để em đó biết thân mà tiến bộ thì cũng đâu phải là cái gì đó quá ghê gớm và ồn ào, khi đó chỉ cần nhắc nhở để cô rút kinh nghiệm là được rồi.
Nhưng khi phụ huynh hành xử phạt quỳ cô giáo thì mới bỏ qua, cô giáo vẫn quỳ thì lại buồn hơn.
Có thể nhất thời cô giáo nghĩ rất đơn giản khi mình sai rồi, thì bảo làm gì cũng làm thì không ổn, kể cả khi đã sai thì dũng cảm nhận lỗi, tha thứ hay không còn có pháp luật cơ mà, có thể vì bảo toàn địa vị nghề nghiệp mà cô giáo kia đã chấp nhận bỏ qua sĩ diện.
Giáo viên dù sao cũng phải có chút kẻ sĩ “uy vũ bất năng khuất” thì mới đáng mặt làm thầy.
Đến lượt vị hiệu trưởng kia lại giải quyết nửa vời, bỏ đi thì thật đáng trách.
Là một người hiểu luật, nắm luật mà hành xử bỏ mặc giáo viên sợ hệ lụy, khiến cho sự việc đi quá xa là một điều không thể chấp nhận…
…Đến hành xử của phụ huynh
Cô giáo đã sai, đã nhận lỗi, chỉ cần nhắc nhở cô như vậy là đủ, dù sao họ cũng là thầy của con mình, một khi đã phải nhận lỗi trước phụ huynh, trước phương pháp giáo dục không đúng của mình cũng là đau lòng và mất thể diện lắm rồi.
Nhưng, vị phụ huynh kia đã không hành xử như vậy để cô giáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
Quá xót con, quá nông nổi, như để… “trả thù” cô giáo, như để “ăn miếng trả miếng” theo kiểu xã hội đen, phụ huynh đã nhất quyết bắt giáo viên phải quỳ thì thật không thể chấp nhận kiểu hành xử này.
Đáng tiếc là vị phụ huynh kia cũng là đảng viên, từng là công chức, là luật sư, nghĩa là có hiểu biết nhưng cách hành xử lại khiến không ít người phẫn nộ.
Rồi đây, đứa trẻ kia sẽ lớn lên như thế nào trước dư luận đang sục sôi lên án hành động của cha mình, “sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”, người lớn phải hoàn toàn ý thức được điều này để trầm lại, tĩnh lại mà hành xử cho đúng.
Tôi vừa là giáo viên vừa là phụ huynh, tôi hiểu và thương các thầy cô khi phải dạy những đứa trẻ mà không đứa nào giống đứa nào.
Có phụ huynh con mắc chứng lề mề, chớm tăng động giảm chú ý thôi mà khi mới nhận lớp, họ đã phải nói với cô giáo của con, năm nay cô sẽ phải vất vả với cháu lắm, mong cô giáo cố gắng giúp gia đình và cháu.
Cô giáo đã rất nghiêm khắc, và họ thầm cảm ơn cô, nếu không có cô, chắc cháu không thể tiến bộ…
Rồi đây mọi ồn ào cũng sẽ qua đi, ai lỗi nặng nhẹ đến đâu sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm, nhưng những tổn thất thì sẽ mãi còn ở lại với cô giáo và nhà trường; đặc biệt với con trẻ và với vị phụ huynh kia.
Giáo dục nếu không là khoan dung thì là cái gì nữa đây! Nếu lòng khoan dung của mỗi chúng ta đủ lớn thì đâu cơ sự lại đến nông nỗi này.
Mong đây sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các bên về cách hành xử, nếu chịu thấu hiểu thì đáng ra nó đã không thể diễn ra như vậy.
Để gia đình và nhà trường cùng chung tay giáo dục con em mình tốt nhất xin hãy hành xử trên nền tảng hiểu biết và đúng pháp luật.